Vì sao thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung
Ths. Bs. Lê Võ Minh Hương
P. Công tác xã hội
Thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung, tình trạng mà các mẹ bầu hay gọi là thai suy dinh dưỡng, là khi cân nặng (kích thước) thai nhi nhỏ hơn mong đợi so với số tuần tuổi thai. Thai giới hạn tăng trưởng có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Thai nhi không phát triển tốt từ kích thước tổng thể cho đến phát triển các tế bào, mô, cơ quan. Điều này sẽ gây ra nhiều vấn đề cho em bé.
Nhưng có một số trường hợp, thai nhỏ chỉ đơn giản là nhỏ do sinh lý chứ không có bất thường nào khác. Khi theo dõi thai kỳ, bác sĩ cần nhận định rõ hai tình huống này để có hướng theo dõi phù hợp.
Như thế nào là thai giới hạn tăng trưởng?
Cân nặng thai nhi trước sinh được ước tính dựa trên các số đo (vòng đầu, vòng bụng, xương đùi) của thai qua siêu âm và được so sánh với tuổi thai theo bách phân vị (từ 0 đến 100).
Thai nhỏ được xác định khi cân nặng thai ở dưới bách phân vị thứ 10 so với tuổi thai. Nhóm thai nhỏ sau đó được theo dõi để xác định liệu đây là thai nhỏ sinh lý hay do bệnh lý. Một số trường hợp, thai nhỏ là sinh lý mà không phải là bất thường. Phần lớn là do yếu tố di truyền, kiểu hình bố mẹ quyết định kiểu hình của con. Và trường hợp này được theo dõi như một thai kỳ bình thường. Ngoài những trường hợp trên, thai nhỏ do bệnh lý và được gọi là thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung.
Nguyên nhân nào làm cho thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung?
Nguyên nhân chính là do thai nhận không đủ dinh dưỡng. Để dinh dưỡng đến và được thai sử dụng để lớn lên, quá trình này trải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên, dinh dưỡng cho thai bắt nguồn từ máu mẹ. Dinh dưỡng và oxy sau khi được hấp thu vào máu mẹ sẽ được vận chuyển đến tử cung và đổ vào các hồ máu tại bánh nhau. Sau đó là quá trình trao đổi dinh dưỡng tại bánh nhau và vận chuyển dinh dưỡng đến thai thông qua dây rốn. Các động mạch rốn mang máu nghèo oxy (từ thai) đến trao đổi chất tại các hồ máu bánh nhau (lấy chất dinh dưỡng từ máu mẹ), sau đó mang máu giàu oxy và dinh dưỡng qua tĩnh mạch rốn đến thai nhi. Cuối cùng, thai nhi sử dụng dinh dưỡng để phát triển.
Do đó, bất thường ở bất kỳ vị trí nào cũng đều có nguy cơ gây nên thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung. Bao gồm các bất thường về dinh dưỡng trong máu mẹ, bất thường tim-mạch máu mẹ, bất thường bánh nhau-dây rốn và bất thường thai.
Yếu tố nguy cơ do mẹ bao gồm:
- Mẹ thiếu máu, ăn uống kém, suy dinh dưỡng
- Bệnh phổi mãn tính, suy tim
- Uống rượu bia, hút thuốc lá
- Tăng huyết áp, tiền sản giật.
- Đái tháo đường, béo phì.
- Bệnh mạch máu
- Bệnh tự miễn (lupus…)
Yếu tố nguy cơ do thai gồm:
- Đa thai
- Nhiễm trùng bào thai
- Dị tật bẩm sinh (tim bẩm sinh…)
- Bất thường gen hoặc nhiễm sắc thể (HC Down…)
- Dây rốn một động mạch, dây rốn bám màng.
Thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung sẽ gặp phải các vấn đề gì?
Nguy cơ trong thai kỳ:
- Mất tim thai trong tử cung, thai lưu.
- Sinh non.
Nguy cơ sau sinh:
- Cân nặng lúc sinh thấp
- Suy hô hấp
- Hạ đường huyết
- Hạ thân nhiệt
- Đa hồng cầu
- Nhiễm trùng sơ sinh
Về lâu dài, em bé có thể tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý tim mạch.
Cần lưu ý gì khi theo dõi thai kỳ có thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung?
Quản lý thai kỳ sẽ phụ thuộc vào mức độ nặng của tình trạng thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung. Quan trọng nhất là quyết định thời điểm nào sẽ chấm dứt thai kỳ (có thể sinh thường hoặc mổ lấy thai theo chỉ định sản khoa). Bác sĩ đánh giá điều này dựa vào tuổi thai, siêu âm sinh trắc thai, lượng ối, siêu âm màu (Doppler mạch máu), các yếu tố nguy cơ khác cũng như mong muốn của gia đình.
Điều trị có thể bao gồm:
- Theo dõi thai ngoại viện, tái khám thường xuyên.
- Theo dõi cử động thai.
- Hỗ trợ phổi.
- Nhập viện theo dõi, hoặc
- Chấm dứt thai kỳ sớm.
Có thể ngăn ngừa tình trạng này không?
Thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung có thể gặp ở bất kỳ thai kỳ nào. Tuy nhiên, nguy cơ tăng nếu mẹ bầu thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, uống rượu bia hoặc mắc một số bệnh truyền nhiễm trong thai kỳ (TORCH). Do đó, tránh tiếp xúc với các tác nhân này và có một chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp ngăn ngừa thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung. Điều trị dự phòng tăng huyết áp thai kỳ cho những sản phụ nguy cơ cao cũng giúp giảm nguy cơ này.
Nhưng trong nhiều trường hợp, thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung không thể tiên đoán trước và không có biện pháp dự phòng. Do đó, mẹ bầu cần khám thai đều đặn, tầm soát dị tật bẩm sinh cho thai và nếu có tình trạng thai giới hạn tăng trưởng trong tử cung, cần theo dõi, khám thai theo hướng dẫn của bác sĩ và xác định thời điểm sinh tốt nhất cho bé.
Băng huyết sau sinh là tình trạng sản phụ bị mất một lượng máu rất lớn sau khi sinh con, có thể dẫn đến sốc mất máu. Tình trạng này có thể xảy ra sau khi sinh qua ngả âm đạo (gọi là "sinh thường") hoặc sau khi phẫu thuật để đưa em bé ra ngoài (gọi là "sinh mổ" hoặc "mổ lấy thai"). Đây là một trong 5 tai biến sản khoa thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong mẹ hàng đầu trên thế giới. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, cứ mỗi 4 phút có một sản phụ tử vong vì băng huyết sau sinh.
Đau đầu khá phổ biến trong thai kỳ. Các loại đau đầu phổ biến nhất là đau đầu do căng thẳng và đau nửa đầu (Migraine). Hầu hết các cơn đau đầu đều xuất hiện và tự hết, nhưng một số trường hợp có thể nặng hơn hoặc gây ra các biến chứng khác. Điều quan trọng là bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về bất kỳ cơn đau đầu nào có thể gặp trước, trong hoặc sau khi mang thai.
Vỡ ối non (PROM) xảy ra khi túi ối, bao bọc em bé trong thai kỳ, bị rách trước khi chuyển dạ. Nếu PROM xảy ra trước tuần thứ 37, được gọi là vỡ ối non trên thai non tháng (PPROM).
Tiền sản giật xảy ra khi bạn đang mang thai và bị huyết áp cao kèm theo có protein trong nước tiểu (tiểu đạm). Tiền sản giật có nhiều mức độ nặng khác nhau và thường xảy ra vào cuối thai kỳ. Trong một số trường hợp, tiền sản giật có thể xuất hiện sớm hơn trong thai kỳ hoặc muộn hơn sau sinh. Bạn có thể tự bảo vệ mình bằng cách tìm hiểu các triệu chứng, dấu hiệu gợi ý của tiền sản giật và đến gặp bác sĩ để được chăm sóc trước sinh thường xuyên. Phát hiện tiền sản giật sớm có thể làm giảm nguy cơ mắc phải các vấn đề lâu dài cho cả mẹ và bé.
Thai chậm phát triển trong tử cung (FGR) là tình trạng suy dinh dưỡng bào thai ngay khi còn trong bụng mẹ.
Trẻ sơ sinh chậm phát triển trong tử cung có nguy cơ tử vong và mắc các bệnh lý cao hơn so với trẻ khác như: chậm phát triển chiều cao, dậy thì sớm, rối loạn chuyển hóa gây đái tháo đường, tổn thương thận, tổn thương nội mạc mạch máu.
Nghiên cứu mới cho thấy rằng tiêm ngừa vắc xin COVID-19 không làm tăng nguy cơ sinh non hoặc các vấn đề về thai cho phụ nữ mang thai, mặc dù có bằng chứng mâu thuẫn trước đó.