Ngày 29/03/2021

Phụ nữ có nhóm máu Rhesus âm cần lưu ý gì

    ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
    P. Công tác xã hội

    Vì sao cần quan tâm đến yếu tố Rh trong nhóm máu khi mang thai?

     

    Trên bề mặt tế bào hồng cầu có một loại protein gọi là yếu tố Rhesus (Rh). Bạn có nhóm máu Rhesus âm nếu các tế bào máu của bạn không có loại protein này.

    Yếu tố Rh được di truyền từ cha mẹ sang con thông qua gen. Thai nhi có thể thừa hưởng yếu tố Rh từ bố hoặc mẹ. Khi một phụ nữ có Rh âm tính và thai nhi mang Rh dương tính, đó được gọi là bất tương hợp Rh. Thai kỳ của bạn có thể xảy ra một số vấn đề khi có bất tương hợp Rh xảy ra. Theo thống kê, tỉ lệ dân số có Rh âm rất ít, chỉ chiếm 6%. Do đó, khả năng một thai phụ Rh âm mang thai con Rh dương là rất cao.

    Khi tế bào máu thai nhi mang Rh dương tính di chuyển vào máu mẹ có Rh âm tính, cơ thể cô ấy sẽ tạo ra các kháng thể chống lại yếu tố Rh, gọi là Rh-antibodies. Các kháng thể này có thể qua nhau thai và tấn công tế bào máu của thai nhi, dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng thậm chí tử vong cho thai nhi hoặc trẻ sơ sinh. Thiếu máu bào thai là vấn đề thường gặp nhất. Có nhiều mức độ thiếu máu tùy thuộc vào lượng kháng thể qua nhau thai nhiều hay ít. Trong một số trượng hợp nặng, thai nhi hoặc trẻ sơ sinh có thể chết vì thiếu máu.

    Trong lần đầu tiên mang thai của một phụ nữ có Rh âm và bất tương hợp Rh, thai kỳ thường không xảy ra vấn đề gì. Nhưng nếu không được điều trị ở thai kỳ đầu tiên này, lần mang thai tiếp theo thai nhi sẽ gặp rủi ro rất cao. Tình trạng thiếu máu thai sẽ ngày càng nghiêm trọng dần ở những lần mang thai trong tương lai.

    Một số tình huống có thể khiến tế bào máu từ con truyền sang mẹ:

    • Quá trình chuyển dạ và sinh.
    • Bị chảy máu dưới màng đệm trong thai kỳ.
    • Khi thực hiện thủ thuật chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau.
    • Bị chấn thương vùng bụng khi mang thai.
    • Nạo phá thai, sảy thai hoặc thai ngoài tử cung.

    Làm sao để biết tôi có Rh âm hay không?

    Một xét nghiệm máu đơn giản được dùng để xác định nhóm máu ABO và tình trạng yếu tố Rh của bạn. Thông thường, xét nghiệm sẽ được thực hiện trong lần khám thai đầu tiên. Nếu bạn đã từng xét nghiệm và biết rõ tình trạng nhóm máu của mình, bạn không cần phải làm lại xét nghiệm.

     

     

    Tôi cần điều trị gì khi có Rh âm?

    Bạn cần được điều trị ngay từ lần mang thai đầu tiên. Mục tiêu của việc điều trị là ngăn cơ thể tạo ra kháng thể Rh. Bạn sẽ được tiêm một loại thuốc gọi là Globulin miễn dịch Rh. Đây là thuốc ngăn cơ thể tạo ra kháng thể (nếu cơ thể chưa tạo ra chúng).

    Trường hợp thai kỳ diễn ra bình thường, bạn sẽ được tiêm thuốc 2 lần. Lần đầu ở khoảng tuần thứ 28 và lần 2 trong vòng 72 giờ sau sinh. Ngoài ra, bạn cũng có thể cần một liều Globulin miễn dịch Rh trong một số tình huống như:

    • Sau sảy thai, nạo hút thai hoặc thai ngoài tử cung.
    • Sau thủ thuật chọc ối, sinh thiết gai nhau.
    • Khi bạn bị chảy máu trong thai kỳ.
    • Chấn thương vùng bụng khi mang thai.

    Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi có Rh âm và không được điều trị ở lần mang thai đầu tiên?

    Ở lần mang thai đầu tiên, cho dù là sảy thai, phá thai, thai ngoài tử cung hay sinh con đủ tháng, nếu không được điều trị với Globulin miễn dịch Rh, cơ thể bạn có khả năng đã tạo kháng thể.

    Để biết cơ thể đã tạo kháng thể chưa, bạn sẽ được kiểm tra bằng một xét nghiệm máu khác, đó là xét nghiệm tìm kháng thể Rh.

    Trong trường hợp đã có kháng thể, điều trị Globulin không còn giúp ích được nữa. Thai kỳ tiếp theo, con bạn sẽ có nguy cơ cao bị thiếu máu và các hậu quả của thiếu máu. Quản lý thai kỳ lúc này sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều.

    Do đó, lời khuyên dành cho bạn khi mang thai lần đầu tiên là khám thai sớm và xét nghiệm nhóm máu nếu trước đó chưa xác định. Nếu bạn có Rh âm, hãy tiêm Globulin miễn dịch Rh theo chỉ định của bác sĩ, kể cả trong trường hợp bỏ thai, sảy thai hay thai ngoài tử cung. 

    Tham khảo:

    https://www.acog.org/womens-health/faqs/the-rh-factor-how-it-can-affect-your-pregnancy

    ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ