Mẹ bầu cần làm gì khi bị đau xương chậu trong thai kỳ?
- Mục lục
- Đau xương chậu (Pelvic Girdle Pain) là gì?
- Đau xương chậu trong thai kỳ do nguyên nhân gì?
- Yếu tố nguy cơ của PGP
- Tôi có thể làm gì để giảm triệu chứng đau?
- Có những phương pháp điều trị nào?
Đau xương chậu (Pelvic Girdle Pain) là gì?
Xương chậu là một vòng xương bao quanh cơ thể tại vùng cuối cột sống (vùng chậu hông). Đau xương chậu (PGP) được mô tả là cơn đau ở các khớp tạo nên xương chậu, khớp cùng chậu ở phía sau và khớp mu ở phía trước. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến các khu vực khác như lưng dưới, hông hoặc đùi.
Đau xương chậu trong thai kỳ rất thường gặp. Ước tính có khoảng 1/5 phụ nữ mang thai bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Càng về cuối thai kỳ tần xuất gặp phải càng nhiều.
PGP có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng và có thể điều trị được ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Càng được điều trị sớm, bạn càng có nhiều khả năng cải thiện tốt hơn. Việc điều trị là an toàn trong suốt thai kỳ.
Đau xương chậu trong thai kỳ do nguyên nhân gì?
Vùng xương chậu có 3 khớp, 2 khớp cùng chậu phía sau và khớp vệ phía trước. Bình thường các khớp chuyển động đồng bộ với biên độ nhẹ. PGP xảy ra có thể do các khớp cử động không đều hay những thay đổi trong hoạt động của các cơ vùng bụng, hông và sàn chậu, dẫn đến xương chậu trở nên kém ổn định, gây đau. Khi em bé của bạn lớn lên trong bụng mẹ, trọng lượng và áp lực trong khoang bụng tăng thêm, cùng với sự thay đổi trong cách bạn ngồi hoặc đứng sẽ tạo nên áp lực lớn hơn lên xương chậu, khiến các khớp bị kéo căng hơn bình thường. Khả năng bị PGP tăng lên nếu bạn từng có vấn đề về lưng hoặc bị chấn thương xương chậu trước đây. Một số phụ nữ cũng bị đau do sự thay đổi hormone trong thai kỳ.
Yếu tố nguy cơ của PGP
- Tiền căn đau xương chậu hoặc thắt lưng.
- Chấn thương vùng chậu trước đây.
- Mang thai từ lần 2 trở lên.
- Làm việc tay chân nặng nhọc, điều kiện làm việc khó khăn hoặc tư thế làm việc kém.
- PGP trong lần mang thai trước.
- Tăng trọng lượng cơ thể quá mức trước hoặc sau mang thai.
Tôi có thể làm gì để giảm triệu chứng đau?
Tuỳ vào mức độ đau và công việc hằng ngày, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau đây để cải thiện triệu chứng.
- Duy trì hoạt động nhưng cũng phải nghỉ ngơi nhiều
- Đi giày bệt. Nếu việc đi lại khó khăn và đau đớn, hãy thử thay đổi độ dài và tốc độ sải chân.
- Đi cầu thang lần lượt (dẫn đầu với chân ít đau khi đi lên cầu thang và với chân đau khi xuống cầu thang)
- Thay đổi vị trí thường xuyên - cố gắng không ngồi quá 30 phút mỗi lần
- Ngồi để mặc và cởi quần áo, tránh đứng bằng 1 chân.
- Đặt trọng lượng bằng nhau trên mỗi chân khi bạn đứng. Mang balo thay vì mang túi xách lệch 1 bên.
- Cố gắng giữ hai gối của bạn cùng nhau khi lên và xuống xe
- Nằm nghiêng về bên ít đau hơn khi ngủ
- Giữ hai đầu gối của bạn cùng nhau khi trở mình trên giường.
- Sử dụng 1 cái gối mềm dưới bụng và giữa hai chân để hỗ trợ thêm khi nằm trên giường.
Bạn nên TRÁNH bất cứ điều gì có thể làm cho triệu chứng đau tồi tệ hơn, chẳng hạn như:
- Đứng bằng một chân hoặc bắt chéo chân.
- Nâng hoặc đẩy vật nặng
- Lên xuống cầu thang quá thường xuyên
- Khom lưng, uốn cong hoặc vặn người để nâng hoặc bế trẻ bằng một bên hông
- Ngồi trên sàn, ngồi vặn vẹo, ngồi hoặc đứng trong thời gian dài
Có những phương pháp điều trị nào?
Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ đề xuất phương pháp điều trị phù hợp cho bạn. Điều này có thể bao gồm:
- Bạn sẽ được tư vấn về các vị trí tốt nhất để vận động và nghỉ ngơi, cũng như cách điều chỉnh nhịp độ các hoạt động để giảm bớt cơn đau.
- Các bài tập sẽ giúp giảm đau và cho phép bạn đi lại dễ dàng hơn. Tập tăng cường cơ bụng và cơ sàn chậu sẽ cải thiện sự cân bằng và tư thế của bạn, giúp cột sống ổn định hơn.
- Liệu pháp nắn bóp cho các cơ khớp bởi nhà vật lý trị liệu hoặc chuyên gia nắn khớp xương chuyên về PGP trong thai kỳ. Điều này sẽ không gây đau đớn.
- Tắm nước ấm, chườm nóng hoặc chườm đá
- Thủy liệu pháp
- Châm cứu
- Mang đai hỗ trợ hoặc nạng.
Đối với hầu hết phụ nữ, chẩn đoán và điều trị sớm sẽ ngăn chặn các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn, giảm đau và giúp bạn tiếp tục các hoạt động bình thường hàng ngày.
Tôi đã thử các biện pháp này nhưng vẫn còn đau và không thể đi lại. Lựa chọn của tôi là gì?
Bị đau dữ dội và không thể đi lại dễ dàng có thể khiến bạn vô cùng căng thẳng. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn cảm thấy mình đang gặp khó khăn. Nếu bạn tiếp tục bị đau dữ dội hoặc hạn chế khả năng vận động, bạn nên xem xét:
- Sử dụng thuốc giảm đau. Paracetamol an toàn trong thai kỳ và có thể hữu ích nếu dùng với liều hằng ngày. Nếu bạn cần giảm đau mạnh hơn, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về vấn đề này.
- Sử dụng dụng cụ hỗ trợ như nạng hoặc xe lăn trong thời gian ngắn. Có thể có các thiết bị như ván tắm, ghế tắm, đòn bẩy giường và bệ ngồi toilet cao.
- Thay đổi lối sống của bạn, chẳng hạn như nhờ người khác giúp đỡ các công việc gia đình hoặc mua sắm.
- Nếu bạn đi làm, không nên ngồi quá lâu hoặc nâng vật nặng. Bạn nên cân nhắc việc rút ngắn thời gian làm việc hoặc dừng công việc sớm hơn dự định nếu các triệu chứng nghiêm trọng.
Nếu quá đau hoặc khả năng vận động hạn chế nhiều, bạn có thể được đề nghị nhập viện, vật lý trị liệu và giảm đau thường xuyên.
Đau xương chậu có xu hướng không thuyên giảm hoàn toàn cho đến khi em bé được sinh ra, nhưng tiếp nhận điều trị từ các bác sĩ có kinh nghiệm sẽ giúp cải thiện các triệu chứng rất nhiều
Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) là một bệnh tự miễn mạn tính, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể và chủ yếu gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, với tỷ lệ nữ mắc bệnh cao gấp 9 lần so với nam. Mối quan hệ giữa thai kỳ và lupus là một mối quan hệ hai chiều. Có từ 20 đến 60% phụ nữ mắc lupus có nguy cơ bùng phát bệnh trong thời gian mang thai. Đồng thời, lupus cũng làm gia tăng đáng kể nguy cơ gặp phải các biến chứng sản khoa nghiêm trọng như tiền sản giật, sinh non, sẩy thai hoặc thai lưu.
Viêm nướu trong thai kỳ là một vấn đề sức khỏe răng miệng thường gặp ở phụ nữ mang thai. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, đặc biệt là sự gia tăng hormone progesterone, làm tăng lưu lượng máu đến nướu, khiến nướu dễ bị sưng đỏ, nhạy cảm và dễ chảy máu hơn.
Khâu vòng cổ tử cung (cervical cerclage) là một thủ thuật y tế được thực hiện để ngăn ngừa sinh non do hở eo tử cung. Thủ thuật này thường được thực hiện trong khoảng tuần thứ 14 đến 18 của thai kỳ và tháo bỏ khi thai nhi khoảng 37 tuần tuổi.
Mạch máu tiền đạo là một biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng trong thai kỳ, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của thai nhi. Vậy với tình trạng này, liệu sản phụ có thể sinh thường được không? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết.
Chảy máu âm đạo khi mang thai là hiện tượng phổ biến, đặc biệt là trong ba tháng đầu. Thông thường, đây không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. Tuy nhiên, bạn nên đi khám để kiểm tra vì chảy máu đôi khi có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng.
Nếu bạn bị chảy máu trong khi mang thai, có thể do nhiều nguyên nhân. Điều quan trọng là phải xác định nguyên nhân để bảo vệ sức khỏe của bạn và em bé.
Tiêm ngừa cúm là biện pháp an toàn và hiệu quả giúp mẹ bầu:
✔ Giảm nguy cơ mắc cúm và biến chứng do cúm
✔ Bảo vệ sức khỏe thai nhi ngay từ trong bụng mẹ
✔ Hạn chế lây nhiễm cho trẻ sơ sinh sau khi chào đời