Tắm gội sau sinh: “kiêng hay không kiêng…. nói 1 câu”
Bạn có thể đã nghe lời khuyên: “Phụ nữ sau vượt cạn rất yếu ớt nên cần tuyệt đối kiêng tắm gội trong vòng 01 tháng”. Nhiều gia đình thời nay vẫn tuân thủ theo, trong khi một số khác lại phản đối kịch liệt điều này. Vậy có thực sự cần kiêng tắm gội hay không?
Theo các bác sĩ, việc kiêng tắm gội thực sự không cần thiết, thậm chí còn ảnh hưởng đến sự phục hồi của cơ thể người mẹ. Việc tắm rửa cũng giúp vùng kín được sạch sẽ, giảm nguy cơ viêm nhiễm và giúp bạn cảm thấy thoải mái tinh thần, lưu thông máu tốt hơn.
Tùy thuộc vào việc bạn sanh thường hay sanh mổ, hoặc có biến chứng gì khi sanh hay không. Hãy hỏi bác sĩ để quyết định xem bạn có thể tắm ngay hoặc chờ thêm một thời gian ngắn.
Hình minh họa - Nguồn internet
Đối với các mẹ sau sanh thường
Không kiêng cử quá lâu, sau khoảng 1-2 ngày là bạn có thể tắm gội nhẹ nhàng và nhanh chóng dưới vòi sen bằng nước ấm. Sau khi sinh con qua ngả âm đạo, âm đạo và đáy chậu của bạn có thể sẽ bị đau, đứng dưới vòi sen là một cách lý tưởng để giảm bớt đau nhức.
Khi vết rạch ở tầng sinh môn sâu hoặc vết mổ chưa lành dễ gây đau rát thì bạn nên cẩn thận. Chú ý vệ sinh vùng kín bằng nước ấm sạch, không nhất thiết cần dùng dung dịch sát khuẩn, nhẹ nhàng vỗ khô vùng âm đạo bằng khăn. Nên vệ sinh vùng kín ít nhất 3 lần mỗi ngày hoặc nhiều hơn nếu sản dịch ra nhiều.
Các mũi khâu sẽ tự tan trong khoảng hai tuần. Thông thường sáu tuần sau khi sinh, cơ quan sinh dục của phụ nữ sẽ trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, hãy đến thăm khám tại bệnh viện trong trường hợp bạn thấy đau nhiều hơn, ra dịch âm đạo nhiều hoặc cảm giác vùng kín sưng nề.
Đối với các mẹ sau sanh mổ
Tùy theo tình trạng vết mổ, bạn có thể tắm khi thấy khỏe, tuy vậy, vẫn phải giữ sạch cơ thể bằng việc lau khô người và thay quần áo mỗi ngày. Ngay khi có thể vận động lại được và vết mổ khô bề mặt, việc tắm là cần thiết. Việc gội đầu không ảnh hưởng đến vết thương nên có thể diễn ra bình thường.
Trong hầu hết các trường hợp, vết mổ thường mất khoảng ba tuần để lành.
Bạn có thể tắm dưới vòi sen nhẹ nhàng và nhanh chóng với xà phòng và nước ấm. Đừng chà vào vết mổ. Sau khi tắm, nên thấm khô vết mổ bằng khăn sạch.
Không tự ý bôi bất kì loại kem nào lên vết mổ của bạn cho đến khi nó lành. Nếu bạn bị đau và sưng quanh vùng vết mổ, hãy đến thăm khám ngay vì có khả năng vết mổ của bạn đã bị nhiễm trùng. Các dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm sốt, sưng, đỏ, chảy mủ và bung chỉ.
Sản dịch
Ngay sau khi sinh con, dù là sanh thường hay sanh mổ, đều xuất hiện sản dịch (máu chảy ra từ âm đạo như thể bạn đang có kinh nguyệt). Sản dịch là sự bong tróc lớp nội mạc tử cung. Ban đầu, đặc biệt là ngay sau khi sinh, sản dịch sẽ ra nhiều và có màu đỏ tươi. Sau đó lượng máu sẽ giảm dần và sáng màu hơn, từ đỏ sang đỏ hồng và sau đó là vàng hoặc trắng. Sản dịch có thể kéo dài đến 6 tuần. Bạn có thể dùng băng vệ sinh để thấm hút.
Phục hồi sau sinh
Dù bạn sanh thường hay sanh mổ thì điều quan trọng nhất bạn cần làm lúc này là nghỉ ngơi và dành thời gian cho em bé. Hãy nhớ rằng để chăm sóc em bé, trước tiên bạn cần chăm sóc bản thân. Vì vậy, bạn hãy chú ý có lối sống lành mạnh và khoa học để chăm sóc tốt sức khỏe cho bản thân và bé yêu của mình.
Kim Ngân tổng hợp và lược dịch
Nguồn: workingmother.com
https://www.workingmother.com/momlife/13683513/when-can-i-take-a-bath-after-giving-birth/
Xác định chính xác ngày dự sinh rất quan trọng vì ngày dự sinh là một cột mốc giúp tính toán tuổi thai và là căn cứ để đánh giá sự phát triển bình thường hay bất thường của thai nhi trong suốt quá trình khám thai. Khám thai ở 3 tháng đầu là thời điểm tốt nhất để xác định đúng ngày dự sinh.
Táo bón là tình trạng phổ biến, ảnh hưởng đến 15 - 30 % dân số và thường gặp ở phụ nữ hơn là nam giới [4]. Có đến 40% phụ nữ mang thai phàn nàn về các triệu chứng táo bón [3].
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo tránh dùng metformin ở những bệnh nhân tăng huyết áp, tiền sản giật hoặc có nguy cơ thai nhi hạn chế tăng trưởng trong tử cung vì metformin ức chế hô hấp của ty thể, điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến chức năng, sự tăng trưởng hoặc sự biệt hóa của các mô bào thai hoặc nhau thai.
Nguyên nhân gây đau đầu ở phụ nữ khi mang thai và sau sinh có thể là cơn đau đầu nguyên phát như chứng đau nửa đầu, do căng thẳng, hoặc nhức đầu từng đợt.
Xuất huyết do phôi làm tổ là tình trạng ra huyết âm đạo vào ngày thứ 10-14 sau thụ thai. Thông thường, rụng trứng xảy ra vào ngày 14 của chu kỳ kinh (với các chu kỳ kinh đều 28 ngày).