Nồng độ Adiponectin máu thấp trước mang thai có thể dự đoán đái tháo đường thai kỳ
ThS. BS. Trần Thị Liên Hương (dịch)
Phòng Kế hoạch tổng hợp - BV Từ Dũ
Trong một nghiên cứu mới, nồng độ hormon adiponectin trong máu được định lượng trung bình 6 năm trước khi mang thai. Nồng độ này thấp có liên quan đến sự gia tăng gấp 5 lần nguy cơ đái tháo đường thai kỳ và độc lập so với các marker khác được biết đến trước đó.
“Tôi ngạc nhiên trước mối tương quan mạnh mẽ này,… độc lập với các yếu tố nguy cơ của đái tháo đường thai kỳ khác”, trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Monique M.Hedderson, đến từ Phân môn nghiên cứu Kaiser Permanente, Oakland, California, phát biểu trên Medscape Medical News.
Vì vậy, trong bài báo được đăng trên tờ Diabetes Care ngày 29 tháng 8, tiến sĩ Hedderson và cộng sự cho rằng bên cạnh những yếu tố nguy cơ trên phương diện lâm sàng và nhân chủng học đã được xác định, adiponectin có thể được coi là một marker sinh học mới tiềm năng trong việc dự đoán những phụ nữ có nguy cơ cao mắc đái tháo đường thai kỳ. Tuy nhiên, còn nhiều việc phải làm trước khi đưa test này vào quy trình lâm sàng thường quy.
Giá trị tiên đoán cao; nhưng chưa sẵn sàng để triển khai trong thời gian đầu
Theo các nhà nghiên cứu, phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao phát triển thành đái tháo đường type 2 và con của họ dễ mắc béo phì và đái tháo đường.
Đái tháo đường thai kỳ đã tăng đáng kể, khoảng 90%, trong 2 thập kỷ qua, chủ yếu do tình trạng béo phì; tuy nhiên, gần 50% phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ không hề thừa cân hoặc béo phì.
Adiponectin là hormon được tế bào mỡ adipocyte sản xuất, làm tăng mức độ nhạy cảm với insulin. Nồng độ hormon này trong máu giảm dần trong thai kỳ, tuy nhiên người ta chưa rõ liệu nồng độ adiponectin trước khi mang thai có thể là một marker đánh giá nguy cơ phát triển của đái tháo đường thai kỳ hay không.
Để tìm hiểu vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ những phụ nữ tham gia vào chương trình kiểm tra sức khỏe đa pha Kaiser Permanente, miền Nam California từ năm 1984 đến 1996. Người ta thu thập và đông lạnh các mẫu huyết thanh để tiện việc xét nghiệm sau này. Những phụ nữ này sau đó đều mang thai từ năm 1984 đến 2009. Các nhà nghiên cứu xác định 256 phụ nữ mắc đái tháo đường thai kỳ và so sánh với 497 phụ nữ không mắc bệnh này.
Sau khi đã hiệu chỉnh với các yếu tố như BMI, số lần mang thai, chủng tộc, hút thuốc lá, đường huyết, nồng độ insulin, thời gian từ lúc lấy mẫu đến lúc xét nghiệm và tiền sử đái tháo đường gia đình, nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ tăng lên ở phụ nữ có nồng độ adiponectin ở tứ phân vị thấp hơn khi so sánh với những phụ nữ có nồng độ adiponectin ở tứ phân vị cao nhất.
Nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ - giữa Adiponectin ở tứ phân vị cao nhất và thấp hơn
Adiponectin toàn phần (µg/mL) |
OR (độ tin cậy 95%)* |
Tứ phân vị 1 (1.18 – 7.19) |
5.18 (2.65 – 10.11) |
Tứ phân vị 2 (7.20 – 10.28) |
3.71 (1.09 – 7.24) |
Tứ phân vị 3 (10.29 – 13.12) |
1.45 (0.73 – 2.88) |
Tứ phân vị 4 (13.13 – 25.22) |
1.00 |
*Đã hiệu chỉnh đa biến |
Những phụ nữ thừa cân hoặc béo phì có nồng độ adiponectin thấp hơn trung vị (10.29mg/dL) có nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ tăng gấp 6.8 lần.
Nguy cơ mắc đái tháo đường thai kỳ cũng tăng lên ngay cả ở những phụ nữ có cân nặng bình thường nhưng có nồng độ adiponectin thấp. Ở nhóm này, khi nồng độ adiponectin thấp hơn trung vị thì nguy cơ đái tháo đường thai kỳ tăng lên gấp 3.5 lần – “vẫn là nguy cơ cao”, tiến sĩ Hedderson nói.
Bà cũng nhấn mạnh rằng “việc tìm thấy mối liên quan giữa những bất thường chuyển hóa nhiều năm trước khi mang thai và sự gia tăng nguy cơ đái tháo đường thai kỳ cho thấy tầm quan trọng của giai đoạn tiền thai”. “Có lẽ chúng ta nên chú ý hơn nữa vào việc giúp cho phụ nữ có được chỉ số cân nặng đúng mức và tình trạng chuyển hóa bình thường trước khi họ mang thai”.
“Chúng ta biết rằng có được nồng độ adiponectin cao là tốt, nhưng cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu khác để xác định vì sao một số phụ nữ có chỉ số này thấp”.
Một số nghiên cứu cho rằng giảm cân có thể làm tăng nồng độ adiponectin, một vài thử nghiệm nhỏ cũng cho thấy chế độ ăn kiêng có thể làm tăng chỉ số này, “tuy nhiên kết luận cần được rút ra từ những nghiên cứu lớn hơn”.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đánh giá độ nhạy và độ đặc hiệu của adiponectin trong việc tiên đoán đái tháo đường thai kỳ. Tiến sĩ Hedderson kết luận “cần nhiều nghiên cứu nữa trước khi đưa test này vào thực hành lâm sàng”.
Nguồn:
Diabetes Care. Published online August 29, 2013.
http://www.medscape.com/viewarticle/810347
Vết rạn da thực chất cũng là các lớp mô sẹo hình thành do sự rách lớp trung bì của da. Khi những vết rách này lành lại tạo thành các vết sẹo mỏng được gọi là vết rạn da.
Nguyên nhân của tình trạng này có thể liên quan đến sự thay đổi hormon và phá vỡ mô liên kết dưới da. Sợi elastin thường ngắn mỏng hơn so với vùng da khác.
Xác định chính xác ngày dự sinh rất quan trọng vì ngày dự sinh là một cột mốc giúp tính toán tuổi thai và là căn cứ để đánh giá sự phát triển bình thường hay bất thường của thai nhi trong suốt quá trình khám thai. Khám thai ở 3 tháng đầu là thời điểm tốt nhất để xác định đúng ngày dự sinh.
Táo bón là tình trạng phổ biến, ảnh hưởng đến 15 - 30 % dân số và thường gặp ở phụ nữ hơn là nam giới [4]. Có đến 40% phụ nữ mang thai phàn nàn về các triệu chứng táo bón [3].
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo tránh dùng metformin ở những bệnh nhân tăng huyết áp, tiền sản giật hoặc có nguy cơ thai nhi hạn chế tăng trưởng trong tử cung vì metformin ức chế hô hấp của ty thể, điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến chức năng, sự tăng trưởng hoặc sự biệt hóa của các mô bào thai hoặc nhau thai.
Nguyên nhân gây đau đầu ở phụ nữ khi mang thai và sau sinh có thể là cơn đau đầu nguyên phát như chứng đau nửa đầu, do căng thẳng, hoặc nhức đầu từng đợt.