Ngày 15/05/2019

Nỗi lo nào sẽ đến với tuổi mãn kinh

    BS PHAN DIỄM ĐOAN NGỌC

     

    Chắc hẳn chị em nào khi nghe đến mãn kinh đều sẽ rất lo lắng! Lo đủ thứ: lo già, lo xấu, lo bệnh! Nhưng bạn à mãn kinh là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa và sớm hay muộn thì nó cũng đến! Vậy nên hãy cứ lạc quan yêu đời các mẹ các chị nhé vì hiện nay đã có rất nhiều phương pháp giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn và duy trì cuộc sống khỏe mạnh, vui vẻ! Mời bạn đọc bài viết sau đây để tìm hiểu thêm về mãn kinh bạn nhé!

    Mãn kinh là gì?

    • Mãn kinh là khoảng thời gian sau khi buồng trứng của người phụ nữ ngừng hoạt động hoàn toàn, không còn rụng trứng và sản xuất các loại nội tiết tố. Do đó người phụ nữ không còn kinh nguyệt và cũng không thể mang thai.
    • Kinh nguyệt có thể ngưng trong một vài tháng và sau đó có lại. Chính vì vậy người phụ nữ được gọi là mãn kinh khi không có kinh trên 1 năm.
    • Tuổi mãn kinh thông thường từ 45 đến 55 tuổi. Mãn kinh không phải là một bệnh mà là sự chuyển tiếp thời kỳ bình thường xảy ra ở tất cả phụ nữ lớn tuổi.

    Tiền mãn kinh là gì?

    • Tiền mãn kinh là khoảng thời gian trước khi mãn kinh thực sự. Trong khoảng thời gian này, trong cơ thể người phụ nữ sẽ thay đổi và gây nên các triệu chứng như bốc hỏa, rối loạn kinh nguyệt, khó ngủ, cáu gắt, vv. Các triệu chứng này có thể tồn tại vài tháng hoặc có khi vài năm sau kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Sau khi mãn kinh thì người phụ nữ sẽ đi vào giai đoạn hậu mãn kinh, kéo dài đến cuối cuộc đời.
    • Tôi có thể bị những khó chịu gì trước và sau khi mãn kinh?
    • Mãn kinh có thể ảnh hưởng đến người phụ nữ theo nhiều cách khác nhau. Có nhiều người không gặp khó chịu gì, cũng có nhiều người gặp nhiều triệu chứng ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống. Một số thay đổi có thể xảy ra trong thời kỳ trước và sau mãn kinh:

    Rối loạn kinh nguyệt

    Thường xuyên hơn hoặc ít hơn

    Kéo dài nhiều ngày hơn hoặc ít ngày hơn

    Lượng nhiều hơn hoặc ít hơn

    Bốc hỏa (nóng bừng): khá thường gặp, là cảm giác nóng bừng đột ngột xảy ra khắp ở măt, cổ hay ngực. Bốc hỏa có thể kèm đỏ bừng mặt, đổ mồ hôi và cảm giác lạnh run sau đó. Bốc hỏa ban đêm có thể gây đổ mồ hôi đêm và làm mất ngủ.

    Khó ngủ: có thể do bốc hỏa trong đêm, đổ mổ hôi đêm.

    Khô âm đạo: giảm nồng độ estrogen làm âm đạo bị khô, teo, thiểu dưỡng. Điều này có thể làm bạn đau khi giao hợp và các khó chịu như ngứa, rát, tiết dịch âm đạo, ra huyết âm đạo.

    Rối loạn tiết niệu: són tiểu, tiểu gắt, nhiễm trùng tiểu, khó cầm được nước tiểu khi mắc tiểu.

    Giảm ham muốn tình dục: do thay đổi tính khí, mất ngủ, khô âm đạo gây giao hợp đau.

    Thay đổi tính khí: dễ cáu bẳn, bực bội, khó chịu, dễ xúc động, khóc lóc. Giảm khả năng tập trung, hay quên

    Tăng cân, tăng mỡ bụng, cơ nhão, da nhăn nheo, mất tính đàn hồi, tóc khô, dễ gãy rụng, vú teo, nhão…

     

    Hình minh họa - Nguồn internet

     

    Mãn kinh có gây loãng xương?

    Nồng độ estrogen suy giảm có thể dẫn đến loãng xương, xương bị yếu, dễ gãy. Tuy nhiên tiến trình này khá thầm lặng và bạn có thể không bị bất cứ khó chịu nào cho đến khi bị gãy xương. Gãy xương ở người lớn tuổi khó lành và gây nên nhiều biến chứng nặng nề.

    Để có một bộ xương khỏe mạnh, bạn nên tập thể dục thường xuyên và có chế độ ăn giàu can xi và vitamin D như sữa, sữa chua, phô mai…. Phụ nữ trên 51 tuổi cần khoảng 1200mg canxi và 600 đơn vị vitamin D mỗi ngày. Bạn có thể bổ sung bằng viên uống canxi và vitamin D nếu cần thiết.

    Mãn kinh có làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch?

    Điều này là đúng. Sau mãn kinh, bạn sẽ bị tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Điều này có thể do giảm nội tiết tố estrogen, cũng có thể do tuổi già. Thay đổi lối sống có thể giúp ích như:

    Không hút thuốc lá và tránh hút thuốc lá thụ động từ người khác.

    Tập thể dục thường xuyên khoảng 30 phút mỗi ngày giúp cơ thể dẻo dai và khỏe mạnh, giảm đáng kể các triệu chứng của mãn kinh cũng như giúp bạn cảm thấy năng động, yêu đời hơn. Bạn có thể chọn cho mình một hay nhiều môn thể thao phù hợp như đi bộ, đạp xe đạp, yoga, thái cực quyền, bơi lội… Nếu bạn có các bệnh lý như tim mạch, xương khớp thì bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi tập

    Chế độ ăn lành mạnh, giảm muối và các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, ăn nhiều rau xanh, trái cây. Tăng khẩu phần cá trong bữa ăn giúp tăng chất béo có lợi, omega-3, tốt cho tim mạch.

    Làm thế nào tôi có thể giảm thiểu các khó chịu do mãn kinh?

    Sau đây là một số cách giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn:

    Bốc hỏa:

    Tránh những thứ dễ khởi phát cơn bốc hỏa như: đồ ăn cay, rượu, café, bị căng thẳng, ở nơi nóng, hút thuốc lá

    Mặc quần áo rộng thoáng

    Sử dụng quạt hoặc máy lạnh để làm mát

    Khi cơn bốc hỏa bắt đầu, thử hít thở chậm sâu, hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng. Thở chỉ 5-7 lần mỗi phút, chậm hơn rất nhiều so với thông thường.

    Tập thể dục thường xuyên, nhưng không quá gần giờ đi ngủ. Thiền, yoga, khí công, thái cực quyền, châm cứu, hoặc massage cũng sẽ giúp giảm bốc hỏa.

    Nếu bạn thức vào ban đêm, uống một ly nước mát. Hãy thử các cách khác nhau để trở lại giấc ngủ, chẳng hạn như thiền, hít thở chậm sâu, hoặc ra khỏi giường và đọc sách cho đến khi bạn buồn ngủ.

    Giảm cân nếu bạn bị thừa cân, béo phì

    Khô ngứa âm đạo, giao hợp đau:

    Một số loại gel bôi trơn có thể giúp bạn giao hợp thoải mái hơn.

    Khó ngủ:

    Tập thể dục nhưng không quá gần giờ đi ngủ có thể khiến bạn khó ngủ hơn

    Tránh ăn nhiều, hút thuốc lá và làm việc trước khi ngủ. Tránh cà phê sau buổi chiều

    Giữ phòng ngủ mát mẻ, yên tĩnh, tối. Không làm việc trong phòng ngủ

    Tập thói quen đi ngủ và dậy vào một giờ nhất định

    Tránh ngủ trưa quá nhiều

    Thay đổi tính khí:

    Cố gắng ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn cảm thấy yêu đời, khỏe khoắn hơn

    Tránh các công việc gây căng thẳng

    Khi nào thì tôi nên khám Bác sĩ?

    Bạn cần phải đi khám khi các triệu chứng mãn kinh làm bạn khó chịu. Bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe cho bạn và hướng dẫn bạn một số thay đổi trong cuộc sống để bạn có thể cảm thấy thoải mái hơn và chỉ định thuốc nếu cần thiết. Bạn cũng nên khám tổng quát định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện các bệnh lý như tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đái tháo đường…đánh giá nguy cơ loãng xương, khám phụ khoa để phát hiện các bệnh lý phụ khoa, đặc biệt là ung thư sinh dục… Nếu bạn bị ra huyết âm đạo sau khi đã mãn kinh trên 1 năm thì bạn nên đi khám ngay vì đó có thể là dấu hiệu của ung thư nội mạc tử cung hay ung thư cổ tử cung.

    Liệu pháp thay thế nội tiết có thể giúp ích gì cho tôi

    LPTTNT là liệu pháp bổ sung nội tiết tố nữ như estrogen và progesterone để thay thế lượng nội tiết thiếu hụt khi bạn mãn kinh. Đây là biện pháp hiệu quả giúp bạn giảm bớt các khó chịu trong thời kỳ mãn kinh cũng như loãng xương. Tuy nhiên nó có thể có một số tác dụng có hại, nhất là nếu dùng trong thời gian dài.

    Lợi ích:

    Giảm bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, mất ngủ, cáu gắt, khô âm đạo

    Chậm tiến trình loãng xương

    Nguy cơ: có thể làm tăng một số nguy cơ mắc bệnh

    Huyết khối

    Nhồi máu cơ tim

    Đột quỵ

    Ung thư vú

    Bệnh túi mật

    Việc quyết định sử dụng liệu pháp nội tiết thay thế cần phải được thảo luận kỹ lưỡng với BS về các lợi ích cũng như nguy cơ.  Nếu sử dụng thì bạn cần lưu ý sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể.

    Điều gì xảy ra nếu tôi bị mãn kinh trước 40 tuổi?

    • Tuổi mãn kinh thông thường trong khoảng 45 đến 55 tuổi. Một số phụ nữ có thể mãn kinh trước 40 tuổi. Trường hợp này gọi là mãn kinh sớm hoặc suy buồng trứng sớm. Nó có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng cũng có nhiều trường hợp không tìm được nguyên nhân rõ ràng nào:
    • Điều trị y khoa, như cắt hai buồng trứng
    • Điều trị ung thư gây phá hủy buồng trứng như hóa trị hay xạ trị vùng chậu
    • Bệnh tự miễn mà cơ thể có những tế bào tấn công chính buồng trứng của người đó
    • Đối với những phụ nữ muốn có con thì mãn kinh sớm có thể là một cú sốc lớn. Bạn nên thảo luận với BS những phương pháp giúp bạn mang thai như xin trứng hoặc nhận con nuôi.
    • Mãn kinh sớm có thể làm tăng nguy cơ loãng xương và các bệnh lý tim mạch. Bạn nên thảo luận với BS để có biện pháp điều trị và dự phòng tốt nhất
    BS PHAN DIỄM ĐOAN NGỌC

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ