Ngày 14/08/2013

Chỉ định Albumin điều trị tăng Bilirubin máu ở trẻ sơ sinh – nên hay không?

DS. Huỳnh Thị Hồng Gấm
Khoa Dược - BV. Từ Dũ

 Theo American Society of Health-System Pharmacists (AHFS) 2008[3], Albumin được chỉ định trong điều trị tăng Bilirubin máu ở trẻ sơ sinh “Albumin phải được dùng kết hợp với thay máu, không được dùng trước thay máu; không nên sử dụng Albumin trong trường hợp chỉ cần chiếu đèn, không cần thay máu”.  Liều dùng Albumin trong điều trị tăng Bilirubin máu ở trẻ sơ sinh: 1g/kg. Dự phòng: 1,4-1,8 ml dung dịch Albumin 25% (350-450 mg Albumin)/kg, dùng cho trẻ sanh non có nồng độ protein trong huyết thanh thấp.

FDA phê duyệt cho việc chỉ định Albumin 25% điều trị tăng Bilirubin máu ở trẻ sơ sinh. Theo nguồn Micromedex, bằng chứng chưa thuyết phục. Không nên sử dụng Albumin kết hợp với chiếu đèn, cũng không nên sử dụng Albumin trước khi thay máu. Albumin được sử dụng  như một liệu pháp bổ trợ cho thay máu với các kết quả khác nhau, phải được sử dụng đồng thời với truyền máu.

Dưới đây là một số chỉ định của Albumin trong nhi khoa, được FDA phê duyệt[5]:

Hạ Albumin máu 

FDA phê duyệt

Có (dung dịch 25%)

Hiệu quả

Bằng chứng chưa thuyết phục

Khuyến cáo

Nhóm III

Độ mạnh của bằng chứng

Mức độ C

Choáng giảm thể tích

FDA phê duyệt

Hiệu quả

Hiệu quả

Khuyến cáo

Nhóm IIb

Độ mạnh của bằng chứng

Mức độ B

Tăng Bilirubin máu trẻ sơ sinh

FDA phê duyệt

Có (chỉ dung dịch 25%)

Hiệu quả

Bằng chứng chưa thuyết phục

Khuyến cáo

Nhóm III

Độ mạnh của bằng chứng

Mức độ C

 

Trong một số tài liệu, Albumin được dùng trước khi thay máu. Theo nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng “Hiệu quả của việc truyền Albumin trước khi thay máu cho trẻ sơ sinh đủ tháng có nồng độ bilirubin/máu cao”, 2009[9]:

  • Mục tiêu nghiên cứu: xác định vai trò của việc truyền Albumin trước khi thay máu cho trẻ sanh đủ tháng trong việc làm giảm Bilirubin huyết thanh toàn phần.
  • Dân số nghiên cứu: 50 em bé sanh đủ tháng (> 37 tuần thai), cân nặng lúc sinh > 2500 g, Bilirubin huyết thanh toàn phần ≥ 25mg/dl trước khi thay máu, điều trị chiếu đèn tích cực thất bại.
  • Can thiệp: Trong nhóm can thiệp Albumin, 25 em bé được truyền Albumin 20% với liều1g/kg tại thời điểm 1 giờ trước khi thay máu. Trong nhóm chứng, 25 em không được truyền Albumin trước thay máu.
  • Biến số kết cục: Mức Bilirubin huyết thanh toàn phần tại thời điểm 6 và 12 giờ sau khi truyền máu, tổng khoảng thời gian chiếu đèn, sự cần thiết cho lần thay máu thứ 2 và các tác dụng phụ.
  • Kết quả: Giá trị mức Bilirubin huyết thanh toàn phần thấp hơn đáng kể ở nhóm can thiệp Albumin so với nhóm chứng tại thời điểm 6 giờ và 12 giờ sau khi thay máu (p < 0,001). Giá trị tổng khoảng thời gian chiếu đèn giảm đáng kể ở nhóm can thiệp Albumin, so với nhóm chứng (8,6 ± 2,4 so với 25 ± 8,2 giờ) (p < 0,001). Không có em bé nào trong nhóm được can thiệp Albumin phải thay máu lần nữa và không có tác dụng phụ nào được ghi nhận.
  • Kết luận: truyền Albumin 20% (1g/kg) 1 giờ trước khi thay máu có thể làm giảm đáng kể tổng lượng bilirubin huyết thanh sau thay máu và khoảng thời gian chiếu đèn.

Theo British National Formulary for Children (BNFC) 2011-2012[4]: Dung dịch Albumin 20% chỉ định trong trường hợp Bilirubin trong máu thấp nghiêm trọng do giảm thể tích huyết tương và phù toàn thân; điều trị hỗ trợ trong tăng Bilirubin máu do thay máu ở trẻ sơ sinh. Sử dụng Albumin trong trường hợp giảm Albumin máu không phải là một chỉ định thích hợp.

Theo Dược thư Quốc gia Việt Nam 2012[1], Albumin được chỉ định kết hợp với truyền thay máu để điều trị tăng Bilirubin huyết trong bệnh tan máu ở trẻ sơ sinh.

Theo thông tin từ Grifols, nhà sản xuất Albutein 25%-biệt dược hiện đang dùng tại Bệnh viện: Albumin 25% được chỉ định phối hợp truyền thay máu trong điều trị tăng Bilirubin huyết sơ sinh. Sự sử dụng Albutein ở trẻ em chưa được đánh giá trên lâm sàng. Vì vậy, bác sĩ nên cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích của việc dùng Albumin cho trẻ em.

Trong phác đồ điều trị tăng Bilirubin máu của AAP, 2004[2]: không sử dụng Albumin.

Theo Cochrane Review. Jardine LA, Jenkins-Manning S, Davies MW. Truyền albumin cho trẻ sơ sinh non tháng có nồng độ albumin huyết thanh thấp, 2007[6]:

  • Cơ sở:Truyền tĩnh mạch Albumin để điều trị chứng hạ Albumin trong máu được dùng trong chăm sóc tích cực nhi. Hạ Albumin máu gặp trong một số tình huống lâm sàng như non tháng, trẻ trở nặng cấp, hội chứng suy hô hấp (RDS), bệnh phổi mãn, viêm ruột hoại tử, xuất huyết nội sọ, phù thai nhi và phù. Truyền Albumin có tác dụng phụ tiềm tàng là quá tải dịch. Albumin là một chế phẩm máu và do đó có nguy cơ tiềm tàng đưa đến nhiễm trùng và các phản ứng bất lợi. Albumin cũng là một nguồn nguyên liệu khan hiếm và đắt tiền.
  • Kết luận: Không đủ bằng chứng từ các thử nghiệm ngẫu nhiên để xác định việc truyền Albumin thường quy, ở trẻ sinh non có Albumin huyết thanh thấp, có làm giảm tử vong và bệnh suất hay không, và cũng không có bằng chứng để đánh giá xem việc truyền Albumin có những tác dụng phụ đáng kể hay không. Cần có những thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên mù đôi, chất lượng tốt đánh giá tính an toàn và công hiệu của việc truyền Albumin ở trẻ sơ sinh non tháng có mức Albumin huyết thanh thấp.

Theo NICE. Clinical guideline 98. Neonatal Jaundice, 2010[8]: Không dùng Albumin để điều trị tăng Bilirubin máu trong vàng da sơ sinh.

Theo NHS Evidence. Neonatal jaundice. Evidence Update march 2012[7]: không khuyến cáo sử dụng Albumin trong điều trị tăng Bilirubin máu vì “thiếu bằng chứng”. Ngoài ra, tài liệu này cũng khuyến cáo rằng, không dùng bất kỳ  một trong các thuốc sau đây để điều trị tăng Bilirubin máu: Agar, barbiturates, charcoal, cholestyramine, clofibrate, D-penicillamine, glycerin, manna, metalloporphyrins, riboflavin, thuốc truyền thống Trung Quốc,  châm cứu, phép vi lượng đồng căn (homeopathy).

Qua các nguồn tài liệu trên đây cho thấy: sử dụng Albumin trong điều trị Tăng Bilirubin máu ở trẻ sơ sinh vẫn chưa có sự thống nhất, còn thiếu “bằng chứng”. Chúng ta vẫn còn đang chờ đợi kết luận thống nhất qua các kết quả của những nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng, được làm mù tiếp theo trong tương lai.

Tài liệu tham khảo

  1. Dược thư Quốc gia Việt Nam 2012.
  2. AAP. Clinical Practice Guideline. Management of Hyperbilirubinemia in the Newborn infant 35 or More Weeks of Gestation. Pediatrics Vol.114. №1. 2004. P. 297-316.
  3. American Society of Health-System Pharmacists (AHFS), 2008.
  4. British National Formulary for Children  (BNFC) 2011-2012.
  5. Guidelines for use Albumin. Internal Medicine, Vol 155, 2010.
  6. Jardine LA, Jenkins-Manning S, Davies MW. Albumin infusion for low serum albumin in preterm newborn infants. Cochrane Review. 2009.
  7. NHS Evidence. Neonatal jaundice. Evidence Update march 2012.
  8. NICE. Clinical guideline 98. Neonatal Jaundice, 2010.
  9. Shahian et al. Effect of Albumin Administration Prior to Exchange Transfusion in Term Neonates with Hyperbilirubinemia”. Indian Pediatrics, Vol.47, 2009. P.241-244.
DS. Huỳnh Thị Hồng Gấm

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ