Ngày 17/07/2025

Các bệnh lý răng miệng ảnh hưởng đến thai kỳ: những nguy cơ âm thầm không thể xem nhẹ

    Thai kỳ là thời điểm đặc biệt trong cuộc đời người phụ nữ, nhưng cũng là giai đoạn mà cơ thể phải trải qua hàng loạt thay đổi về nội tiết, miễn dịch và chuyển hóa. Những thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe toàn thân mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý răng miệng. Điều đáng nói là nhiều bệnh răng miệng không chỉ gây khó chịu cho mẹ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi, thậm chí làm tăng nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân, hoặc biến chứng thai kỳ nghiêm trọng.

     

    1. Viêm nướu – Viêm nha chu

    Viêm nướu thai kỳ là tình trạng sưng đỏ, đau rát, dễ chảy máu nướu, thường xảy ra từ tam cá nguyệt thứ hai và tăng dần đến tháng thứ 8 của thai kỳ. Nguyên nhân chính là do nồng độ hormone estrogen và progesterone tăng cao, làm tăng đáp ứng viêm của mô nướu với mảng bám vi khuẩn.

    Viêm nha chu là tình trạng tiến triển nặng hơn của viêm nướu, gây phá hủy mô nâng đỡ răng như dây chằng, xương ổ răng… Nếu không điều trị, có thể dẫn đến mất răng và ảnh hưởng toàn thân.

    Vi khuẩn trong túi nha chu có thể xâm nhập vào máu, đến nhau thai và kích hoạt phản ứng viêm hệ thống. Một số chất trung gian viêm như IL-1, IL-6, TNF-α, prostaglandin E2 (PGE2) tăng cao, được xem là tác nhân gây co tử cung sớm, dẫn đến sinh non.

    Viêm nha chu sẽ làm tăng các nguy cơ đối với thai kỳ:

    • Tăng nguy cơ sinh non – sinh nhẹ cân: Phụ nữ mang thai bị viêm nha chu có nguy cơ sinh non và trẻ nhẹ cân cao gấp 2,4–7,5 lần so với người không mắc bệnh.
    • Tăng nguy cơ tiền sản giật: Viêm nha chu có thể liên quan đến rối loạn mạch máu, tăng huyết áp thai kỳ, xuất hiện đạm trong nước tiểu.
    • Tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ: Viêm nha chu được chứng minh có thể gây rối loạn chuyển hóa glucose qua cơ chế viêm mạn tính.

    Số liệu tại Bệnh viện Từ Dũ ghi nhận tỉ lệ viêm nha chu ở nhóm sản phụ sinh non – sinh nhẹ cân là 26%, trong khi nhóm sinh đủ tháng chỉ là 15,1%. Viêm nha chu được xác định là yếu tố nguy cơ độc lập gây sinh non – sinh nhẹ cân, với nguy cơ tăng gấp đôi.

    Điều trị viêm nha chu trong thai kỳ không chỉ an toàn mà còn cần thiết. Tam cá nguyệt thứ hai là thời điểm lý tưởng để thực hiện các can thiệp như lấy cao răng, xử lý mặt gốc răng, kết hợp với hướng dẫn vệ sinh răng miệng cá nhân và điều chỉnh chế độ ăn. Khi cần thiết, bác sĩ có thể sử dụng thuốc gây tê tại chỗ và kháng sinh phù hợp với thai kỳ.

    Phòng ngừa viêm nướu – nha chu vẫn là giải pháp hiệu quả và đơn giản nhất: chải răng đúng cách 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa, giảm thực phẩm ngọt và duy trì khám răng định kỳ – đặc biệt là trước và trong khi mang thai.

    2. Sâu răng

    Sâu răng là hậu quả của sự phá hủy mô cứng của răng do vi khuẩn và acid. Trong thai kỳ, thay đổi về chế độ ăn, tăng thói quen ăn vặt, giảm pH nước bọt và khó khăn trong vệ sinh răng miệng do ốm nghén khiến sâu răng dễ xảy ra và tiến triển nhanh hơn.

    Ảnh hưởng của sâu răng đến thai kỳ và trẻ:

    • Đau nhức răng gây mất ngủ, chán ăn, ảnh hưởng đến dinh dưỡng mẹ và bé.
    • Tự dùng thuốc giảm đau không đúng cách, gây nguy hiểm cho thai nhi.
    • Vi khuẩn sâu răng từ mẹ có thể lây sang con sau sinh qua nước bọt (ví dụ: dùng chung muỗng, hôn môi con), làm tăng nguy cơ sâu răng sớm ở trẻ.

    Theo thống kê 88,5% phụ nữ mang thai tại Việt Nam bị sâu răng. Con của mẹ có sâu răng chưa điều trị có nguy cơ sâu răng cao gấp 3 lần so với bình thường.

    Tất cả những điều đó càng cho thấy việc điều trị răng sâu trong thai kỳ là cần thiết và nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Với những răng sâu nhẹ, bác sĩ có thể trám lại bằng vật liệu phù hợp. Trường hợp viêm tủy hoặc áp xe, việc điều trị tủy hoặc nhổ răng (nếu bắt buộc) vẫn có thể được tiến hành an toàn, đặc biệt trong tam cá nguyệt thứ hai. Chụp X-quang vùng miệng với áo chì bảo vệ và gây tê tại chỗ đúng kỹ thuật đều được coi là an toàn cho mẹ và bé.

     

     

    3. U nướu thai kỳ (Granuloma gravidarum)

    Đây là khối u lành tính xuất hiện ở nướu do phản ứng quá mức với kích thích tại chỗ trong điều kiện hormone tăng cao. Khối u này thường phát triển nhanh trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc ba, có thể tự tiêu sau sinh, nhưng cũng có thể gây:

    • Chảy máu, đau rát, cản trở ăn nhai.
    • Khó khăn trong vệ sinh răng miệng, làm bệnh nha chu nặng hơn.

    Trong phần lớn trường hợp, u nướu sẽ tự thoái lui sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu gây khó chịu hoặc dễ chảy máu, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp để loại bỏ. Giữ vệ sinh răng miệng tốt là cách đơn giản nhất để ngăn ngừa u phát triển.

    4. Mòn răng do nôn nghén

    Ốm nghén là điều quen thuộc trong thai kỳ, nhưng ít ai để ý rằng nôn nhiều có thể khiến axit dạ dày tiếp xúc với men răng, gây mòn răng và ê buốt. Điều nguy hiểm là nhiều mẹ lại có thói quen chải răng ngay sau khi nôn, vô tình làm mòn men nhanh hơn.

    Lời khuyên từ chuyên gia là: Sau khi nôn, không nên đánh răng ngay lập tức mà nên hãy súc miệng nhẹ bằng nước sạch hoặc nước súc miệng chứa fluoride, đợi ít nhất 30 phút rồi mới chải răng để tránh làm tổn thương men răng. Nếu đã có dấu hiệu mòn răng, bác sĩ sẽ hướng dẫn phục hồi răng bằng vật liệu phù hợp và dùng kem đánh răng chống ê buốt.

    5. Vì sao cần điều trị sớm các bệnh răng miệng trong thai kỳ?

    Nhiều mẹ bầu lo ngại khi phải điều trị nha khoa trong thai kỳ, nhưng thực tế cho thấy các can thiệp răng miệng đơn giản, không phẫu thuật là hoàn toàn an toàn nếu được thực hiện đúng thời điểm và đúng kỹ thuật. Tam cá nguyệt thứ hai (từ tuần 14–28) là giai đoạn “vàng” để xử trí các vấn đề răng miệng nếu cần.

    Các thuốc gây tê tại chỗ như lidocain, một số loại kháng sinh như amoxicillin hoặc clindamycin, thuốc giảm đau như paracetamol đều có thể sử dụng khi cần thiết. Bác sĩ sẽ luôn phối hợp với bác sĩ sản khoa để đảm bảo an toàn tối đa cho mẹ và thai nhi. Nếu bỏ qua hoặc trì hoãn điều trị:

    • Tình trạng viêm sẽ nặng hơn, ảnh hưởng toàn thân.
    • Nguy cơ biến chứng thai kỳ tăng rõ rệt.
    • Điều trị muộn sẽ khó khăn, kéo dài nhiều buổi hơn hoặc phải dùng thuốc nhiều hơn.

    6. Chăm sóc răng miệng tốt – Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

    Giữ gìn sức khỏe răng miệng không chỉ giúp mẹ cảm thấy dễ chịu, ăn ngon, ngủ ngon trong thai kỳ mà còn giảm thiểu nguy cơ biến chứng thai sản nghiêm trọng. Quan trọng hơn, sức khỏe răng miệng của mẹ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến con – từ khi còn trong bụng cho đến những năm đầu đời.

    Hãy bắt đầu bằng những điều rất đơn giản:

    • Chải răng 2 lần mỗi ngày với kem có fluoride
    • Sử dụng chỉ nha khoa
    • Hạn chế ăn vặt, đặc biệt là đồ ngọt và nước có gas
    • Uống nhiều nước và có chế ăn uống cân bằng dinh dưỡng.
    • Khám răng miệng trước khi mang thai là tốt nhất để điều trị triệt để các bệnh lý tiềm ẩn.
    • Khám nha khoa định kỳ và làm sạch răng trong thời kỳ mang thai.

    Các bệnh lý răng miệng trong thai kỳ không chỉ gây phiền toái tại chỗ mà còn tác động nghiêm trọng đến kết quả thai kỳ. Phát hiện sớm – điều trị đúng – phòng ngừa hiệu quả là ba trụ cột quan trọng giúp đảm bảo sức khỏe răng miệng cho mẹ và phát triển tốt cho thai nhi. Đừng xem nhẹ sức khỏe răng miệng – bởi đó cũng chính là sức khỏe của mẹ và bé!

     

    ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ