Khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú
Can xi là một chất khoáng rất quan trọng cần cho quá trình phát triển xương của trẻ trong giai đoạn bào thai và tuổi nhỏ. Phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú có nhu cầu can xi cao hơn so với bình thường. Nếu khẩu phần thiếu hụt can xi, cơ thể phải cân bằng can xi trong máu bằng cách huy động can xi từ xương. Vì vậy, nếu nhu cầu can xi của người mẹ không được đáp ứng đủ trong những giai đoạn này, sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao của trẻ và tăng nguy cơ loãng xương của người mẹ sau này.
Sữa và chế phẩm sữa không chỉ là nguồn cung cấp can xi quan trọng mà còn là những thực phẩm có đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu và ở tỷ lệ cân đối rất tốt cho sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Sử dụng sữa và chế phẩm sữa hợp lý trong thời kỳ mang thai và cho con bú giúp cải thiện khẩu phần can xi, giúp hấp thu và chuyển hóa can xi tốt hơn.
Giá trị dinh dưỡng của sữa và chế phẩm sữa:
- Sữa dạng lỏng: Sữa là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, có đầy đủ chất đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh.
- Sữa chua: sữa chua là một loại thực phẩm rất tốt trong chế độ ăn hàng ngày của phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú. Đặc biệt trong thời kỳ có thai, bà mẹ có thể bị nghén gây chán ăn, sữa chua có các chủng vi khuẩn có lợi cho đường ruột, giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn và ăn ngon miệng hơn, đặc biệt sữa chua rất phù hợp cho những người không dung nạp đường lactose.
- Phô mai: phô mai có độ đậm chất dinh dưỡng cao trong 1 thể tích nhỏ, hàm lượng can xi trong phô mai cao gấp 3-6 lần sữa và sữa chua, điều này rất có lợi cho những bà mẹ bị nghén khi mang thai. Bà mẹ có thể ăn phô mai trực tiếp hoặc dùng phô mai để chế biến nhiều món ăn khác nhau để thay đổi khẩu vị và chất lượng món ăn như: phô mai chiên trứng, cá hồi sốt phô mai, súp rau củ phô mai...
Khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa hàng ngày cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú:
1 đơn vị ăn của sữa và chế phẩm sữa cung cấp 100mg can xi, tương đương:
- 1 miếng phô mai có trọng lượng bằng 15g
- 1 hộp sữa chua 100g.
- 1 cốc sữa dạng lỏng 100ml ( sữa dạng lỏng có thể là sữa tươi, sữa tiệt trùng hoặc sữa bột).
Phụ nữ mang thai cần bổ cung 6 đơn vị sữa mỗi ngày, tương đương:
· 30g phô mai (2 miếng phô mai)
· 200ml sữa chua (2 hộp sữa chua)
· 200ml sữa dạng lỏng (2 ly sữa nhỏ)
Bà mẹ cho con bú cần bổ cung 6,5 đơn vị sữa mỗi ngày, tương đương:
· 30g phô mai (2 miếng phô mai)
· 200ml sữa chua (2 hộp sữa chua)
· 250ml sữa dạng lỏng (2,5 ly sữa nhỏ)
CÁCH CHỌN SỮA VÀ CHẾ PHẨM SỮA:
- 1. Nguyên tắc chung:
- Xem kỹ nhãn mác về hạn sử dụng, thành phần dinh dưỡng, đặc biệt là hàm lượng đạm, canxi và chất béo, lượng đường bổ sung...để lựa chọn được sản phẩm phù hợp.
- Nên lựa chọn sữa công thức dinh dưỡng dựa trên các công thức bổ sung vi chất cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Nên chọn sữa và sữa chua ít đường hoặc không đường.
- Chọn các sản phẩm đã được cấp phép của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
- 2. Lưu ý:
- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú có thể lựa chọn sữa tươi hoặc sữa bột.
- Đối với những người tăng cân quá nhiều hoặc có rối loạn đường máu cần lưu ý về hàm lượng đường và chất béo trong sữa.
- Với những người không dung nạp đường lactose có thể tập uống sữa với lượng tăng dần hoặc thay thế bằng sữa chua hoặc phô mai.
- Không nên ăn sữa chua vào lúc đói dễ bị cồn ruột và các vi khuẩn có ích trong sữa chua dễ bị chết bởi độ acid trong dạ dày làm giảm tác dụng của các vi khuẩn có lợi.
- Sữa chua và sữa thanh trùng cần được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
(TH – tổng hợp)
Tài liệu tham khảo:
Hướng dẫn quốc gia về dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú – Bộ Y tế Việt Nam
Xác định chính xác ngày dự sinh rất quan trọng vì ngày dự sinh là một cột mốc giúp tính toán tuổi thai và là căn cứ để đánh giá sự phát triển bình thường hay bất thường của thai nhi trong suốt quá trình khám thai. Khám thai ở 3 tháng đầu là thời điểm tốt nhất để xác định đúng ngày dự sinh.
Táo bón là tình trạng phổ biến, ảnh hưởng đến 15 - 30 % dân số và thường gặp ở phụ nữ hơn là nam giới [4]. Có đến 40% phụ nữ mang thai phàn nàn về các triệu chứng táo bón [3].
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo tránh dùng metformin ở những bệnh nhân tăng huyết áp, tiền sản giật hoặc có nguy cơ thai nhi hạn chế tăng trưởng trong tử cung vì metformin ức chế hô hấp của ty thể, điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến chức năng, sự tăng trưởng hoặc sự biệt hóa của các mô bào thai hoặc nhau thai.
Nguyên nhân gây đau đầu ở phụ nữ khi mang thai và sau sinh có thể là cơn đau đầu nguyên phát như chứng đau nửa đầu, do căng thẳng, hoặc nhức đầu từng đợt.
Xuất huyết do phôi làm tổ là tình trạng ra huyết âm đạo vào ngày thứ 10-14 sau thụ thai. Thông thường, rụng trứng xảy ra vào ngày 14 của chu kỳ kinh (với các chu kỳ kinh đều 28 ngày).