Nhau tiền đạo là gì?
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
Phòng Công tác xã hội
Hình minh họa - nguồn internet |
Bình thường bánh nhau bám ở đoạn thân hoặc đáy tử cung. Gọi là nhau tiền đạo khi bánh nhau bám thấp về phía đoạn dưới tử cung, che một phần hoặc che kín toàn bộ lỗ cổ tử cung, làm cản trở đường ra của thai nhi khi chuyển dạ. Ngoài ra, khi nhau tiền đạo tồn tại ở 3 tháng cuối của thai kỳ, nó có thể gây xuất huyết nặng trong thai kỳ, khi chuyển dạ hoặc sau sinh.
Có 4 loại nhau tiền đạo, được phân loại dựa vào khoảng cách so với lỗ trong cổ tử cung:
- Nhau bám thấp (Type 1): khi bờ dưới bánh nhau bám ở đoạn dưới tử cung nhưng chưa đến lỗ trong cổ tử cung, cách lỗ trong cổ tử cung <2cm.
- Nhau bám mép (Type 2): bờ dưới bánh nhau bám đến sát lỗ trong cổ tử cung.
- Nhau tiền đạo bán trung tâm (Type 3): bờ dưới bánh nhau phủ qua và che kín một phần lỗ trong cổ tử cung.
- Nhau tiền đạo trung tâm (Type 4): bánh nhau phủ qua và che kín hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung.
Phát hiện nhau tiền đạo bằng cách nào?
Siêu âm là phương pháp an toàn và hiệu quả để phát hiện nhau tiền đạo. Khi khám thai, bạn sẽ được khảo sát hình thái em bé, sự phát triển của thai, đồng thời bác sĩ có thể xác định vị trí bám của bánh nhau và dây rốn thông qua siêu âm.
Sản phụ có nhau tiền đạo có thể biểu hiện triệu chứng ra huyết âm đạo đột ngột ở thời điểm 3 tháng cuối thai kỳ, lượng ít hoặc nhiều, không kèm theo đau bụng. Đa số trường hợp, tình trạng ra huyết sẽ ổn định sau vài ngày. Theo quá trình phát triển của thai nhi ở 3 tháng cuối, ra huyết âm đạo có thể tái phát nhiều lần và lần sau thường ra huyết nhiều hơn lần trước.
Khám âm đạo sẽ quan sát thấy có máu đỏ tươi chảy ra từ lỗ trong cổ tử cung.
Tim thai thường không bị ảnh hưởng, trừ khi mất máu quá nhiều gây choáng hoặc có nhau bong non.
Nguyên nhân gì gây ra nhau tiền đạo?
Nguyên nhân chính xác gây ra nhau tiền đạo vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, thống kê cho thấy nhau tiền đạo thường xuất hiện ở những đối tượng sau:
- Hút thuốc lá hoặc sử dụng cocaine.
- Tuổi mẹ trên 35
- Mang thai nhiều lần
- Sảy thai, nạo hút thai nhiều lần.
- Có nhau tiền đạo ở lần mang thai trước.
- Có sẹo mổ trên tử cung như sẹo mổ lấy thai, mổ bóc u xơ tử cung…
- Viêm nhiễm tử cung
Nguy cơ nhau tiền đạo gây ra cho mẹ và thai:
Nguy cơ cho mẹ: Ra huyết âm đạo nhiều hoặc tái phát nhiều lần, đặc biệt là ở 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu ra huyết quá nhiều và không được can thiệp kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ.
Nguy cơ cho thai nhi:
- Thai chậm tăng trưởng trong tử cung hoặc suy thai.
- Mổ lấy thai sớm hoặc sinh non khiến trẻ có nguy cơ cao suy hô hấp và tử vong vì non tháng.
- Ngôi thai bất thường: ngôi ngang, ngôi mông.
Cần lưu ý gì khi được chẩn đoán nhau tiền đạo?
Khi được chẩn đoán nhau tiền đạo, bạn cần lưu ý đến tình trạng ra huyết âm đạo. Nếu có ra huyết âm đạo nhiều, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí cấp cứu.
Khám thai theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế đối với một thai kỳ nguy cơ cao. Nên nghỉ ngơi, hạn chế đi lại nhiều, tránh đi chơi xa, không làm việc nặng và kiêng giao hợp.
Không có biện pháp chữa khỏi nhau tiền đạo. Mục tiêu của việc điều trị là kiểm soát và hạn chế chảy máu cho đến khi thai đủ tháng hoặc có khả năng sống được sau sinh.
Mổ lấy thai chủ động đối với những trường hợp nhau tiền đạo trung tâm, bán trung tâm hoặc mổ cấp cứu khi ra huyết âm đạo nhiều tiến triển. Riêng với trường hợp nhau bám thấp, bạn có thể sinh ngả âm đạo được nếu không có các chống chỉ định khác.
Xác định chính xác ngày dự sinh rất quan trọng vì ngày dự sinh là một cột mốc giúp tính toán tuổi thai và là căn cứ để đánh giá sự phát triển bình thường hay bất thường của thai nhi trong suốt quá trình khám thai. Khám thai ở 3 tháng đầu là thời điểm tốt nhất để xác định đúng ngày dự sinh.
Táo bón là tình trạng phổ biến, ảnh hưởng đến 15 - 30 % dân số và thường gặp ở phụ nữ hơn là nam giới [4]. Có đến 40% phụ nữ mang thai phàn nàn về các triệu chứng táo bón [3].
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo tránh dùng metformin ở những bệnh nhân tăng huyết áp, tiền sản giật hoặc có nguy cơ thai nhi hạn chế tăng trưởng trong tử cung vì metformin ức chế hô hấp của ty thể, điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến chức năng, sự tăng trưởng hoặc sự biệt hóa của các mô bào thai hoặc nhau thai.
Nguyên nhân gây đau đầu ở phụ nữ khi mang thai và sau sinh có thể là cơn đau đầu nguyên phát như chứng đau nửa đầu, do căng thẳng, hoặc nhức đầu từng đợt.
Xuất huyết do phôi làm tổ là tình trạng ra huyết âm đạo vào ngày thứ 10-14 sau thụ thai. Thông thường, rụng trứng xảy ra vào ngày 14 của chu kỳ kinh (với các chu kỳ kinh đều 28 ngày).