Ngày 14/10/2020

Mẹ bầu nghe nhạc: có nên áp tai nghe nhạc lên bụng?

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

P. Công tác xã hội

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thai nhi đã bắt đầu “học” từ trong tử cung. Âm nhạc và giọng nói của mẹ là 2 yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển não bộ của thai nhi.

Âm nhạc trong thai kỳ có những lợi ích gì?

 Kiểm soát căng thẳng, lo âu, trầm cảm chu sinh:

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy âm nhạc giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng căng thẳng, lo âu và trầm cảm của người mẹ trước, trong và sau sinh. Nếu người mẹ bị trầm cảm, lo lắng hoặc căng thẳng trong khi mang thai, con của họ sẽ tăng khả năng gặp phải các kết cục bất lợi bao gồm các vấn đề về cảm xúc, các triệu chứng rối loạn kém tập trung hoặc suy giảm phát triển nhận thức.

Kích hoạt quá trình học tập và trưởng thành của não bộ thai nhi:

Ở cấp độ phân tử, âm nhạc đã được chứng minh làm thay đổi sự dẫn truyền và có ảnh hưởng trực tiếp đến các yếu tố tăng trưởng thần kinh. Bên cạnh đó, âm nhạc còn có tác động lên hệ thống nội tiết bao gồm các thay đổi hoạt động sản xuất steroid tuyến thượng thận và tuyến sinh dục. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến sự tăng sinh nguyên bào thần kinh, hình thành sợi trục, khớp thần kinh và tổ chức tế bào thần kinh quyết định hoạt động nhận thức và hành vi thai nhi.

Có ý kiến cho rằng âm nhạc làm tăng trí thông minh của thai nhi, kích thích âm thanh giúp tăng cường khả năng ghi nhớ của não bộ, hiệu ứng Mozart tăng cường khả năng sáng tạo và kỹ năng nhận thức, đồng thời nghe nhạc ru trong tử cung sẽ cải thiện thói quen ngủ sau khi sinh.

 Chuẩn bị tốt nhất về tinh thần và thể chất cho trẻ em sau khi chào đời:

Âm nhạc giúp điều hoà cảm xúc và nhận thức của trẻ. Trẻ sơ sinh của các bà mẹ được nghe nhạc có hành vi, cảm xúc và sự tự chủ ổn định hơn so với nhóm không tiếp xúc với âm nhạc.

Một nghiên cứu RCT cho thấy thai nhi ở nhóm nghe nhạc có nhịp tim thai cơ bản và dao động nội tại cao hơn nhóm không nghe nhạc. Những trẻ sơ sinh này cũng có biểu hiện linh hoạt hơn và thời gian tỉnh táo dài hơn khi tiếp xúc với cùng một kích thích âm nhạc sau sinh.

Ngoài ra âm nhạc đã được chứng minh giúp tăng cường các giác quan như thính giác, thị giác, xúc giác từ trong bào thai, cải thiện chức năng vận động và phản xạ chủa thai nhi, kiểm soát đau và giúp thai nhi thư giãn.

 Kết nối tình mẫu tử:

Âm nhạc là một công cụ hoàn hảo để tăng cường tình cảm mẹ con. Một nghiên cứu gần đây đã xem xét khía cạnh phức tạp của việc sinh ngả âm đạo và đau đớn. Việc sử dụng liệu pháp âm nhạc trong quá trình chuyển dạ làm giảm lo lắng và đau đớn sau sinh, tăng sự hài lòng với việc sinh con và giảm tỷ lệ trầm cảm sau sinh.

Nên nghe nhạc như thế nào? 

 

Bạn nên biết rằng, tử cung là một nơi rất ồn ào đối với thai nhi. Tiếng nhu động ruột, co bóp dạ dày, tiếng tim đập, luồng khí ra vào phổi của bạn đều được khuyếch đại bên trong tử cung. Đặc biệt là giọng nói của bạn sẽ được truyền đi xuyên suốt cơ thể thông qua hệ thống mô cơ xương.  

Trong thai kỳ, bạn nên duy trì âm thanh bên ngoài ở mức 50-60 decibels (tưng ứng với âm thanh một cuộc nói chuyện thông thường). Điều này có nghĩa là bạn không nên sử dụng headphones áp trên bụng của mình. Bởi âm thanh sẽ rất ồn nếu truyền đến thai nhi theo cách này. Bạn có thể đến các buổi hoà nhạc hoặc rạp chiếu phim một vài lần nhưng không được thường xuyên. Cần tránh các buổi hoà nhạc ồn ào sau 18 tuần thai kỳ.

Không có giới hạn cho thời gian nghe nhạc. Chỉ cần âm thanh với âm lượng vừa phải bạn có thể nghe bất kỳ thời điểm nào bạn muốn. Tuy nhiên việc tuân thủ các giờ sinh học cơ bản sẽ giúp cho bạn và con có một sức khoẻ tốt.

Các chuyên gia khuyến cáo rằng các bản nhạc có giai điệu đơn giản là tốt nhất. Tuy nhiên không nhất thiết phải nghe một loại nhạc cụ thể nào, chỉ cần bạn cảm thấy vui vẻ khi nghe nhạc, con bạn cũng sẽ thưởng thức nó.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Mastnak W. Perinatal Music Therapy and Antenatal Music Classes: Principles, Mechanisms, and Benefits. The Journal of Perinatal Education, 2016.

Arya R., Chansoria M., Konanki R., & Tiwari D. K. Maternal music exposure during pregnancy influences neonatal behaviour: An open-label randomized controlled trial. International Journal of Pediatrics, 2012.

https://www.healthline.com/health/pregnancy/music-for-baby-in-womb

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ