Theo dõi huyết áp khi mang thai: hậu quả sẽ không ngờ nếu lơ là
Là cơ sở y tế tuyến cuối về sản khoa, bệnh viện Từ Dũ là nơi tiếp nhận số lượng thai phụ phải nhập viện điều trị huyết áp cao khi mang bầu. Không ít các mẹ bầu đến nhập viện trong tình trạng bệnh nặng do phát hiện trễ.
Để giảm thiểu hậu quả nặng nề do tăng huyết áp khi có thai gây ra cho mẹ và thai, hãy tìm hiểu về bệnh lý nguy hiểm này.
Vì sao phụ nữ mang thai cần quan tâm đến tăng huyết áp?
Tăng huyết áp là một tình trạng bệnh lý trong thai kỳ, biểu hiện bởi huyết áp tăng. Bệnh lý này có thể tiến triển đến tiền sản giật và gây ra nhiều tác động xấu cho mẹ và thai. Tình trạng này gây ra biến chứng cho khoảng 8% thai kỳ trên toàn thế giới. Theo thống kê, tăng huyết áp chịu trách nhiệm cho 26% trường hợp tử vong mẹ ở Châu Mỹ và ở Châu Á là 9%.
Huyết áp cao ảnh hưởng đến mẹ và thai như thế nào?
Với thai nhi, tăng huyết áp thai kỳ có thể dẫn đến thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thiểu ối, nhau bong non, sinh non, suy thai...Huyết áp cao có thể làm giảm lưu lượng máu đến nhau thai, dẫn đến thai nhi không thể nhận đủ chất dinh dưỡng và oxy cần thiết để phát triển.
Với sản phụ, tăng huyết áp thai kỳ có thể diễn tiến đến tiền sản giật, gây suy đa cơ quan và ảnh hưởng đến tính mạng của sản phụ. Huyết áp cao cũng làm tăng nguy cơ bệnh tim, bệnh thận và đột quị ở thai phụ.
Phụ nữ có các yếu tố sau đây sẽ tăng nguy cơ bị tiền sản giật:
- Tiền sản giật trong thai kỳ trước đây.
- Mang đa thai.
- Có bệnh lý: tăng huyết áp mạn, bệnh thận, đái tháo đường, bệnh tự miễn như Lupus...
- Tuổi mẹ >35
- Mang thai lần đầu
- Béo phì, BMI>30.
- Tiền sử gia đình có mẹ hoặc chị em gái bị tiền sản giật.
Mẹ bầu bị tiền sản giật có những dấu hiệu và triệu chứng gì?
Hình minh họa - nguồn internet |
Tuy nhiên, tiền sản giật có thể phát triển âm thầm mà bạn không hề hay biết. Do đó, việc khám thai rất quan trọng cho dù bạn cảm thấy bình thường, để bác sĩ có thể phát hiện bệnh và can thiệp kịp thời.
Tôi được theo dõi huyết áp như thế nào khi mang thai?
Bạn sẽ được bác sĩ hướng dẫn lịch trình khám thai, huyết áp sẽ được kiểm tra ở mỗi lần khám. Trong một số trường hợp, bạn có thể cần được hướng dẫn tự theo dõi huyết áp tại nhà. Siêu âm được thực hiện cùng lúc để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Nếu nghi ngờ có vấn đề về tăng trưởng, bạn có thể cần làm thêm một số xét nghiệm khác để đánh giá sức khỏe thai.
Nếu phát hiện tăng huyết áp trong quá trình khám thai, thai phụ sẽ được điều trị để đảm bảo rằng huyết áp ổn định và không tăng quá cao, đồng thời, bác sĩ sẽ yêu cầu khám thai thường xuyên hơn để kịp thời phát hiện các dấu hiệu của tiền sản giật.
Tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật có ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi sau này?
Tăng huyết áp thai kỳ thường biến mất sau sinh, tuy nhiên, nó có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp mạn tính trong tương lai. Để ngăn ngừa điều này, bạn có thể áp dụng các biện pháp như giảm cân, tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh.
Phụ nữ bị tiền sản giật cũng tăng nguy cơ mắc bệnh thận, bệnh tim, đột quị trong tương lai và nguy cơ tiền sản giật ở thai kỳ tiếp theo.
Tài liệu tham khảo:
1. ACOG Practice Bulletin No. 202: Gestational Hypertension and Preeclampsia
2. https://www.acog.org/womens-health/faqs/preeclampsia-and-high-blood-pressure-during-pregnancy
Tổng hợp và biên soạn:
ThS. BS. Lê Võ Minh Hương
Băng huyết sau sinh là tình trạng sản phụ bị mất một lượng máu rất lớn sau khi sinh con, có thể dẫn đến sốc mất máu. Tình trạng này có thể xảy ra sau khi sinh qua ngả âm đạo (gọi là "sinh thường") hoặc sau khi phẫu thuật để đưa em bé ra ngoài (gọi là "sinh mổ" hoặc "mổ lấy thai"). Đây là một trong 5 tai biến sản khoa thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong mẹ hàng đầu trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, cứ mỗi 4 phút có một sản phụ tử vong vì băng huyết sau sinh.
Đau đầu khá phổ biến trong thai kỳ. Các loại đau đầu phổ biến nhất là đau đầu do căng thẳng và đau nửa đầu (Migraine). Hầu hết các cơn đau đầu đều xuất hiện và tự hết, nhưng một số trường hợp có thể nặng hơn hoặc gây ra các biến chứng khác. Điều quan trọng là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về bất kỳ cơn đau đầu nào có thể gặp trước, trong hoặc sau khi mang thai.
Vỡ ối non (PROM) xảy ra khi túi ối, bao bọc em bé trong thai kỳ, bị rách trước khi chuyển dạ. Nếu PROM xảy ra trước tuần thứ 37, được gọi là vỡ ối non trên thai non tháng (PPROM).
Tiền sản giật xảy ra khi bạn đang mang thai và bị huyết áp cao kèm theo có protein trong nước tiểu (tiểu đạm). Tiền sản giật có nhiều mức độ nặng khác nhau và thường xảy ra vào cuối thai kỳ. Trong một số trường hợp, tiền sản giật có thể xuất hiện sớm hơn trong thai kỳ hoặc muộn hơn sau sinh. Bạn có thể tự bảo vệ mình bằng cách tìm hiểu các triệu chứng, dấu hiệu gợi ý của tiền sản giật và đến gặp bác sĩ để được chăm sóc trước sinh thường xuyên. Phát hiện tiền sản giật sớm có thể làm giảm nguy cơ mắc phải các vấn đề lâu dài cho cả mẹ và bé.
Thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung, tình trạng mà các mẹ bầu hay gọi là thai suy dinh dưỡng, là khi cân nặng (kích thước) thai nhi nhỏ hơn mong đợi so với số tuần tuổi thai. Thai giới hạn tăng trưởng có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Thai nhi không phát triển tốt từ kích thước tổng thể cho đến phát triển các tế bào, mô, cơ quan. Điều này sẽ gây ra nhiều vấn đề cho em bé.