Nên và không nên khi mang thai
Ngay khi bé chỉ mới là một hạt mầm bé xíu xuất hiện trong tử cung của bạn, thì bạn đã phải nhận lấy trách nhiệm đảm bảo một môi trường lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất để bé phát triển. Danh sách những điều nên và không nên trong thai kỳ dưới đây có thể giúp bạn có thêm hiểu biết để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho bé yêu của mình.
NÊN:
Dùng vitamin bổ sung
Duy trì chế độ ăn uống giàu vitamin và khoáng chất là cách tốt nhất để cung cấp cho cơ thể bạn mọi dưỡng chất cần thiết hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Nhưng chỉ riêng chế độ ăn uống có thể là chưa đủ nếu thai phụ không đảm bảo được đầy đủ 4 nhóm đường, đạm, chất béo và vitamin.
Các loại vitamin bổ sung trong thai kỳ chứa hàm lượng cao các chất dinh dưỡng nhất định mà các mẹ bầu cần ở liều cao hơn, như acid folic, canxi, sắt... Đây là những loại vitamin hỗ trợ sự phát triển của thai nhi và giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh. Nhưng cũng hãy cẩn thận. Sử dụng vitamin quá liều có thể gây hại cho em bé đấy. Vì vậy, hãy trao đổi với bác sĩ để được kê loại vitamin bổ sung phù hợp với tình trạng của bạn.
Ngủ nhiều
Việc thay đổi nồng độ nội tiết tố, cũng như sự lo lắng, hồi hộp có thể khiến mẹ bầu khó ngủ suốt thai kỳ. Nhưng đây cũng là thời điểm cơ thể bạn thật sự cần được nghỉ ngơi nhiều nhất, đặc biệt là trong 3 tháng cuối.
Hãy chợp mắt khi bạn cảm thấy mệt mỏi, bởi đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn cần được nghỉ ngơi nhiều hơn. Bạn cũng nên nghỉ trưa và lên lịch ngủ sớm mỗi tối. Đôi khi bạn không thể ngủ, nhưng nằm nghỉ và nhắm mắt cũng có thể giúp cơ thể bạn được nghỉ ngơi, thư giãn.
Tập thể dục
Thể dục rất tốt cho cả mẹ lẫn bé. Tập luyện thường xuyên sẽ giúp bạn tránh khỏi các vấn đề khó chịu của thai kỳ như: mất ngủ, đau cơ, tăng cân quá độ, tâm trạng thất thường… Nếu việc tập luyện đã là thói quen từ trước khi mang thai của bạn, hãy nói chuyện với bác sĩ để có những điều chỉnh nếu cần nhằm duy trì thói quen của mình, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba của thai kỳ. Nếu không, hãy hỏi ý kiến bác sĩ xem môn thể thao nào thích hợp với bạn.
Ăn hải sản
Hải sản chứa nhiều vitamin và khoáng chất, như omega 3, kẽm, sắt… là những chất rất quan trọng cho cả mẹ và bé. Nhưng hải sản sống hay chín tái có thể sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh một số loại cá chứa nhiều thủy ngân như cá kiếm, cá ngừ…
Tăng cân có kiểm soát
“Ăn cho hai người” không có nghĩa là bạn phải ăn gấp đôi mọi thứ và ăn bất cứ thứ gì mình muốn. Ngược lại, bạn cần có “chiến lược” nên ăn gì và ăn bao nhiêu. Tăng cân quá nhiều trong thai kỳ có thể có nhiều hại hơn lợi cho em bé, với những nguy cơ như tiền sản giật, tiểu đường, tăng tỉ lệ sinh non, sinh mổ. Còn tăng cân quá ít dễ dẫn đến tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai suy dinh dưỡng, tăng tỷ lệ sinh non.
KHÔNG NÊN:
Hút thuốc
Khói thuốc lá làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh như sứt môi, hở hàm ếch, bệnh hen suyễn, tim mạch… ở bé. Nó cũng làm tăng nguy cơ sảy thai, thai lưu hoặc sinh non ở mẹ bầu. Vì thế, bạn hãy từ bỏ ngay thói quen hút thuốc và tránh xa những nơi có khói thuốc ra nhé.
Ăn đồ sống, các loại thực phẩm như xúc xích, thịt nguội và sữa chưa tiệt trùng
Thực phẩm sống hay tái có khả năng thiếu đảm bảo vệ sinh, chứa những loại vi khuẩn có thể gây tiêu chảy, khiến bạn nhiễm sán, thậm chí ngộ độc.
Xúc xích, thịt nguội không được chế biến kỹ và sữa chưa được tiệt trùng có thể chứa vi khuẩn Listeria. Nhiễm khuẩn Listeria có thể gây sinh non, thậm chí sảy thai hay thai lưu.
Uống thức uống có cồn
Những thức uống có cồn như bia rượu ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của em bé trong bụng bạn. Tác động trầm trọng của việc sử dụng bia rượu là hội chứng ngộ độc rượu ở thai nhi (FAS) với những hậu quả như tổn thương hệ thần kinh trung ương, giảm phát triển thể chất, gây ra những dị tật như bất thường khuôn mặt, bệnh tim bẩm sinh và hàng loạt những vấn đề hành vi khác. Ngay cả một lượng nhỏ rượu cũng có thể là một vấn đề nghiêm trọng, nên hãy tránh xa chúng bạn nhé.
Xông hơi hay ngâm bồn nước nóng
Môi trường nhiệt độ cao của bồn nước nóng hay phòng xông hơi có thể gây nguy hiểm cho mẹ bầu. Nghiên cứu cho thấy nó làm tăng gấp đôi nguy cơ sảy thai trong tam cá nguyệt đầu tiên. Ngoài ra, nhiệt độ quá nóng có thể gây ra những vấn đề cho thai nhi, bao gồm cả nguy cơ dị tật bẩm sinh.
Hoa Phượng tổng hợp và lược dịch
Nguồn: healthline.com; webmd.com
Xác định chính xác ngày dự sinh rất quan trọng vì ngày dự sinh là một cột mốc giúp tính toán tuổi thai và là căn cứ để đánh giá sự phát triển bình thường hay bất thường của thai nhi trong suốt quá trình khám thai. Khám thai ở 3 tháng đầu là thời điểm tốt nhất để xác định đúng ngày dự sinh.
Táo bón là tình trạng phổ biến, ảnh hưởng đến 15 - 30 % dân số và thường gặp ở phụ nữ hơn là nam giới [4]. Có đến 40% phụ nữ mang thai phàn nàn về các triệu chứng táo bón [3].
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo tránh dùng metformin ở những bệnh nhân tăng huyết áp, tiền sản giật hoặc có nguy cơ thai nhi hạn chế tăng trưởng trong tử cung vì metformin ức chế hô hấp của ty thể, điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến chức năng, sự tăng trưởng hoặc sự biệt hóa của các mô bào thai hoặc nhau thai.
Nguyên nhân gây đau đầu ở phụ nữ khi mang thai và sau sinh có thể là cơn đau đầu nguyên phát như chứng đau nửa đầu, do căng thẳng, hoặc nhức đầu từng đợt.
Xuất huyết do phôi làm tổ là tình trạng ra huyết âm đạo vào ngày thứ 10-14 sau thụ thai. Thông thường, rụng trứng xảy ra vào ngày 14 của chu kỳ kinh (với các chu kỳ kinh đều 28 ngày).