Xử trí sẩy thai liên tiếp và hội chứng Antiphospholipid
ThS. BS. Trần Thị Liên Hương (Dịch)
P. Kế hoạch tổng hợp- BV Từ Dũ
Gần 50% trường hợp có thai tiền lâm sàng và trung bình từ 1/5 đến 1/4 trường hợp có thai lâm sàng bị sẩy. Tỷ lệ sẩy thai liên tiếp bị ảnh hưởng bởi tuổi mẹ; khoảng 10% ở tuổi 30 và tăng lên khoảng 40% ở tuổi 40.
Sẩy thai tái phát hay sẩy thai liên tiếp được xác định khi có từ 2 lần sẩy thai liên tục trở lên trong tam cá nguyệt thứ nhất. Người ta ước tính có khoảng 5% các trường hợp sẩy thai là sẩy thai liên tiếp.
Hơn 50% trường hợp sẩy thai trong tam cá nguyệt thứ nhất là do bất thường nhiễm sắc thể. Việc tìm hiểu chi tiết không thể đảm bảo xác định được nguyên nhân cụ thể sau 1 lần sẩy thai vì các khiếm khuyết di truyền này là những sai sót ngẫu nhiên.
Tuy nhiên cần đánh giá một cách chi tiết trong trường hợp sẩy thai lặp lại. Một phương pháp đánh giá chặt chẽ trên nhiều phương diện có thể xác định yếu tố nguy cơ đặc trưng cho sẩy thai liên tiếp trong khoảng một nửa các trường hợp. Chúng ta sẽ tìm hiểu nguyên nhân trên các phương diện di truyền, giải phẫu, nội tiết, miễn dịch, huyết học, chuyển hóa, nhiễm trùng và lối sống.
Khoảng 20% phụ nữ sẩy thai liên tiếp sẽ được chẩn đoán nguyên nhân miễn dịch mà phổ biến nhất là Hội chứng antiphospholipid (APS). Phụ nữ mắc APS sẽ có xét nghiệm dương tính với anticardiolipin, yếu tố kháng đông lupus hoặc kháng thể anti-beta-microglobulin và có tiền sử tắc mạch hoặc các biến chứng thai kỳ (thai chậm tăng trưởng nặng trong tử cung, tiền sản giật nặng, thai chết trong tử cung hay sẩy thai liên tiếp). Có nhiều thách thức trong chẩn đoán và điều trị đối với các trường hợp này.
Các nội dung dưới đây sẽ tóm tắt những kiến thức mới nhất về APS. Các tác giả chỉ ra rằng APS là bất thường tự miễn phổ biến nhất liên quan đến sẩy thai liên tiếp, xác định dựa trên tiền căn và xét nghiệm kháng thể.
Có nhiều cơ chế có thể giải thích cho mối liên quan giữa sự hiện diện kháng thể antiphospholipid và sẩy thai. Người ta thấy rằng các kháng thể này hoạt hóa tiểu cầu, tế bào biểu mô, bạch cầu mono và từ đó làm trung gian cho quá trình đông máu dẫn đến hình thành huyết khối động/tĩnh mạch. Chúng cũng tác động lên quá trình xâm nhập của nguyên bào nuôi, dẫn đến sai lệch trong hoạt động bánh nhau và làm tăng nguy cơ sẩy thai. Antiphospholipid cũng hoạt hóa hệ thống các chất trung gian hóa học và tạo ra đáp ứng tiền viêm thông qua cơ chế này.
Có nhiều phương pháp điều trị có thể hạn chế các cơ chế sinh bệnh này. Sự kết hợp Heparin chưa phân đoạn (Heparin tự nhiên) và Aspirin cho thấy có thể giảm tỷ lệ sẩy thai và sự gia tăng khả năng sinh sống đã được báo cáo. Hai loại thuốc này có tác dụng chống sự hình thành huyết khối và điều hòa miễn dịch; cả hai cơ chế này đều cho thấy mang lại tác dụng có lợi.
Nhìn chung, các nghiên cứu đều sử dụng Heparin chưa phân đoạn 5000 – 10.000 IU 2 lần/ngày kết hợp với 81mg Aspirin. Heparin trọng lượng phân tử thấp cũng đã được nghiên cứu nhưng tính hiệu quả vẫn còn tranh cãi. Liệu pháp steroid và việc sử dụng globulin miễn dịch đường tĩnh mạch cũng đã được thử nghiệm nhưng còn tranh cãi về các kết quả được báo cáo.
Nguyên nhân khả dĩ nhất giải thích cho sự khác biệt các kết quả là sự không đồng nhất của các nghiên cứu: xác định bệnh nhân dựa trên những tiêu chuẩn khác nhau, cơ sở xét nghiệm và test kháng thể cũng khác nhau. Quá trình điều trị được bắt đầu ở những giai đoạn khác nhau của thai kỳ và tác dụng trên mỗi bệnh nhân cũng không giống nhau.
Nguồn:
Xác định chính xác ngày dự sinh rất quan trọng vì ngày dự sinh là một cột mốc giúp tính toán tuổi thai và là căn cứ để đánh giá sự phát triển bình thường hay bất thường của thai nhi trong suốt quá trình khám thai. Khám thai ở 3 tháng đầu là thời điểm tốt nhất để xác định đúng ngày dự sinh.
Táo bón là tình trạng phổ biến, ảnh hưởng đến 15 - 30 % dân số và thường gặp ở phụ nữ hơn là nam giới [4]. Có đến 40% phụ nữ mang thai phàn nàn về các triệu chứng táo bón [3].
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo tránh dùng metformin ở những bệnh nhân tăng huyết áp, tiền sản giật hoặc có nguy cơ thai nhi hạn chế tăng trưởng trong tử cung vì metformin ức chế hô hấp của ty thể, điều này có thể ảnh hưởng bất lợi đến chức năng, sự tăng trưởng hoặc sự biệt hóa của các mô bào thai hoặc nhau thai.
Nguyên nhân gây đau đầu ở phụ nữ khi mang thai và sau sinh có thể là cơn đau đầu nguyên phát như chứng đau nửa đầu, do căng thẳng, hoặc nhức đầu từng đợt.
Xuất huyết do phôi làm tổ là tình trạng ra huyết âm đạo vào ngày thứ 10-14 sau thụ thai. Thông thường, rụng trứng xảy ra vào ngày 14 của chu kỳ kinh (với các chu kỳ kinh đều 28 ngày).