Suy giãn tĩnh mạch khi mang thai
Dù không phải mọi mẹ bầu đều suy giãn tĩnh mạch, nhưng triệu chứng này phổ biến tới 60% với các mẹ trong thai kỳ.
Suy giãn tĩnh mạch là gì?
Đó là hiện tượng những mạch máu sưng gồ lên, chằng chịt và ngoằn nghèo như những đường gân xanh, tím, xuất hiện trên các vùng da như bắp chân, âm hộ hoặc ở những nơi khác nữa. Khi mang thai, nhiều phụ nữ lần đầu tiên mắc phải tình trạng này, hoặc nếu họ đã bị trước đó thì tình trạng trở nên nặng hơn. Đi kèm với những mạng lưới chằng chịt nổi trên da này là cảm giác nặng nề và đau nhức ở chân cũng như ở vùng da xung quanh, khiến các mẹ bầu khó chịu, thậm chí mất ngủ.
Các triệu chứng trở nên thật sự làm bạn khổ sở hơn vào cuối ngày, đặc biệt khi trong ngày bạn phải đứng nhiều hoặc đi bộ nhiều.
Hình minh họa - Nguồn internet
Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch khi mang thai?
- Sự chèn ép của tử cung: Khi em bé trong bụng bạn càng phát triển, tử cung lớn lên sẽ càng chèn ép tĩnh mạch lớn ở bên phải cơ thể của bạn (tĩnh mạch chủ dưới), tăng áp lực trong tĩnh mạch chân. Việc giảm lưu thông máu do sự chèn ép của tử cung cũng là nguyên nhân khiến mẹ bầu dễ suy giãn tĩnh mạch hơn.
- Sự gia tăng lượng máu khi mang thai: Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể bạn tăng lên, làm tăng thêm gánh nặng cho tĩnh mạch chân.
- Sự gia tăng của hóc- môn sinh dục nữ khi mang thai: Lượng progesterone tăng lên dẫn đến tình trạng giãn, sưng các tĩnh mạch, hình thành các tĩnh mạch hình sợi hay tĩnh mạch dạng mạng nhện.
- Khả năng bị suy giãn tĩnh mạch của bạn sẽ cao hơn nếu các thành viên khác trong gia đình bạn mắc bệnh này. Chúng hay gặp ở phụ nữ hơn nam giới. Nếu bạn đã bị suy giãn tĩnh mạch, tình trạng của bạn có xu hướng trở nên nặng hơn với mỗi lần mang thai và khi bạn lớn tuổi hơn.
- Thừa cân, mang song thai, đa thai, hoặc thường xuyên đứng trong thời gian dài cũng có thể khiến bạn có nhiều khả năng bị suy giãn tĩnh mạch.
Suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không?
Suy giãn tĩnh mạch có thể ngứa hoặc đau, trông xấu xí với những đường lằn chằng chịt gồ lên, nhưng chúng thường vô hại với mẹ bầu và với sự phát triển của bé. Mọi việc điều trị, nếu cần thiết, thường có thể được hoãn lại cho đến sau khi bé đã chào đời.
Tuy nhiên, một tỷ lệ nhỏ những người bị suy giãn tĩnh mạch có thể phát triển các cục máu nhỏ gần bề mặt da (huyết khối tĩnh mạch nông), khiến tĩnh mạch có thể cứng, giống như dây thừng, khu vực xung quanh trở nên đỏ, nóng và đau. Hãy đến bác sĩ để được tư vấn ngay nếu bạn thấy xuất hiện tình trạng nhiễm trùng quanh khu vực này, khi chân bạn sưng nặng, khi vùng da gần tĩnh mạch đổi màu, hoặc bất kỳ khi bạn cảm thấy không an tâm về tình trạng của mình. Đừng tự tiện mua thuốc sử dụng, bởi điều này có thể gây nguy hiểm cho em bé trong bụng bạn đấy.
Tin tốt là chứng giãn tĩnh mạch có xu hướng cải thiện sau khi bạn sinh con, đặc biệt là nếu bạn không bị triệu chứng này trước khi có thai. Khi đó, mọi khó chịu đều biến mất.
Làm thế nào để ngăn ngừa suy giảm tĩnh mạch khi mang thai?
Hình minh họa - Nguồn internet
Bạn có thể ngăn ngừa hoặc ít nhất là giảm thiểu chứng giãn tĩnh mạch khi mang thai nếu bạn:
- Kiểm soát tốt cân nặng, không tăng cân quá nhiều hoặc quá nhanh.
- Không đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu, mà thỉnh thoảng nên đứng dậy, đi lại xung quanh để máu huyết lưu thông.
- Không ngồi bắt tréo chân, bởi tư thế ngồi này làm giảm lưu thông máu ở chân bạn.
- Gác chân trên bục thấp (khoảng 15-20cm) để chân và bàn chân được nâng lên khi ngồi làm việc, giúp lưu thông máu dễ dàng hơn.
- Tập thể dục thường xuyên với sự cho phép của bác sĩ, phù hợp với tình trạng thai của bạn nữa nhé!
- Nằm nghiêng sang trái để giảm áp lực lên tĩnh mạch lưu thông mang máu từ chân lên đến tim.
Hoa Phượng tổng hợp
https://www.babycenter.com/0_varicose-veins-during-pregnancy_271.bc
https://www.webmd.com/baby/varicose-veins
Vết rạn da thực chất cũng là các lớp mô sẹo hình thành do sự rách lớp trung bì của da. Khi những vết rách này lành lại tạo thành các vết sẹo mỏng được gọi là vết rạn da.
Nguyên nhân của tình trạng này có thể liên quan đến sự thay đổi hormon và phá vỡ mô liên kết dưới da. Sợi elastin thường ngắn mỏng hơn so với vùng da khác.
Xác định chính xác ngày dự sinh rất quan trọng vì ngày dự sinh là một cột mốc giúp tính toán tuổi thai và là căn cứ để đánh giá sự phát triển bình thường hay bất thường của thai nhi trong suốt quá trình khám thai. Khám thai ở 3 tháng đầu là thời điểm tốt nhất để xác định đúng ngày dự sinh.
Táo bón là tình trạng phổ biến, ảnh hưởng đến 15 - 30 % dân số và thường gặp ở phụ nữ hơn là nam giới [4]. Có đến 40% phụ nữ mang thai phàn nàn về các triệu chứng táo bón [3].
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo tránh dùng metformin ở những bệnh nhân tăng huyết áp, tiền sản giật hoặc có nguy cơ thai nhi hạn chế tăng trưởng trong tử cung vì metformin ức chế hô hấp của ty thể, điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến chức năng, sự tăng trưởng hoặc sự biệt hóa của các mô bào thai hoặc nhau thai.
Nguyên nhân gây đau đầu ở phụ nữ khi mang thai và sau sinh có thể là cơn đau đầu nguyên phát như chứng đau nửa đầu, do căng thẳng, hoặc nhức đầu từng đợt.