Ngày 09/04/2008

Siêu âm là gì ?

ThS. BS Hà Tố Nguyên
K. Chẩn đoán hình ảnh - BV Từ Dũ
 


Siêu âm có hại gì không ?

Trích câu dẫn trong Tài liệu siêu âm Sản Phụ Khoa uy tín của Mỹ:

"Không có một hậu quả sinh học nào được xác định cho đến nay ảnh hưởng lên bệnh nhân và thai nhi từ việc sử dụng siêu âm chẩn đoán, và hiệu quả của siêu âm mang lại cao hơn nhiều so với nguy cơ của nó…nếu có."

Tại sao phải thực hiện siêu âm chẩn đoán?

Siêu âm là một phương pháp cận lâm sàng hỗ trợ đắc lực cho các bác sĩ lâm sàng trong chẩn đoán và theo dõi bệnh nhân, thai phụ và thai nhi.

Siêu âm phổ biến, hiệu quả và an toàn tuy nhiên cần siêu âm theo đúng chỉ định và thời điểm được bác sĩ khuyến cáo.

Siêu âm trong sản khoa: Tối thiểu ở 3 thời điểm

12 tuần: xác định có thai, vị trí thai ( trong hay ngoài tử cung), tình trạng thai, số lượng thai, ngày dự sanh chính xác nhất ( +/- 3 ngày), đo độ mờ da gáy tầm soát hội chứng Down, phát hiện một số dị tật sớm như vô sọ, nang bạch huyết vùng cổ, thoát vị rốn . . ..

Thai nhi có da gáy dày sẽ có nguy cơ cao bị hội chứng Down, nhóm này sẽ được tư vấn để xét nghiệm tế bào ối giúp chẩn đoán xác định.

Thai nhi có da gáy bình thường không có nghĩa là thai bình thường, chỉ có ý nghĩa là nguy cơ hội chứng Down thấp, 25% hội chứng Down có độ mờ da gáy bình thường.

22 tuần: Để khảo sát hình thái học của thai nhi, phát hiện các dị tật thai. Đây là thời điểm lý tưởng để khảo sát vì thai đủ lớn và nước ối rộng rãi nhất.

32 tuần: Cần siêu âm màu để đánh giá sức khoẻ của thai, phát hiện các trường hợp thai chậm tăng trưởng trong tử cung và một số dị tật xuất hiện muộn.

Cần ghi nhớ, siêu âm chỉ là một xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm không thể phát hiện tất cả các dị tật thai. Tỷ lệ phát hiện dị tật thai của siêu âm gần 80%.

Siêu âm Phụ khoa:

Được chỉ định trong hai trường hợp:

- Kiểm tra phụ khoa định kỳ mỗi năm.
- Khi có triệu chứng bất thường như đau bụng, rối loạn kinh nguyệt, u ở bụng. . .

Siêu âm Bụng Siêu âm đầu dò âm đạo

Điều kiện: Bàng quang phải đầy, bàng quang trống

(Bệnh nhân mắc tiểu thật nhiều) (Không cần nhịn tiểu)

Chỉ định khi:

 - Bệnh nhân độc thân, bệnh nhân đã có gia đình.
 - Bệnh nhân đã quan hệ tình dục

Trong phụ khoa luôn cần có sự phối hợp giữa siêu âm đầu dò âm đạo và siêu âm ngã bụng để giúp chẩn đoán chính xác.

Siêu âm Vú- Chụp Nhũ ảnh:

- Siêu âm vú được chỉ định cho phụ nữ trẻ, dưới 35 tuôỉ khi có bất thường ở vú hoặc kiểm tra vú định kỳ mỗi năm.
- Nhũ ảnh được chỉ định cho phụ nữ trên 35-40 tuổi, nhằm tầm soát ung thư vú định kỳ mỗi 1-2 năm hoặc khi có triệu chứng bất thường ở vú. Không chụp nhũ ảnh khi đang có thai hay cho con bú.
- Các triệu chứng bất thường ở vú: đau vú, sờ thấy u, mảng ở vú, tiết dịch đầu vú . .
- Cần thiết phải tự khám vú định kỳ hàng tháng, ngay sau sạch kinh để phát sớm các triệu chứng bất thường ở vú.

Chụp X-Quang:

- Tim, phổi, bụng tổng quát
- Các kỹ thuật chuyên khoa sâu như HSG khảo sát sự thông thương của hai vòi trứng ở bệnh nhân vô sinh, quang kích chậu khi nghi ngờ hẹp khung chậu để tiên lượng cuộc sanh ngã âm đạo.

Đo mật độ xương: Được chỉ định cho phụ nữ tiền mãn kinh-mãn kinh, giúp chẩn đoán và điều trị kịp thời các trường hợp thiếu xương, loãng xương, ngăn ngừa được biến chứng gãy xương.

Ths. Bs. Hà Tố Nguyên ( BV Từ Dũ)

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ