Ối vỡ non là gì?
Vỡ ối non là gì?
Vỡ ối non (PROM) xảy ra khi túi ối, bao bọc em bé trong thai kỳ, bị rách trước khi chuyển dạ. Nếu PROM xảy ra trước tuần thứ 37, được gọi là vỡ ối non trên thai non tháng (PPROM).
Tình trạng này phổ biến như thế nào?
- PROM xảy ra ở khoảng 8-10% thai kỳ.
- PPROM (trước tuần 37) chiếm 1/4 đến 1/3 ca sinh non.
Nguyên nhân gây vỡ ối sớm là gì?
Vỡ màng ối gần cuối thai kỳ (đủ tháng) có thể do màng ối bị suy yếu tự nhiên hoặc do lực co bóp của cơ tử cung. Ở thai non tháng, PPROM thường do nhiễm trùng cổ tử cung và tử cung. Các yếu tố khác có thể liên quan đến PROM bao gồm:
- Điều kiện kinh tế xã hội thấp
- Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như chlamydia và lậu
- Tiền căn sinh non trước đây
- Chảy máu âm đạo
- Hút thuốc lá khi mang thai
- Một số trường hợp không rõ nguyên nhân
Tại sao vỡ ối non lại nguy hiểm?
- PPROM là một yếu tố nguy cơ cao dẫn đến sinh non. Em bé rất có thể sẽ được sinh ra trong vòng vài ngày sau khi vỡ ối.
- Một nguy cơ lớn khác của PROM là phát triển tình trạng nhiễm trùng màng ối, gây nguy hiểm đến mẹ và bé.
- Các biến chứng khác có thể xảy ra bao gồm nhau bong non, chèn ép dây rốn, sinh mổ và nhiễm trùng sau sinh.
Triệu chứng của vỡ ối:
Mỗi thai phụ có thể gặp các triệu chứng khác nhau. Triệu chứng có thể bao gồm:
- Rò rỉ hoặc chảy nước ra âm đạo
- Quần lót thường xuyên bị ướt
Nếu nghi ngờ vỡ ối, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Triệu chứng PROM có thể giống một số bệnh lý khác, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có chẩn đoán chính xác.
Chẩn đoán vỡ ối non:
- Bác sĩ hỏi về tiền sử, khám thai.
- Kiểm tra cổ tử cung (có thể thấy chất lỏng rò rỉ từ lỗ cổ tử cung), kiểm tra độ pH của dịch rò rỉ.
- Kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng.
- Siêu âm để đánh giá lượng nước ối và sức khỏe thai.
Điều trị vỡ ối non:
Phương pháp điều trị cụ thể sẽ được bác sĩ xác định dựa vào: tuổi thai, sức khỏe thai, mức độ thiếu ối, nguy cơ biến chứng và sức khỏe mẹ.
Điều trị vỡ ối non có thể bao gồm:
- Nhập viện theo dõi.
- Theo dõi dấu hiệu nhiễm trùng.
- Dùng thuốc corticosteroid giúp thai nhi trưởng thành phổi.
- Kháng sinh (phòng ngừa/điều trị nhiễm trùng).
- Thuốc giảm co thắt tử cung (ngăn sinh non).
- Sinh sớm nếu có biến chứng.
Phòng ngừa vỡ ối non:
Hiện chưa có biện pháp phòng ngừa chủ động. Tuy nhiên, việc hạn chế các yếu tố nguy cơ như điều trị viêm nhiễm sinh dục, cai thuốc lá có thể giúp giảm nguy cơ vỡ ối non.
Lưu ý: Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế cho tư vấn y khoa. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ khi có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, đặc biệt là khi mang thai.
Băng huyết sau sinh là tình trạng sản phụ bị mất một lượng máu rất lớn sau khi sinh con, có thể dẫn đến sốc mất máu. Tình trạng này có thể xảy ra sau khi sinh qua ngả âm đạo (gọi là "sinh thường") hoặc sau khi phẫu thuật để đưa em bé ra ngoài (gọi là "sinh mổ" hoặc "mổ lấy thai"). Đây là một trong 5 tai biến sản khoa thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong mẹ hàng đầu trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, cứ mỗi 4 phút có một sản phụ tử vong vì băng huyết sau sinh.
Đau đầu khá phổ biến trong thai kỳ. Các loại đau đầu phổ biến nhất là đau đầu do căng thẳng và đau nửa đầu (Migraine). Hầu hết các cơn đau đầu đều xuất hiện và tự hết, nhưng một số trường hợp có thể nặng hơn hoặc gây ra các biến chứng khác. Điều quan trọng là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về bất kỳ cơn đau đầu nào có thể gặp trước, trong hoặc sau khi mang thai.
Tiền sản giật xảy ra khi bạn đang mang thai và bị huyết áp cao kèm theo có protein trong nước tiểu (tiểu đạm). Tiền sản giật có nhiều mức độ nặng khác nhau và thường xảy ra vào cuối thai kỳ. Trong một số trường hợp, tiền sản giật có thể xuất hiện sớm hơn trong thai kỳ hoặc muộn hơn sau sinh. Bạn có thể tự bảo vệ mình bằng cách tìm hiểu các triệu chứng, dấu hiệu gợi ý của tiền sản giật và đến gặp bác sĩ để được chăm sóc trước sinh thường xuyên. Phát hiện tiền sản giật sớm có thể làm giảm nguy cơ mắc phải các vấn đề lâu dài cho cả mẹ và bé.
Thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung, tình trạng mà các mẹ bầu hay gọi là thai suy dinh dưỡng, là khi cân nặng (kích thước) thai nhi nhỏ hơn mong đợi so với số tuần tuổi thai. Thai giới hạn tăng trưởng có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Thai nhi không phát triển tốt từ kích thước tổng thể cho đến phát triển các tế bào, mô, cơ quan. Điều này sẽ gây ra nhiều vấn đề cho em bé.
Nghiên cứu mới cho thấy rằng tiêm ngừa vắc xin COVID-19 không làm tăng nguy cơ sinh non hoặc các vấn đề về thai cho phụ nữ mang thai, mặc dù có bằng chứng mâu thuẫn trước đó.