Ngày 14/12/2018

Hướng dẫn theo dõi cử động thai

Cử động thai là gì?

Cử động thai (hay còn gọi là thai máy) là khi thai nhi có những cử động như xoay trở mình, tay chân hay toàn thân, mà người mẹ cảm nhận được.

Tại sao cần theo dõi cử động thai?

Cử động thai là biểu hiện tình trạng sức khỏe của thai nhi. Khi số lần thai cử động giảm đó là dấu hiệu báo động tình trạng sức khỏe kém của thai nhi. Khi thai nhi không cử động hay cử động yếu, có thể thai yếu hoặc thai lưu.

Các thời điểm nhận biết cử động thai?

Các phụ nữ mang thai sẽ bắt đầu cảm nhận được những cử động thai của thai nhi vào  tuần lễ thứ 18 – 20 của thai kỳ. Trong ba tháng giữa này, cử động của thai nhi thường không đều, nhưng càng về sau càng đều hơn. Thời gian cử động thai rõ nhất bắt đầu từ tuần thứ 26.

Ngoài cảm giác hạnh phúc khi nhận biết những cử động của thai, thai phụ cần quan tâm cách theo dõi sức khỏe thai nhi qua việc đếm cử động thai. Đây là phương thức chủ động nhất để thai phụ cùng nhân viên y tế theo dõi sức khỏe thai nhi.

Tốt nhất là đếm cử động thai sau ăn no. Nên đếm cử động thai 2 – 3 lần trong ngày, vào những giờ cố định.

Khi thai ngủ, cử động thai sẽ giảm hoặc không có. Thời gian thai nhi ngủ khoảng 20-40 phút, thông thường không quá 90 phút.

Cách đếm cử động thai?

-      Thai phụ cần đi tiểu để bàng quang trông trước khi đếm cử động thai. Đặt tay lên bụng để cảm nhận những cử động của thai.

-      Đếm số đợt thai nhi cử động trong vòng một giờ.

-      Thai nhi khỏe mạnh khi có ít nhất 4 đợt cử động trong 1 giờ.

-      Nếu có ít hơn 4 đợt cử động thai, thai phụ phải nằm nghỉ và đếm cử động thai trong 1 giờ tiếp theo hoặc đếm trong 2 giờ. Nếu trong 2 giờ tiếp theo, có ít hơn 10 cử động thai, cần đến ngay cơ sở y tế để theo dõi tình trạng thai bằng những phương pháp khác.

Sức khỏe thai nhi như thế nào?

 

Chúc quý thai phụ có một cuộc vượt cạn thành công,

mẹ tròn con vuông

(T.H tổng hợp)


Phạm Thu Hằng

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ