Ngày 21/04/2011

Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ

    BS. Giang Châu Võ
    Khoa Hậu phẫu – BV Từ Dũ

    I. Sơ lược về tuyến vú

    Bên trong tuyến vú gồm nhiều nang sữa, được cấu tạo bởi các tế bào tiết sữa. Chung quanh các nang sữa (tuyến tạo sữa) có các tế bào cơ trơn, khi co thắt sẽ đẩy sữa ra ngoài. Từ nang sữa, sữa theo các ống dẫn chảy ra ngoài. Ở phần quầng vú, các ống sữa nở rộng ra tạo thành các xoang sữa, là nơi sữa được gom lại để chuẩn bị cho bữa bú. Các nang sữa và ống dẫn sữa được bao bọc bởi mô mỡ và mô liên kết. Vú các bà mẹ có thể to nhỏ khác nhau do thành phần mô mỡ và mô liên kết nhiều hay ít, còn số lượng mô tuyến vú thì hầu như tương đương nhau. Để vú phát triển đầy đủ, cần có sự tham gia của nhiều hormon. Estrogen giúp sự phát triển của ống dẫn sữa, progesterone giúp sự phát triển các thuỳ.Chất prolactin giúp các tế bào tiết sữa tạo ra sữa, còn oxytocin làm các tế bào cơ co thắt.


    II. Sự hình thành sữa mẹ:

    Sự sản xuất các protein sữa, gồm casein và lactalbumin, được kích thích sau khi sanh bởi hormon prolactin, được tiết bởi tuyến yên trước. Sự bài tiết của prolactin được kiểm soát chủ yếu bởi hormon ức chế prolactin (PIH), dopamine, được sản xuất ở vùng dưới đồi.

    Sự bài tiết PIH được kích thích bởi liều cao estrogen. 

    Trong thời gian mang thai, liều cao estrogen và progesterone giúp các tuyến tạo sữa lớn lên và hoạt động từ tháng thứ ba của thai kì, chuẩn bị cho việc tiết sữa nhưng lại ngăn chặn tác động và sự bài tiết của prolactin. Sau khi sanh, lượng estrogen và progesterone đột ngột giảm. Điều này dẫn đến việc bài xuất prolactin, làm khởi phát sự tạo sữa.

    Sữa được hình thành trong các tuyến hình túi trong vú người mẹ, bắt đầu có nhiều từ khoảng 24 đến 48 tiếng sau khi sinh. Sữa mẹ được xem là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất cho trẻ sơ sinh, trước khi trẻ có thể tiêu hóa các loại thực phẩm  khác.

    III. Cơ chế tiết sữa

    Sự tiết sữa được điều khiển và duy trì bởi hai nội tiết tố chính là prolactin và oxytocin. Khi trẻ mút vú, xung động cảm giác - thần kinh từ tuyến vú lên não, kích thích thùy trước tuyến yên tiết ra prolactin. Chất này vào máu đến tuyến vú kích thích các tế bào tiết ra sữa. Nồng độ prolactin trong máu đạt tối đa vào khoảng 30 phút sau bữa bú, giúp tạo sữa cho bữa bú sau. Động tác mút vú của trẻ cũng tạo nên một phản xạ thần kinh kích thích thùy sau tuyến tiết ra oxytocin. Oxytocin vào máu đến tuyến vú làm co thắt các tế bào cơ trơn, tống sữa theo các ống dẫn đến các xoang sữa theo các mạch ra đầu núm vú. Trong cơ chế tiết sữa còn có sự tự điều chỉnh lượng sữa được tiết ra. Khi các nang sữa ứ đầy sữa nhưng không thoát được ra ngoài, các tế bào tiết sữa sẽ tiết ít sữa lại. Vì vậy, để vú tiếp tục tạo sữa tốt thì sữa mẹ phải được chảy ra khỏi vú. Nếu trẻ không bú được hoặc bú không hết sữa thì cần phải vắt ra sữa để sự sản xuất sữa vẫn được tiếp tục một cách đầy đủ. Như vậy, qua cơ chế tạo sữa như  trên, chúng ta thấy để có nhiều sữa, cần phải có nhiều prolactin. Điều này được thực hiện bằng cách cho trẻ bú nhiều. Nói tóm lại, trẻ bú càng nhiều càng tạo được nhiều sữa.

    Bảng 2.1. Các hormon ảnh hưởng đến việc tiết sữa

     
    Hormon

    Nguồn chủ yếu

    Tác động

    Hormon tăng trưởng, insulin, cortisol, hormon tuyến giáp

    Tuyến yên, tuyến tuỵ, vỏ thượng thận và tuyến giáp

    Cần thiết để cung cấp các acid amin, acid béo, glucose và calci cần cho sự tạo a.

    Estrogen và progesterone

    Nhau thai

    Tăng trưởng và phát triển các nang, thùy và ống dẫn sữa ở tuyến vú

    Prolactin

    Tuyến yên truớc

    Sản xuất các protein sữa, gồn casein và lactabumin

    Oxytocin

    Tuyến yên sau

    Kích thích bài xuất sữa

    IV. Sữa non

    Sữa non được tiết ra từ những giờ đầu cho đến hết tuần đầu sau khi sanh. Sữa non đặc sánh, màu vàng nhạt, rất giàu chất đạm, kháng thể, bạch cầu, và vitamin A. 
      • Lượng đạm trong sữa non nhiều gấp 10 lần trong sữa trưởng thành.
      •  
      • Sữa non chứa rất nhiều kháng thể (IgA, IgG, IgM, IgD), một số chất có tác dụng chống vi trùng như interferon  (chống siêu vi trùng), fibronectin (tăng cường lực lượng bạch cầu như đại thực bào (macrophage). Có rất nhiều tế bào miễn nhiễm trong sữa non. Nhiều nhất (50% số bạch cầu) là bạch cầu trung tính (neutrophil), 40% đại thực bào, 10% lymphocyte (trong đó 20% là loại tế bào B và 80% loại tế bào T). Do vậy, nếu được bú sớm sau sinh, bú đều đặn trong 6-9 tháng đầu, trẻ sẽ không bị mắc các bệnh như sởi, ho gà; ít bị viêm đường hô hấp và tiêu chảy.
      •  
      • Sữa non giàu vitamin hơn sữa thật sự, đặc biệt là vitamin A. Vitamin A giúp trẻ ít bị các bệnh nhiễm khuẩn nặng và phòng ngừa được bệnh khô mắt.
      •  
      • Do có các yếu tố phát triển nên sữa non cũng giúp cho bộ máy tiêu hóa của trẻ sớm trưởng thành.
      •  
      • Sữa non có tác dụng xổ nhẹ, giúp tống nhanh phân su ra khỏi đường tiêu hóa. Điều này sẽ hạn chế hiện tượng vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh.
    * Nội dung chi tiết bài viết vui lòng bạn tải file .pdf.

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ