Ngày 04/03/2022

Khám thai: các xét nghiệm thực hiện thường qui

    Bài viết hữu ích với những bạn đang mang thai hoặc chuẩn bị mang thai. Dưới đây là những xét nghiệm (cận lâm sàng) cần được thực hiện thường qui cho tất cả các thai phụ đi khám. Nếu kết quả của các xét nghiệm thường qui này có bất thường, bạn sẽ được tiếp tục thực hiện thêm các xét nghiệm khác chuyên sâu hơn để chẩn đoán nguyên nhân. Bài viết sẽ không đề cập đến các xét nghiệm chuyên sâu này. Để tìm hiểu thêm thông tin, bạn hãy đọc thêm ở các link đính kèm.

    • Xét nghiệm được thực hiện thường qui ở 3 tháng đầu:

    1. Đếm tế bào máu: Nhằm kiểm tra một số bệnh lý huyết học. Đếm tế bào hồng cầu giúp bạn kiểm tra tình trạng thiếu máu và nguyên nhân thiếu máu. Số lượng tế bào bạch cầu giúp kiểm tra tình trạng nhiễm trùng và số lượng tiểu cầu cho thấy các vấn đề về chức năng cầm máu.

    2. Nhóm máu và yếu tố Rhesus: Cần thực hiện để dự phòng cho một số tình huống cần truyền máu trong và sau thai kỳ như băng huyết sau sinh. Yếu tố Rhesus âm cũng cần được phát hiện để có biện pháp dự phòng cho thai kỳ sau. Không cần làm nếu bạn đã biết nhóm máu của mình.

    Tham khảo bài viết sau nếu bạn có yếu tố Rhesus âm: "Phụ nữ có nhóm máu Rhesus âm cần lưu ý gì" (tại đây)

    3. Tổng phân tích nước tiểu: phân tích một số thành phần có trong nước tiểu như hồng cầu, bạch cầu, glucose, protein … để xác định một số tình trạng bệnh có liên quan. Bạn có thể tham khảo kỹ hơn ở bài viết "Tại sao bác sĩ cho mẹ bầu xét nghiệm nước tiểu khi khám thai" (tại đây)

    4. Xét nghiệm các bệnh nhiễm trùng đặc biệt như: Rubella, viêm gan siêu vi B, C; bệnh lây truyền qua đường tình dục (giang mai, HIV). Nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Đây là một bệnh truyền nhiễm gần như không có triệu chứng rõ ràng. Bạn chỉ có thể xác định tình trạng nhiễm Rubella thông qua xét nghiệm máu. Nếu bạn đã chủng ngừa Rubella trước khi mang thai, hãy thông báo với bác sĩ của bạn.

     

     

    • Xét nghiệm ở giai đoạn sau của thai kỳ:

    1. Xét nghiệm dung nạp đường: Đo lượng đường trong máu ở 3 thời điểm: lúc đói, 1 giờ và 2 giờ sau uống 75g glucose sẽ giúp đánh giá khả năng dung nạp đường của cơ thể trong thai kỳ. Xét nghiệm thường được thực hiện trong khoảng 24-28 tuần, có thể thực hiện sớm hơn vào tam cá nguyệt 1 nếu bạn có một số yếu tố nguy cơ của đái tháo đường thai kỳ. Nếu có rối loạn dung nạp đường (đái tháo đường thai kỳ) bạn cần ổn định đường huyết bằng một số biện pháp như thay đổi chế độ ăn, vận động, dùng thuốc ổn định đường huyết. Mục tiêu là hạn chế đến mức thấp nhất các tác động xấu lên thai kỳ gây ra do đường huyết cao và không ổn định. Bạn có thể tham khảo thêm ở bài viết "Những điều nên biết về đái tháo đường thai kỳ" (tại đây) . Hãy thông báo với bác sĩ nếu bạn đang điều trị đái tháo đường type 1 hoặc type 2.

    2. Xét nghiệm GBS: Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) là một trong nhiều loại vi khuẩn thường trú ở cơ thể người, thường được tìm thấy ở âm đạo hoặc trực tràng của người phụ nữ (20-40%). GBS không gây bệnh cho thai phụ, tuy nhiên nó có thể gây nhiễm trùng cho trẻ sơ sinh của những thai phụ này. Xét nghiệm tìm GBS được thực hiện vào khoảng tuần 36-38 thai kỳ, nhằm xác định tình trạng nhiễm GBS của thai phụ và lên kế hoạch điều trị kháng sinh trong chuyển dạ nhằm làm giảm nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ sơ sinh. Tham khảo thêm ở bài viết "Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) ở phụ nữ mang thai" (tại đây)

     

    • Xét nghiệm sàng lọc dị tật thai nhi:

    Xét nghiệm sàng lọc ở tam cá nguyệt 1: bao gồm xét nghiệm máu và siêu âm được thực hiện vào tuổi thai từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày. Các kết quả được phối hợp để tính toán nguy cơ thai nhi có bất thường bẩm sinh.

    • Xét nghiệm máu được gọi là Double test, đo nồng độ một số chất trong máu mẹ (β-hCG và PAPP-A).
    • Siêu âm được thực hiện để kiểm tra độ mờ da gáy (NT - đo độ dày của một khoảng trống ở phía sau cổ của thai nhi) và một số cấu trúc giải phẫu chính của thai. Bất thường số đo NT nghĩa là thai nhi có tăng nguy cơ bị hội chứng Down hoặc một số lệch bội nhiễm sắc thể khác (Trisomy 13,18). Ngoài ra nó cũng có liên quan với các khiếm khuyết của tim, thành bụng và hệ xương.
    • Hiện nay, với sự phát triển và phổ biến của công nghệ gen, NIPT (cell-free DNA) cũng là một xét nghiệm sàng lọc dị tật bẩm sinh cho các bệnh lý lệch bội nhiễm sắc thể mà các thai phụ có thể chủ động lựa chọn ngay từ ban đầu hoặc khi có kết quả Conbined test nguy cơ cao. Xét nghiệm có thể thực hiện được ở thời điểm rất sớm, từ tuần thứ 10 của thai kỳ với tỉ lệ phát hiện lệch bội lên đến 99%.

    Xét nghiệm sàng lọc ở tam cá nguyệt 2:

    • Xét nghiệm máu sàng lọc hội chứng Down, Edwards và dị tật ống thần kinh ở thời điểm 15-22 tuần nếu bạn chưa thực hiện Double test ở 3 tháng đầu.
    • Siêu âm ở thời điểm 18-22 tuần để khảo sát hình thái giải phẫu của thai nhi, có thể phát hiện được các khiếm khuyết lớn ở não, cột sống, mặt, tim, bụng và các chi.

    Các kết quả sàng lọc ở tam cá nguyệt 1 và 2 có thể được phối hợp bằng nhiều cách khác nhau (Combined test) để tính toán và cho ra một con số nguy cơ dị tật bẩm sinh cao hay thấp. Combined test có thể cho kết quả chính xác hơn so với các xét nghiệm đơn độc.

    • Siêu âm:

    Thực hiện thường qui ở một số thời điểm trong thai kỳ nhằm xác định các đặc điểm của thai như số lượng thai, tính sinh tồn, hình thái giải phẫu, các cử động sinh lý của thai và sự tăng trưởng về kích thước của thai nhi theo thời gian. Ngoài ra siêu âm cũng giúp đánh giá các đặc điểm của bánh nhau, dây rốn và lượng nước ối.

    • Non-stress test (NST):

    Là một kiểm tra thường qui để đánh giá sức khỏe thai trong tam cá nguyệt 3, thường được chỉ định từ sau 34 tuần với những thai kỳ bình thường. Bạn nên ăn no và đi tiểu làm trống bàng quang trước khi đo Non-stress test. NST được ghi lại bởi một thiết bị với 2 đầu dò được đặt lên bụng, ghi lại tim thai và cơn co tử cung. Thời gian đo trung bình từ 30-40 phút.

    ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

     

    Tham khảo:

    https://www.acog.org/womens-health/faqs/routine-tests-during-pregnancy

    ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ