Ngày 25/07/2022

Sanh non và dọa sanh non

1/Sinh non là gì?

Sinh non là khi trẻ được sinh ra ở tuổi thai từ 22 tuần đến trước 37 tuần. Thông thường, một thai kỳ bình thường sẽ diễn ra trong 9 tháng 10 ngày (tương đương 40 tuần). Trong Sản khoa chia thành 3 giai đoạn: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối.

Phân loại mức độ sinh non

Mức độ sinh non thường được mô tả theo tuổi thai, thông thường sẽ chia ra 4 mức độ:

  • Sinh cực non: Là em bé sinh trước 28 tuần tuổi thai
  • Sinh rất non:  Là em bé sinh ra từ 28 – 31 tuần 6 ngày  
  • Sinh non trung bình: Là em bé sinh ra từ 32 – 33 tuần 6 ngày  
  • Sinh non muộn: Là em bé sinh ra từ 34 – 36 tuần 6 ngày 
  • Thai gần đủ tháng: Là em bé sinh ra từ 37 – 38 tuần 6 ngày
  • Thai đủ tháng: Là em bé sinh ra từ 39 - 41 tuần

 

2/ Trẻ bị sanh non sẽ như thế nào?

Bởi vì trẻ sinh non được sinh ra trước khi sẵn sàng về thể chất để rời khỏi bụng mẹ nên trẻ có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe ngắn hạn và dài hạn. Nên trẻ sinh non phải được chăm sóc và hỗ trợ y tế thêm ngay sau khi sinh. Tùy thuộc vào thời điểm em bé ra đời, bác sĩ sơ sinh có thể xác định tình trạng của bé và đưa ra các phác đồ điều trị cần thiết. Một số vấn đề phổ biến đối với trẻ sinh non bao gồm:

  • Vấn đề về hô hấp
  • Rối loạn thân nhiệt
  • Vấn đề tim mạch bẩm sinh
  • Các vấn đề trong đường tiêu hóa 
  • Vàng da sơ sinh
  • Thiếu máu
  • Nhiễm trùng sơ sinh

Hầu hết trẻ sinh non sẽ phát triển bình thường, nhưng chúng có nguy cơ mắc các vấn đề về phát triển cao hơn vì vậy sẽ cần kiểm tra sức khỏe và sự phát triển thường xuyên tại bệnh viện hoặc với bác sĩ nhi khoa. Nếu bạn lo lắng về sự phát triển của con mình, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn.

Các vấn đề có thể xảy ra sau này ở trẻ sinh non bao gồm:

  • Chậm phát triển ngôn ngữ
  • Các vấn đề về tăng trưởng và vận động
  • Vấn đề về nha khoa
  • Vấn đề về thị lực hoặc thính giác
  • Khó khăn trong suy nghĩ và học tập
  • Vấn đề về tâm lý

 

3/ Tại sao phụ nữ mang thai bị sanh  non?
Trên 50% các trường hợp chuyển dạ sanh non không biết được lý do. Một số yếu tố có thể gây sanh non:
- Do thai kỳ: vỡ ối non, đa thai, đa ối, thai dị dạng.
- Do mẹ    : bệnh lý của mẹ như: cao huyết áp, viêm đài bể thận, viêm ruột thừa, tử cung dị dạng, hở eo tử cung, tiền căn sanh non, ăn uống kém dinh dưỡng, hút thuốc  lá, uống rượu, lao động nặng nhọc quá sức.
- Do nhau : nhau tiền đạo, nhau bong non, thiểu năng nhau.

 

4/ Các dấu hiệu nào giúp chẩn đoán sớm chuyển dạ sanh non?
Đó là các dấu hiệu:
- Trì nặng bụng hoặc đau bụng.
- Ra nhớt hồng hoặc dịch nhầy cổ tử cung.
- Đau thắt lưng, đau quặn bụng có thể kèm tiêu chảy.

 

5/ Bạn cần phải làm gì khi có dấu hiệu  dọa sanh non?

Bạn cần phải nằm nghỉ tại giường tuyệt đối để tử cung bớt gò. Ngoài ra, bác sĩ sẽ cho bạn dùng những loại thuốc để giảm cơn gò tử cung, có thể có dùng thêm thuốc giúp kích thích trưởng thành phổi thai.
Chế độ ăn uống phải hợp vệ sinh, đầy đủ chất dinh dưỡng, dễ tiêu hoá.

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tắm rửa hàng ngày.

Báo ngay cho nhân viên y tế khi có các dấu hiệu: Đau bụng từng cơn và tăng dần, ra huyết – nước âm đạo, bé máy ít hoặc không máy,..

 

6/Bạn cần phải làm gì để dự phòng  sanh non?
- Đảm bảo khẩu phần ăn cân bằng và đầy đủ.
- Tập thể dục nhẹ không có hại, tuy nhiên cần  tránh sự luyện tập quá sức trong lúc mang thai, nhất là ở những thai phụ có nguy cơ cao.
-  Không nên hút thuốc lá hay uống rượu.
-  Đối với những thai kỳ có nguy cơ sanh non cần  kiêng giao hợp vì cơn gò tử cung thường xuất hiện sau khoái cảm.
-  Khi có dấu hiệu chuyển dạ sanh non, cần phải đến  khám ngay tại các cơ sở y tế.
- Khi có khí hư âm đạo cần phải khám và điều trị thích hợp vì đây có thể là nguyên nhân của sanh non và vỡ ối sớm.

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ