Ngày 18/07/2012

Thai phụ

    DS. Huỳnh Kim Hằng
    Khoa Dược - BV Từ Dũ
    Đánh dấu sự trưởng thành thực sự của người phụ nữ là trải qua thời kỳ mang thai, vì thế người sắp làm mẹ phải chú ý đến việc bảo vệ sức khỏe sao cho đứa con của mình sinh ra được khỏe mạnh. Song song với sự phát triển của bào thai, cơ thể mẹ cũng xảy ra hàng loạt biến đổi tương ứng. 

    Do sự sinh trưởng của thai nhi, dung lượng máu trong cơ thể mẹ cũng tăng lên, bầu vú, tử cung to lên, lượng dinh dưỡng hấp thu cũng tăng lên rất nhiều. Vì thế dinh dưỡng không đủ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, nghiêm trọng còn dẫn đến sẩy thai, sinh non, khó sinh, chết trong khi sinh, thai chết lưu…Khi mang thai rất dễ nhiễm các bệnh như: Thiếu máu do thiếu sắt, da ngứa, sỏi thận, đau bụng, đau lưng, tiểu khó, táo bón, phù thủng. Những căn bệnh này đều cản trở sự phát triển bình thường của thai nhi, vì thế phải hết sức chú ý đến chế độ dinh dưỡng.

    Các chuyên gia cho rằng, thực ra giai đoạn quan trọng nhất là trước khi mang thai, phải đảm bảo dinh dưỡng trong nhiều tuần trước khi mang thai để đảm bảo máu của người mẹ có đầy đủ các vitamine, khoáng chất và dưỡng chất khác để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bào thai. Vì đầu thai kỳ, thai phụ thường bị nghén không ăn uống được, dẫn đến mất cân bằng thể dịch và trao đổi chất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hấp thu dưỡng chất. Giữa thai kỳ, do tử cung lớn lên, cơ thể thai phụ sẽ xuất hiện hàng loạt triệu chứng như: phù chân, đau thắt lưng, táo bón… Và thai nhi phát triển nhanh cần rất nhiều dinh dưỡng.

    Y học cổ truyền, lý luận và kinh nghiệm về dưỡng thai rất phong phú, độc đáo. Người xưa đã khéo lựa chọn và phối hợp thực  phẩm, dược phẩm để chế biến thành những món ăn, bài thuốc gọi là “Dược Thiện” vừa thúc đẩy quá trình sinh trưởng của thai nhi, lại nâng cao sức đề kháng  phòng chống bệnh tật cho người mẹ. Những món dược thiện “dục thai bảo sản” này mang đậm tính tự nhiên, dễ dùng và an toàn.
     

    Nguyên tắc dưỡng sinh
           
    Đầu thai kỳ, thai phụ nên chọn những thức ăn thanh đạm bình bổ, có thể căn cứ vào khẩu vị, ăn những thức ăn hơi chua cay để kích thích tiết gastric acid, tăng cảm giác thèm ăn. Thai phụ nôn ói nhiều nên ăn thức ăn có tính kiềm như rau  quả, ăn chuối, sung, khoai tây, cải bó xôi… chứa nhiều vitamine B; Dưa lưới,  dâu tây, súp lơ trắng, ớt xanh… chứa nhiều vitamin C để giảm cảm giác khó chịu. Cần ăn thêm nhiều rau quả có màu sậm giàu khoáng chất.

    Giữa và cuối thai kỳ, cần chọn thức ăn giàu protein, calcium, vitamine như cá, thịt, trứng, các loại đậu, hải đới, rong biển, canh xương thịt và các loại rau quả tươi.

    Khi mang thai, không nên ăn những thức ăn có chứa thuốc, muốn bổ sung dinh dưỡng cho thai nhi nên chọn cách ăn  canh. Tuy nhiên, phải chú ý những điểm sau:

    1. Không nên ăn canh nấu bằng hoa quả: Do hàm lượng đường trong hoa quả cao sẽ làm trao đổi đường trong thời gian mang thai bất thường, gây bệnh tiểu đường. Nghiên cứu khoa học đã chứng minh, người bị tiểu đường trong thời gian mang thai đa phần do ăn uống nhiều thức ăn có hàm lượng đường cao. Không nên ăn nhiều mỡ khiến thai nhi quá to gây khó sinh hoặc băng huyết sau sinh. Cũng không ăn mặn để tránh bị phù thũng.

    2. Không nên kiêng ăn: Thai nhi  phải nhờ vào dinh dưỡng của người mẹ mới phát triển được, vì thế nếu ăn kiêng sẽ gây cản trở cho sự phát triển của thai nhi. Phụ nữ mang thai cần đảm bảo cân bằng đầy đủ và hợp lý chất dinh dưỡng. Nhưng cũng không được ăn quá nhiều, phải khống chế lượng thức ăn đưa vào cơ thể sao cho cân bằng để tránh gây bất thường cho quá trình trao đổi chất.

    3. Bổ sung calci hợp lý: Để tốt cho sự phát triển xương của thai nhi, thai phụ nên bổ sung đầy đủ calci nhưng không quá nhiều để tránh tình trạng sinh khó do xương thai nhi quá cứng.

    GIỚI THIỆU CÁC MÓN CANH CHO  THAI PHỤ

    1. Canh hành tây nấu xương bò
    Nguyên liệu: Xương bò 500g, cà rốt 150g, hành tây, hành lá mỗi thứ một ít.
    Cách làm: Xương bò chặt khúc, rửa sạch, trụng nước sôi 5 phút vớt ra rửa qua nước lạnh. Cà rốt gọt vỏ cắt miếng. Dầu sôi cho hành tây, gừng phi thơm, thêm nước nấu sôi, cho xương bò, cà rốt vào nấu trong 3 giờ, nêm chút muối.
    Công dụng: Xương bò giàu calci có thể nói là món ăn hàng đầu để bổ xung calci cho thai phụ.
       

    2. Canh đu đủ nấu cá
    Nguyên liệu: Cá chép 1 con, đu đủ 150g, đậu hà lan 50g, đại táo 5 quả, đậu phộng 20 hạt, gừng, hành, nước dùng 2 chén, dầu mè 1 muỗng nhỏ, tượu vàng 4 muỗng lớn, tiêu muối, bột ngọt.

    Cách làm: Cá chép rửa sạch dùng dao khía 4 đường ướp với 2 muỗng rượu vàng, ½ muỗng nhỏ muối. Đại táo, đậu phộng rửa sạch cho vào nồi nấu chín. Đu đủ gọt vỏ, cắt miếng. Cá chiên hơi vàng, cho nước dùng vào nấu sôi, hớt bọt, thêm đại táo, đu đủ, gừng, hành, 2 muỗng rượu vàng, tiêu, nấu 30 phút vớt cá cho vào tô. Cho tiếp đậu phộng, đậu hòa lan, nêm muối, bột ngọt vừa ăn nấu sôi cho cá vào, dưới dầu mè lên.
    Công dụng: Canh này phòng trị chứng động thai và phù thủng khi mang thai.

    3. Canh xương bò nấu cà chua, khoai tây
    Nguyên liệu: Xương bò 0,5kg, thịt bò 200g, cà chua 100g, cà rốt 100g, đậu nành 50g, gừng 2 miếng.
    Cách làm: Đậu nành vo sạch ngâm nước ½ giờ, Thịt bò cắt miếng, xương bò rửa sạch  trụng nước sôi, Cà rốt,  khoai tây, cà chua gọt vỏ cắt miếng. Cho xương bò, đậu nành, thịt bò, gừng vào nồi đất nấu khoảng ½ giờ, thêm cà chua, khoai tây, cà rốt, nấu thêm 1 giờ, nêm  muối vừa ăn.
    Công dụng: Món canh này giàu calci, protein, carotine, vitamine nhóm B và vitamin C với các nguyên tố vi lượng, khoáng chất cần thiết cho sự phát triển cùa thai nhi.

    4. Canh khổ hoa nấu cá rô
    Nguyên liệu: Khổ hoa 2 trái, cá rô 1 con, hạt câu kỷ tử 20g, gừng 2 miếng, rượu gạo 4 muỗng lớn, muối.
    Cách làm: Khổ hoa rửa sạch, bỏ hạt, cắt miếng. Cá rô làm sạch, bỏ ruột, cắt miếng, trụng nước sôi vớt ra. Cho tất cả nguyên liệu vào tô, thêm nước, thêm gia vị khuấy đều, cho vào nồi nấu 20 phút lửa lớn.
    Công dụng: Món canh này không những bổ dưỡng cho thai phụ mà còn tốt cho sản phụ. Là món ăn làm giảm chứng động thai lại thúc sữa cho sản phụ sau sinh. Cá rô tư bổ cường thân, ăn nhiều cũng không béo phì.

    5. Canh gan gà nấu đọt đậu hà lan
    Nguyên liệu: Gan gà 100g, đọt đậu hà lan đủ dùng, gia vị (nước dùng 250ml, rượu vàng, muối, bột ngọt, tiêu)
    Cách làm: Gan gà làm sạch, cắt miếng mỏng ngâm rượu vàng 2 phút. Đọt đậu hà lan rửa sạch trụng nước sôi. Nấu sôi nước dùng thêm gan gà nấu lửa nhỏ cho mềm, cho vào tô, xếp đọt đậu hà lan lên gan gà, nêm nồi canh vừa ăn.
    Công dụng: Canh này giàu vitamine và chất xơ, thích hợp cho thai phụ, ngừa táo bón.

    6. Canh câu kỷ tử nấu gà
    Nguyên liệu: Hạt câu kỷ tử 20g, gà ác 1 con, gừng một ít. Gia vị, nước dùng.
    Cách làm: Gà ác chặt bỏ móng, đầu, trụng nước sôi 5 phút vớt ra rửa lại nước lạnh. Hạt câu kỷ tử rửa sạch ngâm nước 10 phút. Cho vào nồi sành, cho gà, gừng vào nấu sôi, hớt bọt, vặn lửa nhỏ nấu 1 giờ, thêm hạt câu kỷ tử nấu 10 phút nêm muối, hạt nêm vừa ăn.
    Công dụng: Món canh này có tác dụng tư dưỡng gan, thận, ích tinh bổ huyết, giàu carotine và vitamin, dễ hấp thu, rất tốt cho thai phụ. Đặc biệt có hiệu quả trong việc trị chứng gan thận tinh huyết suy hư của phụ nữ sau khi mang thai.

    7. Cháo sung
    Nguyên liệu: Sung 30g, gạo tẻ 100g, mật ong, đường cát.
    Cách làm: Vo gạo cho nước nấu sôi, cho sung đã rửa sạch vào nấu thành cháo, thêm chút đường, mật ong khuấy đầu.
    Công dụng: Sung chứa nhiều acid malic, lipase, protese, hydrolase… có thể hỗ trợ cơ thể tiêu hóa thức ăn, tăng cảm giác thèm ăn, nhuận tràng, thông  tiện. Thai phụ bị trĩ do táo bón nên ăn cháo sung.

    8. Dứa xào mề gà

    Nguyên liệu: Mề gà 300g, dứa (thơm, khóm) 150g, ớt xanh 1 quả, ớt đỏ ½  quả. Gia vị: đường, tỏi cắt lát, muối, bột năng ướt, giấm, nước cà chua, rượu vang đỏ.
    Cách làm: Dứa rửa sạch để ráo, ớt bỏ hạt, cắt miếng. Mề gà làm sạch cắt khía, luộc sôi trong 3 phút vớt ra để ráo. Cho dầu vào chảo phi tỏi thơm cho mề gà, ớt vào cào qua thêm rượu vang vào om 5 phút. Cho bột năng, chút đường giấm, cà chua xào chín.
    Công dụng: Dứa chứa chất phân giải tiêu hóa protein, cải thiện tuần  hoàn máu cục bộ, tránh hình thành huyết khối, tiêu trừ chứng viêm, phù thũng. Mề gà xào dứa có vị chua ngọt giúp tăng cảm giác thèm ăn. Là món ăn ngon trong giai đoạn nghén. Nhưng người bị mẩn ngứa, ghẻ lở, bệnh loét, bệnh thận, trở ngại chức năng đông máu, dị ứng với dứa thì không nên ăn vì có thể bị ngộ độc.
       
    9. Măng tây nấu thịt gà bằm
    Nguyên liệu: Măng tây non 450g, ức gà 150g, giăm bông thái vụn 50g. Gia vị: dầu mè, tiêu, muối.
    Cách làm: Măng tây rửa sạch, bỏ cuống và bẹ, cho muối dầu ăn vào trộn  đều bỏ vào túi giữ tươi lò vi sóng, vặn nhiệt độ cao hấp 4 phút, đổ ra đĩa. Ức gà bằm nhuyễn trộn dầu ăn, chút nước, tiêu, muối cho vào tô đáy sâu hấp trong lò  vi sóng 2 phút. Lấy thịt gà ra trộn đều để lên măng tây, lại hấp trong lò vi sóng 2 phút, lấy ra trộn dăm bông, dưới dầu mè lên.
    Công dụng: Măng tây chứa nhiều folic acid, 5 cây măng tây chứa hơn 100mg folic acid bằng ¼ nhu cầu mỗi ngày, do đó thai phụ nên ăn nhiều măng tây. Nhưng người thống phong và tiểu đường  không nên ăn nhiều.

     

    10. Cần tây xào thịt gà
    Nguyên liệu: Cần tây, thịt gà mỗi thứ 300g, cà rốt thái nhỏ 100g, lòng trắng  trứng 2 cái. Gia vị: muối, đường, xì dầu, dầu mè, tiêu, gừng thái lát, tỏi đập giập, rượu gia vị.
    Cách làm: Gà chặt miếng, cho xì dầu, bột tiêu, lòng trắng trứng vào trộn đều ướp 15 phút. Xào sơ cần tây vớt ra. Dầu phi thơm gừng tỏi, cho cà rốt, gà vào xào, thêm rượu, đường, cần tây (nếu muốn ăn sệt thêm bột năng quậy đều), chín rưới chút dầu mè lên, nhắc xuống.
     Công dụng: Cuối thai kỳ thai phụ hay bị táo bón, nên ăn rau nhiều chất xơ như cần tây, măng tây. Món này chứa nhiều  vitamin, có tác dụng hỗ trợ điều trị vàng da và bệnh cao huyết áp.

    11. Gan heo trộn cải bố xôi
    Nguyên liệu: Gan heo 100g, cải bố xôi 200g, tôm nõn 5g, rau ngò,gia vị: muối, bột ngọt, tiêu, tỏi giã, dầu mè.
    Cách làm: gan cắt lát cho vào nước sôi luộc chín. Tôm nõn ngâm nước ấm, cải bố xôi rửa sạch cắt khúc cho vào nước sôi luộc chín vớt ra. Cho cải bố  xôi vào tô lớn xếp gan heo, tôm, ngò, nêm gia vị trộn đều.
    Công dụng: Cải bố xôi chứa nhiều carotene, vitamine C, calcium, phospho, sắt, vitamine E… món này hỗ trợ điều trị thiếu máu do thiếu sắt khá tốt. Gan heo cũng chứa rất nhiều sắt, hàm lượng dinh dưỡng gan heo cao gấp 10 lần thịt heo, có thể điều tiết và cải thiện chức năng sinh lý hệ thống tạo máu của bệnh hân thiếu máu. 

     

     

    12. Bột chuối tiêu, khoai tây
    Nguyên liệu: Chuối tiêu 200g, khoai tây 50g, dâu tây 40g, mật ong.
    Cách làm: Chuối tiêu đánh nhuyễn bằng muỗng, khoai tây luộc chín vớt ra tán nhuyễn. Trộn bột chuối với bột khoai  tây, dùng dâu trang trí lên bề mặt và rưới mật ong lên.
    Công dụng: Chuối tiêu và khoai tây đều chứa nhiều folic acid, đầu thai kỳ phụ nữ nên ăn nhiều thức ăn chứa folic acid rất có ích cho sự phát triển mạch máu thai nhi. Mật ong và chuối có tác dụng nhuận tràng cải thiện chứng táo bón cho thai phụ.

    13. Gừng non trộn rau diếp
    Nguyên liệu: Rau diếp 200g, gừng non 50g, ớt đỏ cắt sợi nhuyễn. Gia vị: muối, dầu mè, đường, dấm.
    Cách làm: Nguyên liệu làm sạch bỏ vỏ, cắt  sợi. Trộn chút muối vào rau diếp ướp 2 giờ, rửa sạch, luộc chín, vớt ra cho đường, dấm vào ướp cho thấm. Cho phần dấm còn lại vào gừng ướp nửa giờ sau đó trộn chung tất cả vào, rắc ớt đỏ, tưới dầu mè.
    Công dụng: Rau diếp chứa nhiều flour tốt cho sự phát triển răng, xương. Hàm lượng kalium cao có thể thúc đẩy bài niệu giảm áp lực tim

    14. Nước gừng tươi rau hẹ
     Nguyên liệu: Rau hẹ, gừng tươi mỗi thứ 50g, đường.
    Cách làm: Nguyên liệu sạch, cắt nhỏ cho vào máy say sinh tố với  đường, vắt lấy nước uống bỏ xác.
    Công dụng: Hẹ chứa tinh dầu bay hơi và chất sulphonium có tác dụng  thúc đẩy cảm giác thèm ăn và giảm máu mỡ máu, trị cao huyết áp do mang thai. Hẹ cũng chứa nhiều chất xơ giúp thúc đẩy nhu động ruột phòng tránh hữu hiệu chứng táo bón do mang thai gây ra. Tinh dầu trong gừng tăng tiết dịch vị và nhu động thành ruột, trợ giúp tiêu hóa. Hỗn hợp Zingiberene, gibgerdione trong gừng có tác dụng chống ói mửa, chán ăn khi mang thai.

    15. Bài thuốc chữa phù thũng khi mang thai
    Nguyên  liệu: Cá chép con khoảng 300g, Đậu đỏ 20g,
    Cách  làm: Cá rửa sạch bỏ ruột cho đậu đỏ đã rửa sạch vào bụng cá, khâu kín, thêm 300ml nước. Đun nhỏ lửa đến khi cá chín nhừ, ăn nóng vào lúc đói. Mỗi ngày ăn 1 lần, ăn 2 – 3 ngày liên tiếp.
    Công dụng: Thai phụ thường bị phù thũng vào tháng thứ ba, tư và sáu, bảy, cần theo dõi huyết áp, protein niệu, các triệu chứng khác để đề phòng chứng sản giật. Trong trường hợp nhẹ, huyết áp không tăng, người mệt mỏi, miệng nhạt, phù nhẹ  có thể dùng canh này hoặc các bài thuốc sau:

    15.1. Vỏ bí đao 200g, đun kỹ với nước, chắt lấy 150 ml nước đặc, chia 3 lần uống trong ngày, dùng liên tục từ 5 – 7 ngày.

    15.2. Bí đao 1 quả 350g gói kín bằng lá chuối đem nướng trên than hồng, khi lá chuối cháy nạo lấy thịt bí, bỏ hạt, chia hai lần  ăn trong ngày, dùng từ 3 – 5 ngày.

    15.3. Mộc nhĩ đen 30g, cá chép 1 con 250g, mỡ heo 5ml, muối. Cá chép làm sạch, mộc nhĩ làm sạch cắt nhuyễn cho vào bụng cá, thoa mỡ heo và muối lên mình cá. Hấp cách thủy ăn ngày 1 lần, ăn 2 lần mỗi lần cách nhau 5 ngày.

    15.4. Râu ngô 30g, Ruột cỏ bấc đèn 30g, vỏ bí đao 60g. Tất cả sắc kỹ, chắt lấy 50ml nước đặc chia 3 lần uống trong ngày, dùng 5 –  7 ngày liên tục.

    15.5.  Ngô non 100g, cá chép 1 con 250g, muối. Cá làm sạch ướp muối, ngô non đập giập. Tất cả hấp cách thủy cho chín, ăn nóng ngày 1 lần, dùng 2 – 3 ngày liên tục.

    16. Những bài thuốc dược thiện dưỡng thai

    16.1. Thịt gà mái tơ (hoặc gà ác) 250g, cao gạc hươu 15g cắt vụn, sâm cao ly 8g cắt phiến, gà làm sạch lọc bỏ mỡ, chặt miếng. Tất cả hầm cách thủy 3 – 4 giờ, nêm  gia vị, ăn trong ngày.

     Công dụng: Canh này thích hợp cho thai phụ gầy yếu, tinh thần mệt mỏi, lưng đau, gối mỏi, động thai ra huyết ít và loãng, thiếu máu, thai nhi chậm phát triển. Không dùng cho thai thể Huyết nhiệt biểu hiện qua các triệu chứng: Tâm phiền bất an, lòng bàn tay và  chân nóng, miệng khô họng khát, mặt đỏ môi hồng, âm đạo ra huyết màu đỏ tươi  hoặc đỏ tía, có thể có máu vón cục, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi  đỏ, ít rêu…

    16.2. Trứng gà 2 quả, ngải cứu 20g. Lá ngải cứu rửa sạch, trứng gà luộc chín bóc vỏ, cả hai cho vào nồi chế đủ nước, đun sôi lửa to rồi cho nhỏ lửa nấu thêm 1 – 2 giờ, thêm gia vị, ăn trong ngày, liên tục từ 7 – 8 ngày.

    Công dụng: Thích hợp cho thai phụ có biểu hiện của chứng Hư hàn như  sắc mặt nhợt nhạt, sợ lạnh, chân tay lạnh, lưng đau, gối mỏi, có cảm giác khó  thở và hồi hộp (đánh trống ngực), miệng nhạt, chán ăn, đại tiện lỏng, tiểu tiện trong dài, chất lưỡi nhợt, dễ sẩy thai, âm đạo ra huyết lượng ít sắc nhợt. Trường hợp động thai thể huyết nhiệt không dùng bài thuốc này. 

    16.3. Thịt dê 250g, ba kích thiên 15g, đỗ trọng 12g, gừng tươi 5 lát. Tất cả rửa sạch cắt lát, cho vào nồi hầm 2 – 3 giờ, nêm gia vị, chia ăn trong ngày.

    Công dụng: Thích hợp cho người tì vị hư và thận hư yếu, tinh huyết  không đủ dẫn đến tình trạng thai nhi chậm phát triên, thai phụ hình thể gầy yếu, ăn kém, mệt như mất sức, lưng đau gối mỏi, tay chân lạnh, đại tiện lỏng  nát, chất lưỡi nhợt

    16.4. Thịt bò (hoặc bê) 250g, Đẳng sâm 30g, hoàng tinh 15g, gừng tươi 4 lát. Tất cả rửa sạch cắt miếng cho vào nồi, thêm nước vừa đủ, nấu sôi rồi vặn lửa nhỏ khoảng 2 – 3 giờ, thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

    Công dụng: Thích hợp cho thai phụ bị huyết hư biểu hiện qua các triệu  chứng như hoa mắt, chóng mặt, hồi hộp trống ngực, mệt mỏi, ngủ kém hay mê, sắc mặt nhợt nhạt, chất lưỡi nhợt, thai nhi chậm phát triển. Những thai phụ bị sốt do ngoại cảm hoặc đi lỏng lỵ do thấp nhiệt thì không dùng bài thuốc này.
     

    16.5. Cá chép 1 con nặng 500g, đậu phộng 30g, xích tiểu đậu 24g, gừng tươi 6 lát. Cá chép làm sạch, bỏ ruột, chiên sơ. Tất cả nguyên liệu rửa sạch cho vào nồi, chế đủ nước dùng lửa nhỏ hầm kỹ khoảng 2 – 3 giờ, nêm gia vị, ăn nóng.

    Công dụng: Dùng cho thai phụ thể chất hư nhược, hay có cảm giác khó thở, ăn kém, đầu choáng, mắt hoa, hồi hộp trống ngực, tiểu tiện bất lợi, phù nhẹ chi dưới, Trường hợp rối loạn tiểu tiện, tiểu gắt, tiểu buốt, tiểu đục do thấp nhiệt không dùng bài thuốc này.

    16.6. Cá diếc 2 con, lá tía tô 15g, sa nhân 6g, gừng tươi 6 lát. Nguyên liệu rửa sạch, cá làm sạch bỏ ruột, tất cả cho vào nồi, chế nước vừa đủ, hầm nhỏ lửa khoảng 2  – 3 giờ, nêm gia vị vừa ăn, dùng nóng trong ngày.

    Công dụng: Dùng cho thai phụ tì hư khí trệ mà nôn, buồn nôn nhiều, ăn kém, khó tiêu, ngực bụng đầy chướng, mệt mỏi, đại tiện lỏng nát, tiểu tiện trong dài, chất lưỡi nhợt.

    16.7. Thịt thỏ 250g, củ cải đỏ 250g, đẳng sâm 30g, hồng táo 6 quả,. Chọn thịt non mềm, rửa sạch, cắt miếng. Tất cả nguyên liệu rửa sạch cho vào nồi thêm nước đủ dùng, nấu sôi rồi vặn lửa nhỏ hầm nhừ khoảng 2 – 3 giờ, nêm gia vị, ăn trong ngày.

    Công dụng: Dùng cho thai phụ thể chất hư nhược, chức năng tiêu hóa kém, sắc mặt nhợt nhạt, tinh thần mệt mỏi, ăn  kém, thai nhi kém phát triển. Trường hợp tì vị hư hàn hoặc bị cảm sốt chưa khỏi không nên dùng bài thuốc này.

     16.8. Thịt  heo nạc 100g rửa sạch cắt miếng, sâm cao ly 10g rửa sạch cắt miếng, A giao 12g cắt vụn. Tất cả cho vảo tô chưng cách thủy trong 2 – 3 giờ, nêm gia vị, ăn nóng.

    Công dụng: Thích hợp cho thai phụ bị động thai, khí  huyết lưỡng hư, biểu hiện qua các triệu chứng như hình thể gầy yếu, sắc mặt  nhợt nhạt, có cảm giác hồi hợp, đánh trống ngực, ngại hoạt động, âm đạo ra ít huyết lượng ít sắc nhợt, lưng đau, gối  mỏi…Trường hợp đang sốt do cảm mạo hoặc có chứng huyết nhiệt thì không nên dùng bài này.

     

                                                          

    Tài liệu:

    1. 1000 món canh dưỡng sinh trị bệnh – NXB Mỹ Thuật – 2010
    2. 500 Bài thuốc Đông y gia truyền trị bách bệnh 
    3. NXB Từ Điển Bách Khoa, 2010
    4. Tư liệu ảnh: thaythuocvietnam.vn; baby.marry.vn; sgtt.vn; mobi.vietbao.vn; tintuconline.com.vn; tretho.com; amthuc365.vn;  suckhoedoisong.vn; tin180.com;
    DS. Huỳnh Kim Hằng

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ