Phụ nữ mang thai thiếu vitamin B12 có nguy cơ sinh con dị tật ống thần kinh
BS Nguyễn Thị Từ Anh (Dịch)
Khoa Sơ Sinh – BV Từ Dũ
Tạp chí Nhi khoa số tháng 3 vừa công bố kết quả của một nghiên cứu cho thấy thiếu vitamin B12 có thể là nguy cơ của dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Từ lâu, người ta đã biết thiếu axít folic (vitamin B9, folate) là một nguy cơ dẫn đến dị tật ống thần kinh của thai nhi như vô sọ, thoát vị màng tủy…và việc bổ sung chất này vào thực phẩm ở một số nước phương Tây đã giúp làm giảm tần suất dị tật ống thần kinh 50% đến 70%. Mới đây, các nhà khoa học ở Ireland đã tiếp tục nghiên cứu để tìm thêm những yếu tố nguy cơ khác dẫn đến dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Bác sĩ Anne M. Molloy của trường Đại học Trinity, Dublin, Ireland, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết vitamin B12 có liên quan về chuyển hóa với folate và những nghiên cứu trước đây cho thấy có tình trạng thiếu vitamin B12 ở những bà mẹ sinh ra con bị dị tật ống thần kinh. Vitamin B12 có nhiều trong thịt, trứng, sữa và các sản phẩm từ sữa.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành quan sát trên 56.000 phụ nữ. Những người này được lấy máu đo nồng độ vitamin B12 lúc khoảng 15 tuần tuổi thai. Đây là thời điểm rất ít phụ nữ mang thai dùng thuốc bổ hay các thực phẩm có bổ sung các vitamin. Những người được chọn vào nghiên cứu bao gồm những phụ nữ có thai nhi bị dị tật ống thần kinh, những người đã từng sinh con bị dị tật ống thần kinh nhưng lần này không bị cùng những phụ nữ mang thai nhi bình thường và chưa từng có con bị dị tật ống thần kinh.
Các tác giả cho biết nồng độ vitamin B12 của những phụ nữ có thai nhi bị dị tật ống thần kinh thấp hơn đáng kể so với những phụ nữ có thai nhi bình thường. Những phụ nữ có nồng độ vitamin B12 thấp hơn 250 ng/L có nguy cơ sinh con bị dị tật ống thần kinh cao gấp 2,5 đến 3 lần (sau khi đã điều chỉnh nguy cơ do thiếu folate).
Bác sĩ Molloy phát biểu rằng nồng độ vitamin B12 trong máu người mẹ trên 300 ng/L vào đầu thai kỳ có thể giúp bảo vệ thai nhi không bị dị tật ống thần kinh. Vitamin B12 tác động đáng kể lên chuyển hóa của axít folic để cơ thể có thể sử dụng được chất này và kết quả nghiên cứu của bà cùng đồng nghiệp gợi ra rằng hai vitamin này cùng ảnh hưởng đến nguy cơ dị tật ống thần kinh. Nghiên cứu này cũng cho thấy các phụ nữ trong tuổi sinh đẻ có thể giảm tốt hơn nguy cơ sinh thai nhi dị tật ống thần kinh bằng cách đảm bảo đủ vitamin B12 trước khi mang thai. Phát hiện này đặc biệt quan trọng đối với những phụ nữ ăn chế độ ít vitamin B12 và những phụ nữ có vấn đề về đường tiêu hóa vì bệnh lý đường tiêu hóa có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu vitamin B12.
Tuy nhiên, vẫn chưa tìm được cơ chế tại sao thiếu folate và vitamin B12 lại tác động đến sự thành lập ống thần kinh trong giai đoạn phôi thai. Các yếu tố di truyền và dinh dưỡng đều có thể đóng vai trò quan trọng. Cần có thêm những nghiên cứu để xác định có thật sự cần khuyến cáo phụ nữ dùng thuốc hay thực phẩm bổ sung vitamin B12 để giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh hay không.
Theo
Pediatrics 2009;123:917-923.
Vết rạn da thực chất cũng là các lớp mô sẹo hình thành do sự rách lớp trung bì của da. Khi những vết rách này lành lại tạo thành các vết sẹo mỏng được gọi là vết rạn da.
Nguyên nhân của tình trạng này có thể liên quan đến sự thay đổi hormon và phá vỡ mô liên kết dưới da. Sợi elastin thường ngắn mỏng hơn so với vùng da khác.
Xác định chính xác ngày dự sinh rất quan trọng vì ngày dự sinh là một cột mốc giúp tính toán tuổi thai và là căn cứ để đánh giá sự phát triển bình thường hay bất thường của thai nhi trong suốt quá trình khám thai. Khám thai ở 3 tháng đầu là thời điểm tốt nhất để xác định đúng ngày dự sinh.
Táo bón là tình trạng phổ biến, ảnh hưởng đến 15 - 30 % dân số và thường gặp ở phụ nữ hơn là nam giới [4]. Có đến 40% phụ nữ mang thai phàn nàn về các triệu chứng táo bón [3].
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo tránh dùng metformin ở những bệnh nhân tăng huyết áp, tiền sản giật hoặc có nguy cơ thai nhi hạn chế tăng trưởng trong tử cung vì metformin ức chế hô hấp của ty thể, điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến chức năng, sự tăng trưởng hoặc sự biệt hóa của các mô bào thai hoặc nhau thai.
Nguyên nhân gây đau đầu ở phụ nữ khi mang thai và sau sinh có thể là cơn đau đầu nguyên phát như chứng đau nửa đầu, do căng thẳng, hoặc nhức đầu từng đợt.