Ngày 12/04/2019

Giấc ngủ của bé những tháng đầu đời

Sau chín tháng đợi mong, cuối cùng thì cũng đến lúc bạn được nâng niu, ẵm bồng thiên thần bé nhỏ, đáng yêu của mình trong vòng tay. Hạnh phúc ngập tràn, nhưng cũng vô cùng lạ lẫm với cách chăm sóc em bé đỏ hỏn này, cho dù có thể đây không phải là lần sinh đầu tiên của bạn. Nết ăn, nết ngủ của các em bé không hề giống nhau, nhưng hiểu được cơ bản giấc ngủ của bé sẽ giúp các mẹ đỡ bỡ ngỡ, và có thêm nhiều thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe sau cuộc vượt cạn nặng nề nữa đấy. 

 

 

 Cơ bản về giấc ngủ của bé sơ sinh

Từ lúc mới sinh đến khi lên hai, hầu hết các em bé ngủ nhiều hơn thức. Trong những tháng đầu đời, các bé ngủ từ 16 đến 18 tiếng đồng hồ mỗi ngày, nhưng không liên tục mà ngắt quãng bởi những lần thức dậy để bú. Điều này là bởi dạ dày bé nhỏ của bé không thể chứa được nhiều thức ăn, nên sau hai đến ba tiếng bú đẫy bụng và chìm vào giấc ngủ, bé lại ngọ nguậy thức dậy để đòi măm bữa kế.

Nếu em bé của bạn ngủ nhiều hơn ba tiếng mỗi giấc, bạn cũng không cần phải lo lắng mà đánh thức bé dậy. Các chuyên gia cho rằng một em bé sinh đủ tháng, khỏe mạnh thì không cần phải được đánh thức để cho bú. Ngược lại, nếu bé của bạn thức giấc thường xuyên, cũng hãy an tâm rằng điều này chỉ là tạm thời. Từ 3 tháng tuổi, khi dạ dày bé đã lớn hơn và chứa được nhiều thức ăn hơn, giấc ngủ của bé cũng sẽ dài hơn.

 Thiết lập thói quen ngủ tốt cho bé

Bé mới sinh không ý thức được giờ giấc. Ngược với mong đợi của mẹ, bé có thể thức vào ban đêm rồi ngủ vào ban ngày. Trong vài tuần đầu tiên, rất khó để mẹ có thể thay đổi thói quen này của bé. Nhưng bạn có thể khuyến khích thiết lập thói quen ngủ tốt của bé bằng các cách sau:

  • Giúp bé phân biệt sự khác nhau giữa ngày và đêm:

Vào ban ngày, khi bé tỉnh thức:
- Làm vệ sinh, thay đồ cho bé, giúp bé hiểu rằng đây là khởi đầu của một ngày mới.

-  Không rón rén, giữ yên lặng, mà hãy để bé nghe được âm thanh của cuộc sống thường nhật như tiếng nói chuyện, tiếng nhạc, tiếng máy giặt…

- Trò chuyện, chơi đùa, tương tác nhiều với bé.

- Tránh để phòng bé tối như vào ban đêm.

Vào ban đêm:

- Cho bé lên giường vào giờ cố định mỗi ngày.

- Tắm mát, matxa, thay đồ sạch sẽ, cho bé nghe nhạc dịu nhẹ là những cách thiết lập thói quen đi ngủ của bé, giúp bé nhận thức sự kết thúc của một ngày.

- Tránh nói chuyện, tương tác khi cho bé bú đêm.

- Giữ ánh sáng và âm thanh dịu nhẹ.

  • Tập bé tự ngủ:

- Bạn có thể bế bé để ru ngủ, nhưng hãy đặt bé xuống giường khi bé đã buồn ngủ. Để bé ngủ trên tay mẹ sẽ hình thành thói quen phải bế ru mới ngủ.

- Cho bé bú khi bé tỉnh táo, tránh vừa bú vừa ngủ vì điều này dần hình thành thói quen không tốt: phải bú mới chịu ngủ.

  • Nhận dạng dấu hiệu buồn ngủ của bé:

Trong những tuần đầu tiên sau khi chào đời, bé thường không thể thức nhiều hơn hai tiếng mỗi lần. Nếu thức dài hơn thời gian trên, bé có thể quá mệt và cáu bẳn, khó ngủ ngon. Vì vậy, mẹ hãy học cách nhận dạng những dấu hiệu buồn ngủ của bé để kịp thời đáp ứng nhu cầu ngủ của bé. Một số dấu hiệu buồn ngủ của bé gồm:

- Dụi mắt, dụi tai

- Khó chịu, rên rỉ hoặc khóc

- Mất hứng thú với đồ chơi hoặc sự vật xung quanh

- Trở nên lặng lẽ, im lặng

Giữ an toàn cho bé khi ngủ

- Các chuyên gia khuyên rằng nên đặt bé nằm ngửa khi ngủ. Nằm xấp khi ngủ có nguy cơ gây tắt nghẽn đường thở, gây đột tử ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, hãy cẩn thận với những thứ đặt trong nôi (như gấu bông, đồ chơi, chăn bông, gối ôm, gối chặn …) bởi chúng đều có thể làm cản trở đường thở của bé. Khi bé thức, bạn có thể cho bé tập thể dục bằng cách nằm xấp để tăng cường khả năng kiểm soát đầu và thân trên, giảm thiểu nguy cơ ngộp thở khi ngủ.

- Nệm ngủ của bé cần có độ phẳng, không quá mềm lún, vừa vặn với nôi để tránh nguy cơ bé lọt vào khe hở.

- Không mặc quá nhiều lớp hay ủ ấm bé quá mức. Trên thực tế, quá nóng có thể gia tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Theo các tài liệu y học trên thế giới, mức nhiệt độ phòng thích hợp cho bé ở khoảng 26 đến 28 độ C.

 Hoa Phượng tổng hợp và lược dịch

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ