Cân nhắc lâm sàng đối với bệnh đậu mùa khỉ ở phụ nữ mang thai hoặc cho con bú
DS. Phạm Bình Bảo Ngọc (lược dịch)
1. Bệnh đậu mùa khỉ và mang thai
Dữ liệu về nhiễm đậu mùa khỉ trong thai kỳ còn hạn chế. Hiện nay chưa rõ liệu phụ nữ mang thai có dễ bị nhiễm vi-rút đậu mùa khỉ hơn hay triệu chứng nặng hơn hay không. Vi-rút đậu mùa khỉ có thể được truyền sang trẻ trong khi mang thai hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Các kết cục bất lợi khi mang thai, bao gồm sẩy thai tự nhiên và thai chết lưu, đã được báo cáo trong các trường hợp xác nhận nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong thời kỳ mang thai. Sinh non và nhiễm đậu mùa khỉ ở trẻ sơ sinh cũng đã được báo cáo. Tần suất và các yếu tố nguy cơ đối với mức độ nghiêm trọng và các kết cục bất lợi trong thai kỳ vẫn chưa rõ ràng.
Bệnh đậu mùa, một căn bệnh gây ra bởi một loại vi-rút orthopox tương tự (vi-rút Variola) đã bị loại trừ vào năm 1980, có các biểu hiện nghiêm trọng hơn bệnh đậu mùa khỉ và có liên quan đến bệnh nặng hơn trong thời kỳ mang thai, bao gồm các biến chứng xuất huyết và tử vong. Sẩy thai, thai chết lưu, sinh non và nhiễm trùng bẩm sinh đã được báo cáo trong các trường hợp nhiễm vi-rút Variola trong thai kỳ.
2. Dấu hiệu và triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm vi-rút đậu mùa khỉ ở phụ nữ mang thai xuất hiện tương tự như ở những người không mang thai, bao gồm các triệu chứng ban đầu (ví dụ: sốt, nhức đầu, nổi hạch, khó chịu, đau họng và ho) và phát ban.
Trong thời kỳ mang thai, nguyên nhân gây sốt có thể khó phân biệt với các bệnh nhiễm trùng khác, chẳng hạn như nhiễm trùng trong buồng trứng (viêm màng đệm), cho đến khi phát ban xuất hiện. Phát ban ở phụ nữ mang thai có các yếu tố nguy cơ nhiễm vi-rút đậu mùa khỉ cần được phân biệt với bệnh da liễu, như sẩn và mảng mẩn ngứa khi mang thai. Ngoài ra, các tổn thương của bệnh đậu mùa khỉ có thể giống với các tổn thương trong các bệnh nhiễm trùng khác. Những bệnh nhân bị phát ban ban đầu được coi là đặc trưng của các bệnh nhiễm trùng phổ biến hơn (ví dụ như varicella zoster hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục), nên cần được đánh giá cẩn thận về phát ban đặc trưng của đậu mùa khỉ, và xét nghiệm chẩn đoán nên được xem xét, đặc biệt nếu người đó có các yếu tố nguy cơ dịch tễ đối với nhiễm vi-rút đậu mùa khỉ. Các trường hợp đồng nhiễm vi-rút đậu mùa khỉ và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) đã được báo cáo và sự hiện diện của STI không loại trừ bệnh đậu mùa khỉ, do đó khuyến khích phương pháp xét nghiệm rộng rãi.
3. Điều trị
Trong khi hầu hết người lớn không mang thai bị nhiễm vi-rút đậu mùa khỉ đều bị bệnh nhẹ và tự khỏi, phụ nữ mang thai và đang cho con bú nên được ưu tiên điều trị y tế nếu cần. Điều này là do có thể tăng nguy cơ mắc bệnh nặng khi mang thai, nguy cơ lây truyền cho thai nhi trong khi mang thai hoặc cho trẻ sơ sinh khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh, và nguy cơ nhiễm trùng nặng ở trẻ sơ sinh.
Cần theo dõi chặt chẽ các biểu hiện bệnh nặng và các biến chứng trong thai kỳ. Quyết định điều trị và theo dõi một phụ nữ mang thai cần điều trị ngoại trú hoặc nội trú nên được cá thể hóa.
a) Tecovirimat (còn được gọi là TPOXX hoặc ST-246)
Nếu cần thiết phải điều trị, tecovirimat là thuốc kháng vi-rút hàng đầu cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Tecovirimat (còn được gọi là TPOXX hoặc ST-246) là một loại thuốc kháng vi-rút được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để điều trị bệnh đậu mùa ở người lớn và trẻ em.
Không có dữ liệu trên người về việc sử dụng tecovirimat trong thai kỳ và thông tin về ảnh hưởng của thuốc đối với sự phát triển sinh sản chỉ giới hạn trong các nghiên cứu trên động vật. Không có tác dụng cụ thể nào đối với thai nhi được quan sát thấy trong những nghiên cứu này, trong đó động vật được sử dụng tecovirimat đường uống ở mức cao hơn khoảng 23 lần so với liều khuyến cáo cho người. Hiện nay, chưa rõ liệu điều trị bằng tecovirimat trong thời kỳ mang thai có ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh hay không.
Không có dữ liệu trên người về ảnh hưởng của tecovirimat đối với sự sản xuất sữa, sự hiện diện của thuốc trong sữa mẹ hoặc ảnh hưởng trên trẻ em bú sữa mẹ. Tecovirimat đã có trong sữa mẹ trong các nghiên cứu trên động vật, trong đó động vật được sử dụng tecovirimat đường uống ở mức cao hơn khoảng 23 lần so với liều khuyến cáo cho con người. Hiện nay, chưa rõ liệu mức tecovirimat có trong sữa mẹ có đủ để điều trị bệnh đậu mùa khỉ cho trẻ đang bú mẹ hay không. Do đó, nếu được chỉ định, trẻ em bị bệnh đậu mùa khỉ đang bú mẹ nên được điều trị độc lập.
b) Cidofovir và Brincidofovir
Mặc dù cidofovir và brincidofovir đã được coi là liệu pháp kháng vi-rút thay thế để điều trị nhiễm đậu mùa khỉ, các nghiên cứu trên động vật cho thấy có bằng chứng về khả năng gây quái thai. Do đó, những loại thuốc này không nên được sử dụng để điều trị nhiễm vi-rút đậu mùa khỉ ở những người đang trong ba tháng đầu của thai kỳ. Hiện không biết liệu cidofovir và brincidofovir có qua sữa mẹ hay không, vì vậy không nên sử dụng các thuốc này cho những người đang cho con bú do khả năng gây phản ứng có hại nghiêm trọng ở trẻ đang bú mẹ.
c) Globulin miễn dịch bệnh đậu mùa tiêm tĩnh mạch (VIGIV)
Chưa có các nghiên cứu về chức sinh sản trên động vật với globulin miễn dịch bệnh đậu mùa tiêm tĩnh mạch (VIGIV). Do đó, hiện không biết liệu VIGIV có thể gây hại cho thai nhi khi dùng trong thời kỳ mang thai hoặc liệu nó có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai hay không. Tuy nhiên, các globulin miễn dịch đã được sử dụng rộng rãi trong thời kỳ mang thai trong nhiều năm mà không có bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào rõ ràng đến chức năng sinh sản. Các rủi ro và lợi ích của việc sử dụng VIGIV nên được đánh giá đối với từng bệnh nhân. Hiện chưa biết liệu VIGIV có được bài tiết qua sữa mẹ hay không, nên thận trọng khi dùng VIGIV cho người đang cho con bú.
4. Vắc xin
a) JYNNEOS
JYNNEOS là một loại vắc xin vi rút sống không thể sao chép, được cấp phép để phòng ngừa cả bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ. Dữ liệu hiện có về JYNNEOS trên phụ nữ mang thai không đủ để xác định xem có bất kỳ rủi ro nào liên quan đến vắc xin trong thai kỳ hay không. Các nghiên cứu về vắc xin JYNNEOS trên động vật không cho thấy bằng chứng về tác hại đối với sự phát triển của thai nhi.
Tính an toàn và hiệu quả của JYNNEOS chưa được đánh giá ở những người đang cho con bú hoặc trẻ nhỏ. Hiện không biết liệu JYNNEOS có được bài tiết qua sữa mẹ hay không. Không có dữ liệu để đánh giá tác động của JYNNEOS đối với sự sản xuất sữa hoặc sự an toàn của sữa mẹ đối với trẻ em từ những người được tiêm chủng JYNNEOS. Tuy nhiên, vắc-xin JYNNEOS thiếu khả năng sao chép và do đó không có nguy cơ lây truyền cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ.
JYNNEOS có thể được sử dụng cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú có đủ điều kiện. Các rủi ro và lợi ích của JYNNEOS nên được thảo luận với bệnh nhân và đưa ra quyết định chung.
b) ACAM2000
ACAM2000 là vắc xin vi rút sống có khả năng sao chép, được cấp phép để phòng bệnh đậu mùa. Chống chỉ định tiêm vắc xin ACAM2000 cho những người đang mang thai hoặc đang cho con bú, do nguy cơ sẩy thai, dị tật bẩm sinh và nguy cơ nhiễm vi-rút từ vắc xin ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Nhiễm vi-rút từ vắc xin sau khi tiêm vắc xin đậu mùa có khả năng sao chép đã được báo cáo ở bào thai và trẻ sơ sinh của những người đang mang thai hoặc đang cho con bú. Khi cần thiết phải tiêm vắc xin cho một người đang mang thai, đang cho con bú hoặc đang cố gắng mang thai, JYNNEOS là vắc xin được lựa chọn vì nó không có khả năng sao chép.
Nếu một người được tiêm vắc xin ACAM2000, họ cần tránh mang thai (hoặc làm cho bạn tình của họ có thai) trong 4 tuần sau khi tiêm chủng và cho đến khi chỗ tiêm phòng lành, bong vảy và da trở nên nguyên vẹn. Những người được tiêm vắc xin ACAM2000 nên được cách ly khỏi những người không thể tiêm vắc xin phòng bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 4 tuần sau khi tiêm chủng và cho đến khi vết tiêm đã lành, bong vảy và lớp da trở nên nguyên vẹn. Các biện pháp phòng ngừa nên được sử dụng để tránh truyền vi-rút vắc xin sống cho những người tiếp xúc khác trong gia đình.
5. Tiếp xúc và cho con bú
a) Tiếp xúc với trẻ sơ sinh
Lợi ích của việc tiếp xúc da kề da đối với việc nuôi con bằng sữa mẹ và sinh lý trẻ sơ sinh đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, do nguy cơ lây truyền vi-rút đậu mùa khỉ ở trẻ sơ sinh khi tiếp xúc gần và có khả năng gây bệnh nặng cho trẻ sơ sinh, không nên tiếp xúc trực tiếp giữa bà mẹ được cách ly vì bệnh đậu mùa khỉ và trẻ sơ sinh.
Tách biệt (ví dụ, các phòng riêng biệt) bà mẹ mắc bệnh đậu mùa khỉ khỏi trẻ sơ sinh là cách tốt nhất để ngăn ngừa lây truyền sang trẻ sơ sinh. Bệnh nhân cần được tư vấn về nguy cơ lây truyền và khả năng mắc bệnh nặng ở trẻ sơ sinh. Nếu bệnh nhân chọn tiếp xúc với trẻ sơ sinh trong thời kỳ lây nhiễm, cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt, bao gồm những điều sau:
- Không được tiếp xúc trực tiếp da với da.
- Trong khi tiếp xúc, trẻ sơ sinh nên được mặc quần áo hoặc quấn chăn đầy đủ và sau khi tiếp xúc xảy ra, quần áo hoặc chăn phải được cởi bỏ và thay thế.
- Bệnh nhân nên mang găng tay và áo choàng mới mọi lúc, che phủ tất cả các vùng da có thể nhìn thấy từ dưới cổ.
- Loại bỏ các khăn trải giường bị bẩn.
- Bệnh nhân nên đeo khẩu trang y tế khi được thăm khám.
Các biện pháp phòng ngừa này nên được tiếp tục cho đến khi đáp ứng các tiêu chí ngừng cách ly (nghĩa là tất cả các tổn thương đã khỏi, bong vảy và hình thành một lớp da tươi nguyên vẹn).
b) Cho con bú
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho hầu hết trẻ sơ sinh và nó giúp bảo vệ chống lại nhiều bệnh tật. Tuy nhiên, do vi-rút đậu mùa khỉ lây lan khi tiếp xúc gần và nhiễm trùng đậu mùa khỉ ở trẻ sơ sinh có thể nghiêm trọng, nên trì hoãn việc cho con bú sữa mẹ cho đến khi đáp ứng các tiêu chí ngừng cách ly (nghĩa là tất cả các tổn thương đã khỏi, bong vảy và hình thành một lớp da mới nguyên vẹn).
Hiện không biết liệu vi-rút đậu mùa khỉ có trong sữa mẹ hay không. Sữa mẹ được vắt ra từ một bệnh nhân có triệu chứng hoặc bị cách ly nên được loại bỏ. Để tránh vô tình để trẻ sơ sinh tiếp xúc với vi-rút Monkeypox, có thể cho trẻ uống sữa mẹ đã qua tiệt trùng hoặc sữa công thức.
TLTK: https://www.cdc.gov/poxvirus/monkeypox/clinicians/pregnancy.html.
Updated July 18, 2022
Băng huyết sau sinh là tình trạng sản phụ bị mất một lượng máu rất lớn sau khi sinh con, có thể dẫn đến sốc mất máu. Tình trạng này có thể xảy ra sau khi sinh qua ngả âm đạo (gọi là "sinh thường") hoặc sau khi phẫu thuật để đưa em bé ra ngoài (gọi là "sinh mổ" hoặc "mổ lấy thai"). Đây là một trong 5 tai biến sản khoa thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong mẹ hàng đầu trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, cứ mỗi 4 phút có một sản phụ tử vong vì băng huyết sau sinh.
Đau đầu khá phổ biến trong thai kỳ. Các loại đau đầu phổ biến nhất là đau đầu do căng thẳng và đau nửa đầu (Migraine). Hầu hết các cơn đau đầu đều xuất hiện và tự hết, nhưng một số trường hợp có thể nặng hơn hoặc gây ra các biến chứng khác. Điều quan trọng là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về bất kỳ cơn đau đầu nào có thể gặp trước, trong hoặc sau khi mang thai.
Vỡ ối non (PROM) xảy ra khi túi ối, bao bọc em bé trong thai kỳ, bị rách trước khi chuyển dạ. Nếu PROM xảy ra trước tuần thứ 37, được gọi là vỡ ối non trên thai non tháng (PPROM).
Tiền sản giật xảy ra khi bạn đang mang thai và bị huyết áp cao kèm theo có protein trong nước tiểu (tiểu đạm). Tiền sản giật có nhiều mức độ nặng khác nhau và thường xảy ra vào cuối thai kỳ. Trong một số trường hợp, tiền sản giật có thể xuất hiện sớm hơn trong thai kỳ hoặc muộn hơn sau sinh. Bạn có thể tự bảo vệ mình bằng cách tìm hiểu các triệu chứng, dấu hiệu gợi ý của tiền sản giật và đến gặp bác sĩ để được chăm sóc trước sinh thường xuyên. Phát hiện tiền sản giật sớm có thể làm giảm nguy cơ mắc phải các vấn đề lâu dài cho cả mẹ và bé.
Thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung, tình trạng mà các mẹ bầu hay gọi là thai suy dinh dưỡng, là khi cân nặng (kích thước) thai nhi nhỏ hơn mong đợi so với số tuần tuổi thai. Thai giới hạn tăng trưởng có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Thai nhi không phát triển tốt từ kích thước tổng thể cho đến phát triển các tế bào, mô, cơ quan. Điều này sẽ gây ra nhiều vấn đề cho em bé.
Thai chậm phát triển trong tử cung (FGR) là tình trạng suy dinh dưỡng bào thai ngay khi còn trong bụng mẹ.
Trẻ sơ sinh chậm phát triển trong tử cung có nguy cơ tử vong và mắc các bệnh lý cao hơn so với trẻ khác như: chậm phát triển chiều cao, dậy thì sớm, rối loạn chuyển hóa gây đái tháo đường, tổn thương thận, tổn thương nội mạc mạch máu.