Ngày 29/11/2018

Dinh dưỡng trong thai kỳ - Bổ sung như thế nào là hợp lý?

     T.H tổng hợp và lược dịch

    Chế độ dinh dưỡng, cách ăn uống của người phụ nữ khi mang thai đặc biệt quan trọng vì có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Mỗi người phụ nữ cần quan tâm tới khẩu phần ăn của mình lúc mang thai một cách khoa học để có một thai kỳ khỏe mạnh.

    Chế độ dinh dưỡng giai đoạn 3 tháng đầu.

    Chế độ dinh dưỡng giai đoạn 3 tháng giữa.

    Chế độ dinh dưỡng giai đoạn 3 tháng cuối.

    Một số lưu ý quan trọng về dinh dưỡng khi mang thai.

    Chế độ dinh dưỡng giai đoạn 3 tháng đầu:

    Đây là GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC của thai nhi như tủy sống, não, tim, phổi, gan...nên cần tăng cường

    các thực phẩm giàu đạmnhư: trứng, sữa, thịt, đậu đỗ.

    Chia lượng thức ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ để bớt cảm giác nghén nhằm đảm bảo đủ chất dinh dưỡng để thai nhi phát triển.

    Dinh dưỡng hợp lý, khắc phục tình trạng nghén để đạt mức tăng cân phù hợp với tình trạng trước khi mang thai (bình thường là tăng 1kg).

    Bổ sung Sắt-acid folic/ viên đa vi chất:

    Ngoài việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn, bà mẹ cần uống bổ sung viên sắt-acid folic/ viên đa vi chất để phòng thiếu máu và giảm nguy cơ con bị dị tật.

    Liều dùng như sau:

    + Mỗi ngày uống 1 viên trong suốt thời gian có thai đến sau đẻ 1 tháng. Mỗi viên gồm 60mg sắt và 400mcg acid folic.

    + Nếu phụ nữ mang thai có thiếu máu: cần uống theo chỉ định của bác sĩ.

    Lưu ý:

    Uống viên sắt – acid folic có thể gây ra một số tác dụng phụ như táo bón, buồn nôn nhưng không gây hại gì và thường mất đi sau vài tuần. Để giảm bớt cảm giác khó chịu do tác dụng phụ của thuốc, nên uống thuốc vào một giờ nhất định; Ăn thêm rau, quả và uống nhiều nước.

    Chế độ dinh dưỡng giai đoạn 3 tháng giữa:

    • Đây là GIAI ĐOẠN THAI PHÁT TRIỂN NHANH vì vậy cần tăng đáp ứng năng lượng cho bà mẹ khi có thai.
    • Khẩu phần ăn của người mẹ trong giai đoạn 3 tháng giữa nên tăng 250kcal/ngày (tương đương 1 bát cơm và thức ăn hợp lý).
    • Đây là giai đoạn phát triển về khung xương, chiều cao của trẻ nên người mẹ chú ý ăn các thực phẩm giàu can xi, kẽm như: tôm, cua, trứng, sữa, thủy sản.

    Đảm bảo cung cấp đủ Can-xi:

    Đảm bảo cung cấp đủ 1200mg/ngày, vì thế ngoài chế độ ăn thông thường cần bổ sung thêm 6 đơn vị sữa/ngày.

     

    1 đơn vị ăn của sữa và chế phẩm sữa cung cấp 100mg can xi, tương đương:

    - 1 miếng phô mai có trọng lượng bằng 15g

    - 1 hộp sữa chua 100g.

    - 1 cốc sữa dạng lỏng 100ml ( sữa dạng lỏng có thể là sữa tươi, sữa tiệt trùng hoặc sữa bột).

    -> Như vậy mẹ bầu cần bổ cung 6 đơn vị sữa mỗi ngày, tương đương:

     

     

     Chế độ dinh dưỡng giai đoạn 3 tháng cuối:

    • Đây là GIAI ĐOẠN THAI NHI PHÁT TRIỂN CÂN NẶNG NHANH NHẤTvì vậy người mẹ cần đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ,
      đa dạng để đáp ứng nhu cầu của thai nhi. 
    • Khẩu phần ăn của người mẹ trong giai đoạn 3 tháng cuối nên tăng 450kcal/ngày (tương đương 2 bát cơm và thức ăn hợp lý).

    Tăng cường bổ sung đa dạng thực phẩm: ngoài cơm ăn đủ no, bữa ăn của bà mẹ cần bổ sung thêm chất đạm và chất béo giúp cho việc xây dựng và phát triển cơ thể của trẻ.

    Nên cố gắng sử dụng sữa và các chế phẩm của sữa sao cho đạt 6 đơn vị sữa/ ngày như ở 3 tháng giữa thai kỳ (tương đương 600mg canxi bao gồm: 2 miếng phô mai, 2 hộp sữa chua và 200ml sữa/ ngày)

    Một số lưu ý quan trọng về dinh dưỡng khi mang thai:

    1) Đồ ăn, thức uống nên hạn chế:

    • Tuyệt đối không hút thuốc, uống rượu, chất kích thích.
    • Giảm ăn các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi.
    • Hạn chế uống cà phê và các thức ăn chế biến công nghiệp trong thời gian mang thai.
    • Giảm ăn mặn đối với những người mẹ có phù, tăng huyết áp hoặc bị nhiễm độc thai nghén để tránh tai biến khi sanh.

    2) Không nên quá kiêng khem:

    Phụ nữ có thai không nên chỉ ăn một vài loại thức ăn hoặc ăn quá nhiều thức ăn chua hoặc cay..., vì dễ gây thiếu dinh dưỡng cho cả mẹ và thai nhi. Bữa ăn cần đa dạng với nhiều loại thực phẩm khác nhau (nên có ít nhất 10 loại thực phẩm/1 bữa ăn chính).

    3) Việc dùng thuốc trong thời gian mang thai cần đặc biệt thận trọng và phải tuân thủ  hướng dẫn của cán bộ y tế.

    Tài liệu tham khảo:

    Hướng dẫn quốc gia về dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú – Bộ Y tế Việt Nam

    Healthy eating during pregnancy and breastfeeding (WHO)

    Hình ảnh minh họa: vectorstock.com

    CN. Phạm Thu Hằng

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ