Ngày 05/10/2018

Trò chuyện cùng mẹ bầu về tiển sản giật

    BS. Lê Phương Dung
    P. Quản lý chất lượng


    Đến nay, tiền sản giật vẫn là một trong năm loại bệnh trong thai kỳ gây bệnh tật và tử vong cao nhất cho bà mẹ và trẻ sơ sinh trên thế giới.

    Chuyên mục “Trò chuyện cùng mẹ bầu” kì này giúp bạn biết tiền sản giật là gì? Thai phụ nào có khả năng bị tiền sản giật? Và hiện có cách nào giúp ngăn ngừa được tiền sản giật?   

    1/ Tiền sản giật là gì?

    Là tình trạng tăng huyết áp vào nửa sau thai kỳ (từ 20 tuần thai) và có sự hiện diện của đạm trong nước tiểu của thai phụ.

    2/ Những dấu hiệu gợi ý bị tiền sản giật?

     

    Bạn có thể có các dấu hiệu như đau đầu, nhìn mờ, đau giữa bụng phía trên rốn hay lệch phải, tức ngực, khó thở, phù (ứ nước) đến tay, mặt hay mi mắt hoặc cảm giác mệt mỏi.

    Đôi khi, các dấu hiệu rất mơ hồ. Vì vậy, bạn luôn được đo huyết áp và kiểm tra nước tiểu vào nửa sau thai kỳ, điều này giúp phát hiện bệnh sớm.

    Khi bạn có các dấu hiệu trên, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám ban đầu trước khi bạn được chuyển đến bệnh viện có khoa sản.

    3/ Vì sao tiền sản giật nguy hiểm?

    Các trường hợp tiền sản giật nặng sẽ ảnh hưởng đến tim, gan, thận, phổi của thai phụ. Ngoài ra, có thể gây co giật (còn gọi là sản giật) khiến cho não bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bạn cần được đánh giá và theo dõi cẩn thận các dấu hiệu nguy hiểm này.

    Tiền sản giật còn làm giảm lượng máu đến bánh nhau, tình trạng này kéo dài khiến cho thai nhi bị suy dinh dưỡng, nước ối giảm và thậm chí chết lưu trong tử cung. Do đó, việc theo dõi thai máy và đánh giá sức khỏe của thai được thực hiện kĩ lưỡng trong mỗi lần bạn khám thai.

    4/ Thai phụ nào có thể bị tiền sản giật?

    Bất cứ thai phụ nào cũng có thể bị tiền sản giật trong thai kỳ. Tuy nhiên, thai phụ sẽ có khả năng bị tiền sản giật cao hơn nếu có một trong các đặc điểm sau:

    - Từ 40 tuổi trở lên

    - Mang thai lần đầu

    - Có mẹ hoặc chị gái bị tiền sản giật

    - Tăng huyết áp trước khi mang thai

    -  Từng bị tiền sản giật

    - Mắc một số bệnh nội khoa như: đái tháo đường, bệnh lý thận mạn tính hay các tình trạng rối loạn miễn dịch như lupus, hội chứng kháng thể kháng phospholipid ,…

    5/ Làm sao chắc chắn tôi không bị tiền sản giật trong thai kỳ?

    Các bác sĩ sẽ hỏi bệnh để tìm hiểu về bệnh lý của bạn hoặc gia đình bạn, tiến hành thăm khám như đo huyết áp, cân nặng, chiều cao của bạn và kết hợp với siêu âm, xét nghiệm máu lúc thai 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày để tính toán nguy cơ và tư vấn về khả năng mắc tiền sản giật của bạn.

    Nếu bạn thuộc nhóm thai phụ có khả năng cao bị tiền sản giật, bác sĩ sẽ tư vấn và kê toa thuốc phòng ngừa cho bạn. 

    Ngược lại, nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ thấp, không có nghĩa chắc chắn 100% bạn không bị tiền sản giật, bạn cần tiếp tục khám thai theo lịch để được chăm sóc và phát hiện sớm các bệnh lý trong suốt thai kỳ.

    Các bằng chứng khoa học hiện tại khuyên chỉ những thai phụ có khả năng cao bị tiền sản giật mới cần được chỉ định sử dụng thuốc Aspirin liều thấp uống mỗi ngày.  Nếu có bất kỳ câu hỏi về việc sử dụng thuốc, hãy hỏi bác sĩ để chắc rằng bạn đã hiểu đúng cách uống thuốc.

    6/ Tôi có thể sanh thường nếu như bị tiền sản giật?

    Tại Bệnh viện Từ Dũ, gần 40% sản phụ bị tiền sản giật được theo dõi sinh thường an toàn trong khi phần còn lại được mổ lấy thai. Bác sĩ sẽ cân nhắc cách sinh phù hợp với mỗi sản phụ để bạn được “mẹ tròn con vuông”

    7/ Sau khi sinh xong, tôi có khỏi bệnh? Trong tương lai, sức khỏe của tôi có bị ảnh hưởng gì không?

    Tình trạng tăng huyết áp và đạm trong nước tiểu sẽ dần trở về bình thường sau sinh, thời gian hồi phục thay đổi tùy mỗi người, có thể vài ngày đến vài tuần nhưng không kéo dài hơn 12 tuần. Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn tiếp tục sử dụng thuốc điều trị huyết áp sau khi xuất viện khi cần thiết.

    Nếu bạn đau đầu kéo dài, nhìn mờ, đau giữa bụng phía trên rốn hay lệch phải, tức ngực, khó thở, phù (ứ nước) đến tay, mặt hay mi mắt; hoặc cảm giác mệt mỏi; hãy đến khám tại bệnh viện sản nếu trong 6 tuần đầu sau sinh và tại bác sĩ tim mạch nếu sau sinh 12 tuần. 

    Ngoài ra, bằng chứng cho thấy phụ nữ bị tiền sản giật có khả năng bị cao huyết áp hay các bệnh lý tim mạch sau này. Do đó, bạn cần khám sức khỏe định kỳ và tạo các thói quen hằng ngày có lợi như: hạn chế ăn mặn, tập thể dục, ăn nhiều rau xanh, không hút thuốc hay các chất kích thích khác và hạn chế căng thẳng (stress).

    Cung cấp thông tin y khoa CHÍNH THỐNG và cập nhật cho bạn là TRÁCH NHIỆM và niềm TỰ HÀO của BỆNH VIỆN TỪ DŨ.

     

    Hãy tiếp tục theo dõi các bài viết về tiền sản giật và bệnh lý khác trong thai kỳ.

    Liên hệ với chúng tôi qua chuyên mục Hỏi - đáp

     

    BS. Lê Phương Dung

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ