Chọc ối
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
Phòng Công tác xã hội
Chọc ối là một thủ thuật y khoa được thực hiện để lấy mẫu dịch ối của thai. Dịch ối được lấy bằng cách sử dụng một kim nhỏ xuyên qua thành bụng và cơ tử cung vào buồng ối. Mẫu dịch ối sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để kiểm tra một số bệnh lý của thai.
Chọc ối có thể giúp bạn biết được liệu thai nhi có bị các bất thường về gen hoặc nhiễm sắc thể hay không. Đôi khi, chọc ối được thực hiện để kiểm tra một số tình trạng khác của thai như nhóm máu, tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh lý di truyền. Do đó, xét nghiệm này được chỉ định khi thai kỳ có các yếu tố nghi ngờ bị bệnh lý về gen hoặc nhiễn sắc thể, bệnh di truyền hoặc nhiễm trùng bào thai. Nguy cơ này sẽ được tính toán dựa trên các xét nghiệm sàng lọc như xét nghiệm Double test, siêu âm đo khoảng sáng sau gáy (NT), siêu âm khảo sát hình thái thai ở 3 tháng đầu và 3 tháng giữa. Dựa trên các tính toán nguy cơ cao hay thấp, bạn sẽ được yêu cầu cần chọc ối hay không. Bác sĩ sẽ giải thích lý do vì sao chỉ định chọc ối và cần có sự đồng thuận của bạn trước khi thực hiện thủ thuật.
Chọc ối có đau không?
Mức độ đau của chọc ối cũng tương tự như khi bạn lấy máu ở tay. Hầu hết mẹ bầu trải qua chọc ối mà không cần dùng thuốc giảm đau.
Nguy cơ gì có thể gặp phải khi chọc ối?
Chọc ối làm tăng nhẹ nguy cơ sảy thai. Ước tính nguy cơ sảy thai do chọc ối thấp hơn 0,5% (trong 200 trường hợp chọc ối, có ít hơn 1 trường hợp sảy thai).
Lượng ối lấy ra rất ít (khoảng 15-30mL) nên sẽ không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nếu chọc ối được thực hiện sau tuần thứ 15 của thai kỳ.
Cần chuẩn bị gì trước khi chọc ối?
Hình minh họa - nguồn internet |
Kiểm tra tuổi thai trước khi chọc ối là việc rất quan trọng. Chọc ối được khuyến cáo thực hiện từ sau 15 tuần, lúc này nguy cơ cho thai nhi là thấp nhất.
Bạn cũng cần được xác định nhóm máu trước khi làm thủ thuật. Nếu bạn có nhóm máu Rhesus âm, bạn cần tiêm 1 liều Kháng thể miễn dịch (anti-D) sau thủ thuật.
Xét nghiệm kiểm tra các bệnh lý truyền nhiễm như viêm gan B, C, HIV nên được thực hiện trước khi làm thủ thuật.
Bạn có thể ăn uống bình thường và không cần chuẩn bị đặc biệt gì trước thủ thuật.
Chọc ối được thực hiện như thế nào?
Chọc ối là một thủ thuật được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa tiền sản có kinh nghiệm dưới sự hướng dẫn của siêu âm. Sau khi kiểm tra tư thế và nhịp tim của thai bằng siêu âm, bác sĩ sẽ làm sạch vùng da cần chọc kim bằng dung dịch sát khuẩn. Siêu âm được sử dụng nhằm tìm vị trí an toàn để đâm kim vào buồng ối, tránh chạm phải thai, dây rốn và các mạch máu lớn ở bánh nhau.
Thông thường, chỉ cần vài phút để thực hiện xong thủ thuật, khoảng 15-30mL dịch ối sẽ được lấy ra để chuyển đến phòng xét nghiệm.
Trong quá trình làm thủ thuật, bạn vẫn tỉnh táo và không cần phải gây mê.
Hình minh họa - nguồn internet |
Theo dõi sau thủ thuật như thế nào?
Sau thủ thuật, bạn không cần phải nghỉ ngơi hoàn toàn tại giường, có thể sinh hoạt bình thường nhưng nên tránh các hoạt động nặng.
Nếu xuất hiện các triệu chứng như ra huyết âm đạo, đau bụng, sốt cao hoặc dịch tiết bất thường từ âm đạo, bạn nên đến bệnh viện ngay để kiểm tra. Thông thường, nếu không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào sau 1-2 tuần đầu sau thủ thuật, khả năng cao là không có biến chứng.
Kết quả chọc ối sẽ có sau 1-2 tuần. Các xử trí tiếp theo được thảo luận tùy vào kết quả xét nghiệm dịch ối.
Tham khảo:
Xác định chính xác ngày dự sinh rất quan trọng vì ngày dự sinh là một cột mốc giúp tính toán tuổi thai và là căn cứ để đánh giá sự phát triển bình thường hay bất thường của thai nhi trong suốt quá trình khám thai. Khám thai ở 3 tháng đầu là thời điểm tốt nhất để xác định đúng ngày dự sinh.
Táo bón là tình trạng phổ biến, ảnh hưởng đến 15 - 30 % dân số và thường gặp ở phụ nữ hơn là nam giới [4]. Có đến 40% phụ nữ mang thai phàn nàn về các triệu chứng táo bón [3].
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo tránh dùng metformin ở những bệnh nhân tăng huyết áp, tiền sản giật hoặc có nguy cơ thai nhi hạn chế tăng trưởng trong tử cung vì metformin ức chế hô hấp của ty thể, điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến chức năng, sự tăng trưởng hoặc sự biệt hóa của các mô bào thai hoặc nhau thai.
Nguyên nhân gây đau đầu ở phụ nữ khi mang thai và sau sinh có thể là cơn đau đầu nguyên phát như chứng đau nửa đầu, do căng thẳng, hoặc nhức đầu từng đợt.
Xuất huyết do phôi làm tổ là tình trạng ra huyết âm đạo vào ngày thứ 10-14 sau thụ thai. Thông thường, rụng trứng xảy ra vào ngày 14 của chu kỳ kinh (với các chu kỳ kinh đều 28 ngày).