Ngày 26/04/2010

Nói với con trẻ (P1)

    >> Nói với con trẻ (P2)

    NHS. Huỳnh Thị Thu Hà
                                                                                          Khoa KHHGĐ – BV Từ Dũ

    Con trẻ chính là hạnh phúc của mỗi gia đình, là niềm tự hào của cha mẹ, là tương lai của đất nước là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mai sau và hơn thế nữa con sẽ là nền tảng để xây dựng một tương lai tốt đẹp cho cả thế giới này .

     Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói “ Trẻ em chính là rường cột của đất nước“

    Người cũng dạy chúng ta rằng:

    Trẻ con là người chủ tương lai của nước nhà - vì vậy chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng và toàn dân, công tác đó phải làm kiên trì bền bỉ … Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta. Mọi người mọi nghành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu cho tốt. Tất cả quốc gia dân tộc trên thế giới muốn tồn tại và phát triển bền vững đều phải quan tâm, chăm sóc và bảo vệ thiếu niên nhi đồng ‘

    Xác định vai trò của lực lượng hậu bị Bác Hồ thường nhắc nhở: “ Các cấp các nghành phải làm tốt công tác chăm sóc giáo dục thiếu niên nhi đồng“   

    Để nâng cao trách nhiệm của gia đình, cơ quan Nhà nước, nhà trường, tổ chức xã  hội và công dân trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, nhằm bồi dưỡng các em trở thành công dân tốt của đất nước 

    Căn cứ vào : Luật của Quốc Hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt nam số 25/2004/QH về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng  có nhấn mạnh ở một số mục như sau :  

    Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu.

    Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật.

    Nghiêm cấm dụ dỗ, lừa dối, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm; xâm hại tình dục trẻ em

    Nghiêm cấm việc Cản trở học tập của trẻ em;

    Nghiêm cấm xúc phạm, hạ thấp danh dự, nhân phẩm hoặc dùng nhục hình đối với trẻ em vi phạm pháp luật;

    Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự.

    Với những lời dạy của Bác Hồ kính yêu cùng những quy định của pháp luật hiện hành thì mỗi ngành nghề, mỗi gia đình, mỗi phụ huynh chúng ta đã thực hiện điều này tốt hay chưa? Các cháu đã được bảo vệ như thế nào về sức khỏe cũng như tinh thần, các bậc phụ huynh có biết hay không những quyền lợi mà con em mình đáng ra phải được hưởng  nhất là các cháu ở những vùng  xa  …

     Xã hội ngày càng phát triển, đời sống tinh thần của các cháu đã được quan tâm từ phía xã hội, trường học và gia đình song bên cạnh đó chúng ta cũng rất đau lòng khi ta nghe, ta thấy, ta chứng kiến những gì đau đớn nhất mà các cháu đã  phải chịu đựng  …

     Là nhân viên y tế được phân công công tác ở các phòng tư vấn khi tiếp xúc với các trường hợp vị thành niên mang thai ngoài ý muốn chúng tôi luôn chứng kiến nhiều hoàn cảnh thật đau lòng. Nhìn các cháu khóc, trả lời câu hỏi của chúng tôi một cách chân thành cả với lời sám hối ăn năn muộn màn, ba mẹ của các cháu nghẹn ngào vì thương con, giận con hay giận chính bản thân mình… người tư vấn cũng cố nén đi những giọt đắng nghèn nghẹn trong lòng để lắng nghe và cho các cháu những lời khuyên chân thành nhất. Mỗi trường hợp tư vấn cho các cháu vị thành niên trước khi thực hiện thủ thuật bỏ thai ngoài ý muốn là mỗi lần chúng tôi lại nghe những câu chuyện đau lòng. Nếu như trước kia tuổi bỏ thai của vị thành niên nhiều nhất ở lứa tuổi 18-19 thì thời gian gần đây số tuổi ấy càng nhỏ dần đi có  một số cháu chỉ mới 14-15 thậm chí có nhiều cháu chỉ 12-13 tuổi. Số tuẩn tuổi thai thì lại càng lớn hơn trước đây đa số không thể thực hiện việc cho phá thai nội khoa hay hút thai thông thường mà phải gấp thai hay nhập viện làm thủ thuật phá thai to. Tư vấn cho các cháu vị thành niên thường chúng tôi phải tiến hành làm hai bước là tư vấn cho các cháu và tư vấn cho gia đình các cháu .

    Lắng nghe từng câu chuyện kể của các cháu đôi lần lòng quặn thắt, nghẹn ngào, chua xót và không thể chỉ là lắng nghe và giải quyết hậu quả hiện tại. Qua bài viết này xin gửi gấm những thông tin cho các bậc phụ huynh có con em là các cháu gái đang  chuẩn bị bước vào giai đoạn dậy thì, tuổi vị thành niên. Hầu góp phần nào giảm bớt đi những đau đớn về thể chất cũng như tinh thần mà đáng lý ra các con chúng ta có thể tránh khỏi . 

    1. Chuẩn bị cho con bước vào giai đoạn dậy thì :

    Hầu hết các cháu khi đến giải quyết thai tại khoa KHHGĐ đều chưa được Bà, mẹ hoặc chị gái chuẩn bị tốt trong giai đoạn này, các cháu rất mù mờ về mọi thứ đang thay đổi trong cơ thể mình về thể chất cũng như về tinh thần .

    Bài giảng ở nhà trường về sự thay đổi trong giai đoạn chuyển tiếp này được dạy ở chương trình cấp 1,2 tuy nhiên theo các cháu khi học ở lớp hầu như các cháu không dám hỏi, cô giáo dạy cũng ngượng ngùng thường chỉ nói qua loa, không cặn kẻ, học sinh e ngại khi lớp học có cả nam học sinh nên dù có những điều thắc mắc các cháu cũng không  dám hỏi. Cha mẹ thì bận rộn suốt ngày tháng cũng không tiện cho con hỏi những  điều mà con còn chưa biết hỏi ai . Về phần phụ huynh khi được hỏi về vấn đề này hầu như họ không giải thích gì thêm cho con ngoại trừ việc nói với con hiện tượng có kinh trong giai đoạn này là bình thường đó là kinh nguyệt mà con gái thì phải có. Chỉ có thế thôi ! Còn có những vấn đề chúng ta cần phải hướng dẫn và giải thích cho con .

    Theo chúng tôi thời kỳ này là rất quan trọng, chúng ta cần chuẩn bị cho con cần phải nói cho con biết về sự thay đổi của con về thể chất  cũng như tinh thần . 
    • Về thể chất :

    Nói với con về những biến đổi và sự trưởng thành của cơ quan sinh dục như: Sự phát triển của vú hiện tượng có khí hư và chu kỳ kinh nguyệt .

    Trước khi có kinh sẽ có hiện tương có khí hư, có đau bụng, có hiện tượng nổi mụn trứng cá. Kinh nguyệt là sự chảy máu hàng tháng/lần có kinh tháng này đến lần có kinh của tháng tới cách nhau từ 28-40 ngày máu chảy trong 3-7 ngày .

    Hướng dẫn cho con cách giữ gìn vệ sinh kinh nguyệt bằng cách chuẩn bị băng vệ sinh cho con, hướng dẫn con cách thay băng để vi trùng không có điều kiện sinh sôi gây viêm nhiễm vì điều đó có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này của con .

    Nói với con về hiện tượng kinh nguyệt có liên quan nhiều đến sức khỏe của người phụ nữ và con đang bước vào giai đoạn này, con đủ trưởng thành và có khả năng thụ thai  

    • Về tinh thần
    Nói cho con biết về con trai và con gái có thể có những cảm xúc giới tính trong thời kỳ này nhưng đó chỉ là biểu hiện của sự thay đổi về sinh lý tạm thời chưa phải tình yêu thực sự,  giúp con tránh những cảm xúc mạnh mẽ rồi yêu đương quá sớm làm ảnh hưởng đến chuyện học tập. Cần có thời gian thăm hỏi chuyện sinh hoạt, học tập và bạn bè của con dù chỉ một lần trong  ngày.   

    Cần rèn luyện cho con có những kỹ năng sống giúp con xây dựng được các mối quan hệ bạn bè biết cách giải quyết mâu thuẫn, biết cách cùng hợp tác với người khác trong nhóm, hình thành lòng tự trọng cũng như biết kìm chế trước sức ép từ bạn bè cùng lứa và biết nói lên tiếng nói của mình với người lớn để không tham gia vào những hành vi nguy cơ có hại cho sức khoẻ và bảo vệ cho bản thân mình và cho người khác. 

    Nói với con về sự thay đổi trên là điển hình của trẻ vị thành niên, nhưng chúng chỉ tạm thời và sẽ qua đi theo sự trưởng thành dần lên của con. Tuy nhiên, một số hành vi và sự chọn lựa của tuổi vị thành niên không đúng có thể gây hậu quả suốt đời .

         2 Hãy dạy cho con biết lên tiếng !

    Câu chuyên của cháu bé 12 tuổi :

    Cháu đến khoa KHHGĐ cùng với mẹ của mình, người mẹ phát hiện ra con có thai ở tuần thứ 16 khi thấy bé thích ăn me và bụng ngày càng tỏ ra, mẹ không nghĩ con mình có thai dù kinh nguyệt có lộn xộn vì đơn giản chị nghĩ rằng kinh nguyệt con không đều vì con chỉ mới có kinh 1 -2 chu kỳ đầu tiên

    Con kể rằng mình bị hãm hiếp trên đường đi học về, đường đi từ nhà đến trường xa lại vắng vẻ do hoảng sợ trước lời đe dọa của kẻ xâm hại và sợ nhất là những giọt nước mắt của mẹ nên con không dám nói ra, con cũng không biết là như thế là có thai nên sự việc xảy ra con cứ tưởng mình mập ra do ăn nhiều hơn trước. Con sợ mẹ buồn mẹ khóc vì mẹ con hay khóc lắm ! Câu nói của con làm cho người tư vấn thật ngậm ngùi … Phải chi con nói sớm hơn ! … Nếu như con nói sớm hơn cho mẹ hoặc cho cô giáo hay một người thân nào đó, kể cả nhân viên y tế hay tổng đài tư vấn để có thể cho lời khuyên tốt nhất ở thời điểm đó chắc chắn con không phải nhập viện, con không phải bỏ học, con không phải đau đớn nhiều và cũng không phải chịu hậu quả nếu như tai biến có thể xảy ra cho con trong quá trình bỏ thai … . Kẻ xâm hại con sẽ bị đưa ra ánh sáng và pháp luật sẽ trừng trị chúng một cách đích đáng. Nếu con nói ra thì kẻ đồi bại đó sẽ không có cơ hội làm tổn thương thêm một ai khác nữa  .

    Vâng ! Qua câu chuyên thứ nhất này chúng ta hãy giúp con mạnh mẽ hơn, phải biết lên tiếng khi điều đó thật cần thiết !

    NHS. Huỳnh Thị Thu Hà

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ