Viêm âm đạo khi mang thai
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
Phòng Công tác xã hội
- Viêm âm đạo là một bệnh phụ khoa thường gặp, đặc biệt ở phụ nữ mang thai. Bởi vì một số thay đổi sinh lý của cơ thể khi mang thai, mẹ bầu dễ bị viêm âm đạo hơn bình thường. Nhiễm khuẩn âm đạo trong thai kỳ có thể dẫn đến một số kết cục xấu như sảy thai, sinh non, ối vỡ non, nhiễm trùng ối, viêm nội mạc tử cung hậu sản, viêm phổi và nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh, làm tăng tỉ lệ tử vong của thai nhi và trẻ sơ sinh. Phát hiện và điều trị sớm nhiễm khuẩn âm đạo khi mang thai giúp giảm nguy cơ gặp phải các kết cục xấu này.
- Khi mang thai, nồng độ hormone estrogen và progesterone của cơ thể tăng lên kéo theo những thay đổi của đường sinh dục dưới, bao gồm sung huyết, phì đại niêm mạc âm đạo; phì đại và tăng sinh tế bào tuyến cổ tử cung; thay đổi pH âm đạo; giảm số lượng tế bào lympho B làm thay đổi môi trường miễn dịch tại chỗ của âm đạo và cổ tử cung. Những thay đổi này có lợi cho sự phát triển của vi khuẩn kỵ khí và một số vi sinh vật gây bệnh khác ở âm đạo.
- Hai trong số những tác nhân gây viêm nhiễm âm đạo phổ biến nhất là vi khuẩn Gardnerella vaginalis và nấm Candida. Bạn cũng có thể bị viêm âm đạo do cả 2 tác nhân cùng lúc. Chúng gây ra các triệu chứng khá giống nhau như ngứa âm hộ-âm đạo, tăng tiết dịch âm đạo… Chẩn đoán đúng tác nhân gây bệnh là một bước quan trọng để việc điều trị đạt được hiệu quả tốt nhất.
Nhiễm khuẩn âm đạo:
Hình minh họa - nguồn internet |
- Nhiễm khuẩn âm đạo xảy ra khi hệ vi sinh vật ở âm đạo bị mất cân bằng, trong đó có sự phát triển quá mức của vi khuẩn kỵ khí, thường gặp nhất là vi khuẩn Gardnerella vaginalis. Sự thay đổi của dịch tiết âm đạo là một trong những dấu hiệu gợi ý bạn có nhiễm khuẩn âm đạo.
- Ở phụ nữ bình thường, dịch âm đạo thường nhầy trong hoặc hơi đục và có thể thay đổi tính chất theo chu kình kinh nguyệt. Đầu chu kỳ bạn có thể thấy dịch tiết loãng, trong như nước, cho đến thời điểm nửa sau chu kỳ, dịch tiết thường đục và đặc hơn. Nó không có mùi và không gây ngứa. Đó là tình trạng bình thường của âm đạo.
- Nhiễm khuẩn âm đạo khiến dịch tiết âm đạo thay đổi bất thường, có mùi hôi, màu sắc trông như mủ, kèm theo cảm giác ngứa hoặc nóng rát ở âm hộ-âm đạo. Triệu chứng có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào trong ngày, nhưng thường khó chịu nhất vào ban đêm. Quan hệ tình dục có thể khiến triệu chứng nặng nề thêm.
Bạn nên đến khám nếu có các dấu hiệu sau:
- Dịch tiết âm đạo thay đổi bất thường và có mùi hôi
- Cảm giác ngứa hoặc sưng vùng âm hộ-âm đạo
- Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục
Việc quan trọng đầu tiên để điều trị nhiễm khuẩn âm đạo là bạn cần được chẩn đoán đúng tình trạng bệnh. Điều trị nhiễm khuẩn âm đạo trong thai kỳ cũng cần lưu ý tránh sử dụng các loại kháng sinh có tác động xấu đến thai nhi. Tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để được xác định chẩn đoán và kê đơn thuốc phù hợp.
Viêm âm đạo do nấm:
Nhiễm nấm âm đạo là bệnh thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt khi mang thai. Tăng estrogen trong thai kỳ làm phá vỡ sự cân bằng của hệ vi khẩn và nấm ở âm đạo, có thể khiến nấm phát triển quá mức. Hầu hết trường hợp nhiễm nấm khi mang thai là do nấm Candida albicans. Hai loại nấm khác cũng có thể gây bệnh là Candida glabrata và Candida tropicalis. Candida là một loại nấm thường trú ở âm đạo. Trong điều kiện bình thường, chúng không gây ra bất kỳ triệu chứng khó chịu cho người phụ nữ. Tuy nhiên khi có sự phát triển quá mức của nấm Candida ở âm đạo, bạn sẽ gặp phải các triệu chứng như ngứa, huyết trắng nhiều và trông giống như váng sữa.
Nhiễm nấm âm đạo khiến bạn gặp phải các triệu chứng rất khó chịu, nhưng thường không gây tổn thương đến bạn và con bạn. Chúng có thể được điều trị một cách an toàn bằng thuốc dùng tại chỗ.
Đến khám ngay khi bạn có dấu hiệu nghi ngờ bị nhiễm nấm:
- Cảm giác ngứa vùng âm hộ-âm đạo.
- Cảm giác nóng, tiểu rát hoặc đau khi giao hợp.
- Sưng hoặc viêm đỏ vùng âm hộ-âm đạo.
- Dịch tiết âm đạo trở nên lợn cợn, đục và đặc như váng sữa.
Các yếu tố nguy cơ khiến thai phụ dễ bị nhiễm nấm:
- Uống kháng sinh dài ngày.
- Đái tháo đường không được kiểm soát đường huyết tốt.
- Người suy giảm miễn dịch do bệnh (HIV) hoặc do thuốc (corticosteroids)
- Có yếu tố nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Điều trị nhiễm nấm âm đạo bằng các loại kem bôi hoặc thuốc đặt âm đạo chứa miconazole hoặc clotrimazole là biện pháp an toàn khi sử dụng trong thai kỳ. Không được điều trị bằng thuốc uống Fluconazole khi mang thai vì có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Nếu có triệu chứng nghi ngờ nhiễm nấm, bạn nên đi khám để xác định bệnh trước khi sử dụng thuốc điều trị.
Một số biện pháp dự phòng giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm âm đạo:
- Mặc đồ lót cotton để giữ cho vùng âm đạo luôn khô ráo. Tránh mặc quần bó và quần tất.
- Giữ vệ sinh sạch sẽ. Tuy nhiên không khuyến cáo sử dụng các loại thuốc xịt âm đạo hoặc xà phòng có mùi thơm.
- Không thụt rửa âm đạo vì có thể khiến hệ vi khuẩn lành mạnh của âm đạo bị loại bỏ, làm đảo lộn sự cân bằng trong âm đạo và gây kích ứng. Quan trọng hơn nó có thể làm che dấu hoặc lây lan tình trạng nhiễm khuẩn.
- Kiểm soát tốt lượng đường trong máu nếu bạn bị tiểu đường.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục là một biện pháp tốt để ngăn ngừa lây nhiễm.
Xác định chính xác ngày dự sinh rất quan trọng vì ngày dự sinh là một cột mốc giúp tính toán tuổi thai và là căn cứ để đánh giá sự phát triển bình thường hay bất thường của thai nhi trong suốt quá trình khám thai. Khám thai ở 3 tháng đầu là thời điểm tốt nhất để xác định đúng ngày dự sinh.
Táo bón là tình trạng phổ biến, ảnh hưởng đến 15 - 30 % dân số và thường gặp ở phụ nữ hơn là nam giới [4]. Có đến 40% phụ nữ mang thai phàn nàn về các triệu chứng táo bón [3].
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo tránh dùng metformin ở những bệnh nhân tăng huyết áp, tiền sản giật hoặc có nguy cơ thai nhi hạn chế tăng trưởng trong tử cung vì metformin ức chế hô hấp của ty thể, điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến chức năng, sự tăng trưởng hoặc sự biệt hóa của các mô bào thai hoặc nhau thai.
Nguyên nhân gây đau đầu ở phụ nữ khi mang thai và sau sinh có thể là cơn đau đầu nguyên phát như chứng đau nửa đầu, do căng thẳng, hoặc nhức đầu từng đợt.
Xuất huyết do phôi làm tổ là tình trạng ra huyết âm đạo vào ngày thứ 10-14 sau thụ thai. Thông thường, rụng trứng xảy ra vào ngày 14 của chu kỳ kinh (với các chu kỳ kinh đều 28 ngày).