Sốt xuất huyết khi mang thai: điều bạn cần lưu ý
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
Phòng Công tác xã hội
Sốt xuất huyết là bệnh gây ra do vi-rút Dengue, lây truyền qua vết đốt của muỗi nhiễm bệnh. Sốt xuất huyết nặng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Hiện nay bệnh vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin phòng ngừa nhưng phát hiện sớm và đến sớm các cơ sở y tế để được chăm sóc y tế đúng cách có thể làm giảm tỷ lệ tử vong xuống dưới 1%.
Sốt xuất huyết trong thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng nặng cho mẹ và thai nhi. Ở phụ nữ mang thai, vi-rút có khả năng gây bệnh nặng hơn do sự suy giảm hệ miễn dịch trong thai kỳ. Người bệnh sốt xuất huyết có thể tử vong do thoát huyết tương hoặc xuất huyết nặng gây sốc giảm thể tích.
Ngoài ra, một phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể gây nên các tác động xấu cho thai như trẻ sinh nhẹ cân, sinh non hoặc thậm chí là tử vong cho thai nhi. Nếu mẹ bầu bị sốt xuất huyết trong khi sinh, khả năng băng huyết sau sinh là rất cao.
Việt nam là một quốc gia nằm trong vùng dịch tễ của bệnh sốt xuất huyết. Mùa dịch thường bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến cuối năm, cao điểm vào các tháng 7,8,9,10. Các biện pháp kiểm soát trung gian truyền bệnh, hạn chế bị muỗi đốt là phương pháp hữu hiệu nhất giúp bảo vệ bạn khỏi bệnh sốt xuất huyết. Nếu không may nhiễm bệnh trong thai kỳ, mẹ bầu nên biết và thực hiện các biện pháp để giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng cũng như nhận biết các dấu hiệu bệnh nặng để có thể can thiệp kịp thời.
Hình minh họa - nguồn internet |
Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai cũng tương tự như các bệnh nhân khác. Triệu chứng khá giống với cảm cúm, biểu hiện thường là sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, liên tục, khó hạ sốt, kéo dài từ 2-7 ngày, kèm theo đau đầu, sau đó nổi ban và có dấu hiệu chấm xuất huyết ngoài da. Khi sốt xuất huyết diễn tiến nặng sẽ có triệu chứng chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, cơ thể mất nước, khát nước, tiểu ít, đau bụng, nôn ói nhiều, tay chân lạnh, vật vã. Nặng hơn sẽ có biểu hiện choáng, mạch nhanh, huyết áp tụt. Các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng thường bắt đầu xuất hiện từ 3 đến 7 ngày sau khi khởi phát bệnh.
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị sốt xuất huyết, mẹ bầu cần thực hiện ngay các biện pháp sau nhằm giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng:
- Đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán xác định bệnh và có phương án điều trị phù hợp.
- Hạ sốt bằng paracetamol 10-15mg/kg cân nặng nếu sốt trên 38 độ C.
- Uống thật nhiều nước và các loại nước trái cây giàu vitamin C.
- Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng.
- Mặc thoáng mát, nghỉ ngơi tại giường, hạn chế đi lại.
- Nếu gần ngày dự sinh, bạn nên chọn sinh tại các bệnh viện lớn, có khả năng xử trí kịp thời các biến chứng nguy hiểm xảy ra trong và sau sinh cho mẹ và bé.
- Tuân thủ phác đồ điều trị và những hướng dẫn của nhân viên y tế.
Nếu mẹ bầu đang tự theo dõi tại nhà và có một trong các dấu hiệu bệnh nặng sau đây, bạn nên đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời:
- Đau bụng dữ dội hoặc đau cơ
- Nôn ói liên tục (ít nhất 3 lần trong 1 giờ)
- Chảy máu mũi hoặc chảy máu chân răng
- Nôn ra máu hoặc có máu trong phân.
- Thở nhanh, khó thở.
- Cảm thấy mệt mỏi nhiều, tay chân lạnh, vật vã, lừ đừ.
Tuy nhiên, phòng bệnh mới là biện pháp hữu hiệu nhất để mẹ bầu tránh được các biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết. Dưới đây là một số cách phòng bệnh sốt xuất huyết theo trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC):
- Dành 10 - 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…
- Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.
- Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.
- Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.
Băng huyết sau sinh là tình trạng sản phụ bị mất một lượng máu rất lớn sau khi sinh con, có thể dẫn đến sốc mất máu. Tình trạng này có thể xảy ra sau khi sinh qua ngả âm đạo (gọi là "sinh thường") hoặc sau khi phẫu thuật để đưa em bé ra ngoài (gọi là "sinh mổ" hoặc "mổ lấy thai"). Đây là một trong 5 tai biến sản khoa thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong mẹ hàng đầu trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, cứ mỗi 4 phút có một sản phụ tử vong vì băng huyết sau sinh.
Đau đầu khá phổ biến trong thai kỳ. Các loại đau đầu phổ biến nhất là đau đầu do căng thẳng và đau nửa đầu (Migraine). Hầu hết các cơn đau đầu đều xuất hiện và tự hết, nhưng một số trường hợp có thể nặng hơn hoặc gây ra các biến chứng khác. Điều quan trọng là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về bất kỳ cơn đau đầu nào có thể gặp trước, trong hoặc sau khi mang thai.
Vỡ ối non (PROM) xảy ra khi túi ối, bao bọc em bé trong thai kỳ, bị rách trước khi chuyển dạ. Nếu PROM xảy ra trước tuần thứ 37, được gọi là vỡ ối non trên thai non tháng (PPROM).
Tiền sản giật xảy ra khi bạn đang mang thai và bị huyết áp cao kèm theo có protein trong nước tiểu (tiểu đạm). Tiền sản giật có nhiều mức độ nặng khác nhau và thường xảy ra vào cuối thai kỳ. Trong một số trường hợp, tiền sản giật có thể xuất hiện sớm hơn trong thai kỳ hoặc muộn hơn sau sinh. Bạn có thể tự bảo vệ mình bằng cách tìm hiểu các triệu chứng, dấu hiệu gợi ý của tiền sản giật và đến gặp bác sĩ để được chăm sóc trước sinh thường xuyên. Phát hiện tiền sản giật sớm có thể làm giảm nguy cơ mắc phải các vấn đề lâu dài cho cả mẹ và bé.
Thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung, tình trạng mà các mẹ bầu hay gọi là thai suy dinh dưỡng, là khi cân nặng (kích thước) thai nhi nhỏ hơn mong đợi so với số tuần tuổi thai. Thai giới hạn tăng trưởng có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Thai nhi không phát triển tốt từ kích thước tổng thể cho đến phát triển các tế bào, mô, cơ quan. Điều này sẽ gây ra nhiều vấn đề cho em bé.