Ngày 10/04/2008

Cao huyết áp do thai - Hội chứng Tiền sản giật - Sản giật

    Khoa Sản A
    BV Từ Dũ

    Thế nào là cao huyết áp trong thai kỳ?

    Ở một phụ nữ bình thường khi mang thai có huyết áp ≥ 140/90mmHg được gọi là cao huyết áp.
    Cũng gọi là tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu tăng ít nhất 30mm Hg và huyết áp tâm trương tăng ít nhất 15mmHg so với huyết áp lúc chưa mang thai.

    Tiền sản giật là gì?

    Gồm 3 triệu chứng:
    - Cao huyết áp (sau tuần lễ 20 của thai kỳ và chấm dứt sau sanh).

    - Nước tiểu có Albumin.

    - Phù.

    Tiền sản giật có thể đưa đến cơn co giật rất nguy hiểm cho tính mạng của mẹ và thai.

    Tiền sản giật nặng là gì?

    Là một trường hợp tiền sản giật có xuất hiện thêm 1 trong 5 triệu chứng sau:
    - Huyết áp cao ≥ 160/110mmHg.

    - Lượng nước tiểu trong 24 giờ ít hơn 400ml.

    - Có hơn 5 gam Albumin trong nước tiểu trong 24 giờ.

    - Nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt.

    - Đau thượng vị, cảm giác ngộp thở, nặng ngực.

    Sản giật là gì?

    Là biến chứng cấp tính của tiền sản giật, có kèm co giật và hôn mê. Sản giật có thể xuất hiện từ 1 cơn đến 20 cơn giật. Nếu không điều trị kịp thời sản phụ có thể co giật liên tiếp cho đến khi chết.

    Hậu quả tiền sản giật trên mẹ và thai như thế nào?

    - Đối với thai nhi: có thể suy dinh dưỡng rồi suy thai, non tháng vì chuyển dạ tự nhiên hoặc buộc phải sanh sớm vì bệnh của mẹ.

    - Đối với mẹ: sau sanh, tiền sản giật và sản giật tự nhiên trở về bình thường. Nếu sản phụ không đuợc điều trị kịp thời có thể diễn tiến đến co giật, hôn mê, phù phối cấp, suy tim cấp, hoặc xuất huyết não gây tử vong.

    Những yếu tố nào dễ đưa đến tiền sản giật?

    Nguyên nhân nào gâỵ nên tiền sản giật vẫn chưa được biết chính xác. Tuy nhiên, người ta ghi nhận một số yếu tố có thể góp phần trong sự xuất hiện của tiền sản giật.

    - Thời tiết lạnh và ẩm ướt.

    - Con so dưới 20 tuổi hoặc trên 40 tuổi.

    - Đa thai.

    - Dinh dưỡng kém.

    - Làm việc nặng nhọc, căng thẳng.

    - Có bệnh lý nội khoa: tiểu đường, cao huyết áp, thận, nhược giáp trước đó.

    - Có tiền căn thai kém phát triển, thai lưu.

    Làm thế nào để dự phòng tiền sản giật – sản giật?

    - Theo dõi khám thai định kỳ thật đều đặn.

    - Chú ý tránh các yếu tố thuận lợi đưa đến tiền sản giật đã được nêu trên. Cụ thể như: không có con quá sớm hoặc quá muộn, nên ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, không nên ăn quá mặn, không làm việc nặng nhọc, quá sức.

    - Khi có cao huyết áp cần theo sự hướng dẫn điều trị và chăm sóc của các bác sĩ và nữ hộ sinh.

    - Khi nằm viện, cần chú ý theo dõi các dấu hiệu tiền sản giật nặng. Khi có một trong các dấu hiệu nêu trên phải báo ngay cho nhân viên y tế (nữ hộ sinh, bác sĩ) để được điều trị kip thời.

     

    Khoa Sản A

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ