Đau lưng trong thai kỳ
Một trong những khó chịu thường gặp ở các mẹ bầu, đó là những cơn đau lưng dai dẳng, thường bắt đầu từ nửa sau của thai kỳ. Các mẹ vẫn thường an ủi nhau: có niềm vui nào mà không phải “trả giá” cơ chứ. Bé yêu đang lớn dần trong bụng mẹ, thì cơ thể mẹ chắc chắn phải trải qua nhiều biến đổi không mấy dễ chịu rồi. Nhưng có những cách có thể làm để giảm thiểu cơn đau lưng đáng ghét ấy đấy.
Nguyên nhân gây ra đau lưng trong thai kỳ
Nguyên nhân chính gây đau lưng khi mang thai là do căng cơ lưng. Khi thai kỳ tiến triển, tử cung của bạn trở nên nặng hơn. Trọng lượng tăng lên này được “mang” ở phía trước cơ thể của bạn, khiến bạn tự nhiên cong người về trước. Để giữ thăng bằng, bạn phải thường xuyên nghiêng người về sau, làm cho cơ lưng hoạt động mạnh hơn. Điều này gây ra các triệu chứng căng cứng, đau nhức cơ.
Chưa hết, khi bạn mang thai, cơ bụng của bạn – nhóm cơ hỗ trợ cột sống và đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe của lưng – cũng trở nên căng ra và yếu đi. Những thay đổi này có thể làm tăng nguy cơ bị đau lưng khi bạn tập thể dục.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho quá trình sinh nở, các dây chằng ở khớp xương có thể giãn hơn, nhưng chúng cũng có thể đồng thời gây đau lưng khi các khớp trở nên quá linh hoạt, lỏng lẻo.
Làm thế nào để giảm thiểu sự khó chịu của đau lưng trong thai kỳ?
Tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp tăng cường cơ bắp và gia tăng sự linh hoạt của cơ thể, điều này làm giảm áp lực lên cột sống của bạn. Đi bộ và bơi lội là các bài tập an toàn cho hầu hết phụ nữ mang thai. Nếu bạn có bất kỳ băn khoăn nào về việc tập luyện thể dục trong thai kỳ, hãy hỏi ý kiến bác sĩ của mình nhé.
Chườm mát/ấm: Nếu bác sĩ của bạn đồng ý, bạn có thể bắt đầu bằng cách chườm mát (có thể là khăn bọc ít viên đá lạnh/chai nước mát) lên vùng lưng bị đau tối đa 20 phút mỗi lần, khoảng vài lần một ngày. Sau hai hoặc ba ngày, chuyển sang chườm ấm vùng bị đau. Nhưng bạn hãy cẩn thận, không được chườm vào bụng đâu đấy.
Cải thiện tư thế: Khòm lưng gây áp lực rất lớn lên cột sống của bạn, nên hãy chú ý tư thế thích hợp khi đi đứng, ngồi làm việc, và cả khi nằm nữa bạn nhé. Ví dụ, ngủ nghiêng về một bên với một chiếc gối đặt giữa hai đầu gối, một chiếc gối mềm khác phía dưới bụng sẽ làm giảm áp lực lên lưng. Khi ngồi làm việc, bạn có thể đặt một chiếc gối nhỏ phía lưới thắt lưng, chân đặt cao trên bục đỡ để cột sống được hỗ trợ. Ngoài ra, hãy di chuyển bàn chân khi xoay người, tránh việc chỉ xoay lưng làm tăng áp lực lên cột sống.
Không gập người: Đừng đứng và cúi gập người xuống để nhặt đồ lên. Thay vào đó, hãy ngồi xổm xuống, gập đầu gối và giữ thẳng lưng. Tuy nhiên, mọi mẹ bầu đều hãy tránh nâng vật nặng mà nhờ sự hỗ trợ của các phái mạnh quanh bạn. Đừng ngại, bởi đây chính là dịp để họ thể hiện “bản lĩnh” của mình cơ mà!
Mang giày đế bằng: Giày đế bằng giúp phân bổ đều trọng lượng, giúp bạn giữ thăng bằng dễ dàng hơn, giảm áp lực lên cột sống và cơ lưng.
Khi nào tôi cần đến bác sĩ?
Nếu tình trạng đau lưng của bạn quá dữ dội, hoặc dai dẳng hơn 2 tuần, bạn nên liên hệ với bác sĩ của mình. Đây có thể là triệu chứng của sinh non, hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Ngoài ra, hãy đến bác sĩ ngay lập tức nếu ngoài đau lưng, bạn còn bị sốt, nóng rát khi đi tiểu hoặc chảy máu âm đạo.
Vì sự an toàn của bé, đừng uống thuốc giảm đau nếu chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ, mẹ bầu nhé.
Hoa Phượng tổng hợp từ:
https://www.webmd.com/baby/guide/back-pain-in-pregnancy#1
https://www.acog.org/Patients/FAQs/Back-Pain-During-Pregnancy?IsMobileSet=false
Xác định chính xác ngày dự sinh rất quan trọng vì ngày dự sinh là một cột mốc giúp tính toán tuổi thai và là căn cứ để đánh giá sự phát triển bình thường hay bất thường của thai nhi trong suốt quá trình khám thai. Khám thai ở 3 tháng đầu là thời điểm tốt nhất để xác định đúng ngày dự sinh.
Táo bón là tình trạng phổ biến, ảnh hưởng đến 15 - 30 % dân số và thường gặp ở phụ nữ hơn là nam giới [4]. Có đến 40% phụ nữ mang thai phàn nàn về các triệu chứng táo bón [3].
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo tránh dùng metformin ở những bệnh nhân tăng huyết áp, tiền sản giật hoặc có nguy cơ thai nhi hạn chế tăng trưởng trong tử cung vì metformin ức chế hô hấp của ty thể, điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến chức năng, sự tăng trưởng hoặc sự biệt hóa của các mô bào thai hoặc nhau thai.
Nguyên nhân gây đau đầu ở phụ nữ khi mang thai và sau sinh có thể là cơn đau đầu nguyên phát như chứng đau nửa đầu, do căng thẳng, hoặc nhức đầu từng đợt.
Xuất huyết do phôi làm tổ là tình trạng ra huyết âm đạo vào ngày thứ 10-14 sau thụ thai. Thông thường, rụng trứng xảy ra vào ngày 14 của chu kỳ kinh (với các chu kỳ kinh đều 28 ngày).