Ngày 14/10/2016

Điểm tin dịch bệnh theo mùa

    DS. Huỳnh Thị Kim Hằng
    Khoa Dược – BV Từ Dũ
     

    1. Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã tổ chức họp báo về tình hình dịch bệnh bạch hầu xuất hiện trên địa bàn huyện Đồng Phú. Trong đó, đã có 3 trường hợp bị tử vong.

    Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đồng Thông - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước - cho biết, từ ngày 1 - 13.7, tổng số ca nghi mắc bệnh bạch hầu là 47 ca. Trong đó, có 3 ca tử vong, 6 ca được điều trị xuất viện, còn lại đang được theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước và các bệnh viện tuyến trên. Theo đại diện Sở Y tế Bình Phước, đây là ổ dịch bạch hầu cư trú và lây lan nhanh ra cộng đồng. Ngay khi phát hiện ra dịch bệnh, Sở Y tế Bình Phước đã nhanh chóng phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức phun thuốc tiêu diệt dịch bệnh và phòng trừ dịch bệnh không lan sang các khu vực khác.

    Sau khi xác định ổ dịch bạch hầu xảy ra tại 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú (tỉnh Bình Phước), Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã tiến hành rà soát lại tình hình tiêm vaccine trên toàn tỉnh để tiêm cho tất cả các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Đối với vùng dịch tễ tại 2 xã ghi nhận các ca bệnh, ngày 14.7 ngành y tế tiến hành tiêm vaccine cho toàn bộ đối tượng nguy cơ từ 6-26 tuổi. Trước đó, đêm 13.7, khoảng 10.000 liều vaccine phòng bệnh bạch hầu được chuyển từ Nha Trang vào ổ dịch. Phối hợp với Sở Y tế tỉnh Bình Phước trong đợt kiểm soát ổ dịch bạch hầu này, PGS-TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM - cho biết, trong 3 năm trở lại đây Bình Phước luôn đạt tỉ lệ chủng ngừa 94% đối với vaccine 5 trong 1 (trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia). Thực tế, ổ dịch bạch hầu ghi nhận ở các độ tuổi từ 4-52. Như vậy, đây có thể là một hiện tượng dù tiêm chủng cao nhưng có tỉ lệ nhất định những người chưa được tiêm, tích lũy qua các năm tạo điều kiện cho bệnh bùng phát.

    Hiện các ca nghi nhiễm bệnh được thực hiện xét nghiệm kiểm tra, kết quả xác định 4 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Trung bình mỗi ngày tại 2 xã Thuận Lợi và Thuận Phú ghi nhận và giám sát thêm 2-3 trường hợp có các biểu hiện sốt, nuốt đau, viêm amidan. Tất cả các bệnh nhân này đều phải thực hiện các biện pháp chăm sóc y tế, cách ly, xét nghiệm kết hợp tư vấn cho bệnh nhân và gia đình, tránh nguy cơ bỏ sót ca bệnh. 

    Bộ Y tế yêu cầu khẩn cấp triển khai phòng, chống dịch bạch hầu

    Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có Công điện số 858/ CĐ-DP gửi Sở Y tế tỉnh Bình Phước để khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch bạch hầu. Bộ Y tế đề nghị tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ cao để phát hiện các trường hợp mắc mới và người lành mang trùng. Đồng thời, triển khai các biện pháp xử lý kịp thời ổ dịch; tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế tối đa số trường hợp mắc, biến chứng và tử vong; điều tra tất cả các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị, lập báo cáo hằng ngày về từng trường hợp mắc bệnh, ổ dịch và kết quả triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Sở Y tế Bình Phước phối hợp với Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh tổ chức tiêm vaccine phòng dịch tại khu vực xảy ra ổ dịch; nhanh chóng rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ trên phạm vi toàn tỉnh để tổ chức tiêm vét vaccine phòng bệnh; đảm bảo tất cả trẻ được tiêm.... T. LINH 

    2. Ngày 11/8/2016, ngay khi nhận được thông tin của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cao Bằng, tại xóm Cà Đổng, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm có nhiều người mắc bệnh: ho rũ rượi, mắt đỏ, trong đó có một số trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Lâm. Bộ Y tế đã thành lập Đoàn công tác gồm đại diện Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương trực tiếp đến địa phương kiểm tra và hỗ trợ các hoạt động giám sát, điều tra và xử lý dịch bệnh.

    Qua điều tra từ ngày 22/7/2016- 11/8/2016, kết quả khám phân loại 168 trường hợp có triệu chứng viêm đường hô hấp tại 3 xóm Cà Đổng, xóm Cà Mèng và xóm Cà Pẻn A thuộc xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm ghi nhận 49 bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng điển hình với bệnh Ho gà. 

    3. Viêm màng não mô cầu dễ gây thành dịch 

    Cách ly gần 50 người tiếp xúc bệnh nhân viêm màng não để theo dõi 

    Trường hợp đầu tiên trong năm 2016 mắc viêm màng não mô cầu bị tử vong là em Đỗ Thị X. (sinh năm 1998, trú phường Tứ Minh, TP.Hải Dương; học sinh lớp 12, trường THPT Lương Thế Vinh, Hải Dương).

    Trao đổi với PV, ông Bùi Huy Nhanh, Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương cho biết, theo thông tin từ phía gia đình và bệnh viện 108, ngày 20/2/2016 bệnh nhân sốt nhẹ, đau đầu.

    Đến khoảng 19h cùng ngày bệnh nhân đi vệ sinh bị ngã, gia đình đã đưa đến khám, điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Tại đây, bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết, đã được các bác sỹ hội chẩn và chuyển đến viện Quân y 108.

    Khoảng 1h ngày 21/2, khoa Hồi sức cấp cứu Viện Quân y 108 tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng sốc nhiễm trùng, suy hô hấp, rối loạn đông máu. Bệnh nhân đã được cấy máu, chọc dịch não tủy, xét nghiệm dịch họng. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm chẩn đoán: Nhiễm khuẩn huyết/viêm màng não mủ do não mô cầu. Bệnh nhân tử vong lúc 10h ngày 22/2.

     Ngay sau khi xuất hiện ca tử vong đầu tiên do viêm màng não mô cầu năm 2016, cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi Giám đốc sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng chống bệnh do não mô cầu. Công văn cũng yêu cầu điều tra tất cả các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở điều trị, lập báo cáo gửi về viện Vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur và cục Y tế dự phòng.

    Tại Việt Nam, bệnh viêm não, màng não do não mô cầu nhóm A lưu hành ở nhiều nơi, trước kia có thể gây thành dịch, tuy nhiên hiện nay bệnh chỉ xuất hiện rải rác trong năm. Hằng năm, bệnh viện chúng tôi vẫn phát hiện một số ca mắc bệnh nhập viện.

    Ngay khi có kết quả chuẩn xác bệnh nhân mắc bệnh này, bệnh viện đều tiến hành thông báo về địa phương, về các cơ sở y tế mà bệnh nhân có đi qua để có chiến lược dự phòng cho người đã tiếp xúc với bệnh nhân. Bởi căn bệnh não mô cầu lây lan khá dễ dàng qua đường hô hấp, là bệnh lý dễ gây thành dịch, nên các biện pháp dự phòng với những người tiếp xúc gần là vô cùng cần thiết”.

     4. Ngày 17/8/2016,

    Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận 02
    trường hợp với chẩn đoán mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân: bệnh nhân Đinh Văn N sinh năm 1970,  và con trai Đinh Văn H sinh năm 1995 ở thôn Làng Chai, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà. Hiện tại hai bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

    Hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đã được các cơ quan chuyên môn Bộ Y tế xác định nguyên nhân là do nhiễm độc tố vi nấm bởi ăn gạo mốc trên cơ địa người bị thiếu vi chất dinh dưỡng. Để phòng, chống mắc bệnh, biện pháp chính là sử dụng thóc, gạo không bị nấm mốc kết hợp với tăng cường dinh dưỡng và vệ sinh môi trường.

    5.  Dịch sốt xuất huyết xảy ra 48/50 huyện ở Tây Nguyên

    So với cùng kỳ năm ngoái, hiện số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp 3 lần, trong đó tình hình tại 4 tỉnh Tây Nguyên đang diễn biến đặc biệt nghiêm trọng.

    Bộ Y tế cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có gần 50.000 ca mắc sốt xuất huyết tại 48 tỉnh thành, 17 trường hợp đã tử vong. Cùng kỳ năm ngoái, cả nước chỉ có 17.000 ca mắc sốt xuất huyết.

    Chiều 7/8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp với 5 tỉnh Tây Nguyên tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết khu vực Tây Nguyên, có sự tham dự của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

    Theo báo cáo, 7 tháng đầu năm 2016, các tỉnh Tây Nguyên ghi nhận hơn 7.400 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 4 bệnh nhân tử vong. Dịch đã xảy ra ở 393/563 xã, phường, thị trấn và tại 48/50 huyện của 4 tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum.

    Trong đó, tỉnh có số ca mắc bệnh cao nhất là Gia Lai với 3.081 ca (chiếm 41,6%), Đắk Lắk 1.865 ca (chiếm 25,9%), Kon Tum 1.387 ca (chiếm 18,7 %) và Đắk Nông 1.079 ca (chiếm 14,6%). Độ tuổi mắc bệnh SXH đa số là người lớn (chiếm 74,6%).

    Theo các trung tâm y tế dự phòng, nguyên nhân khiến dịch SXH gia tăng là do dịch có tính chất chu kỳ, khoảng 3-5 năm lại bùng phát mạnh; tốc độ đô thị hóa nhanh, hình thành nhiều vùng dân cư tập trung tạo nên các vùng sinh cảnh, sinh thái thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh cũng như bệnh SXH phát triển.

    Trong năm 2016, hiện tượng El nino xảy ra tại Việt Nam làm tăng nhiệt độ trung bình của môi trường là điều kiện cho muỗi phát triển. Thời tiết hạn hán dẫn đến người dân tăng cường tích trữ nước sạch tại các dụng cụ chứa nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng phát triển.

    Ngoài ra, ý thức của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là xem thường bệnh SXH; chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không thực hiện việc diệt muỗi, diệt lăng quăng; mạng lưới y tế còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng chống SXH. Tại một số địa phương, chính quyền các cấp và tổ chức chính trị xã hội chưa coi trọng công tác chủ động phòng chống dịch bệnh .

    Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thời gian tới, bệnh dịch SXH vẫn còn diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng số ca mắc do hiện Tây Nguyên. Vì khu vực này đang bước vào mùa mưa sẽ thuận lợi cho muỗi và bọ gậy phát triển.

    Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân triển khai chiến dịch diệt lăng quăng tại địa bàn.

    Bộ Y tế đã lập 8 đoàn công tác đi kiểm tra, giám sát chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ đồng thời có công điện gửi lãnh đạo UBND 63 tỉnh thành đề nghị triển khai mạnh mẽ các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, huy động tổng thể các ban ngành cùng vào cuộc.

    Bộ Y tế cũng giao Sở Y tế các tỉnh sớm phát hiện, giám sát các trường hợp mắc bệnh để xử lý triệt để ổ dịch, đảm bảo phun hoá chất diệt muỗi 2-3 lần cách nhau 1 tuần.

    6. Bộ Y tế khuyến cáo:

    Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Nước ta thường xảy ra những đợt mưa lớn hoặc bão gây lũ lụt trên diện rộng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân. Đặc biệt tại các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc hoặc duyên hải Nam Trung bộ, do địa hình dốc nên khi mưa nhiều dễ gây ra hiện tượng lũ ống, sạt lở và ngập úng rất nhanh. 

    Trong và sau mưa, lũ, vô số vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật. Ở các vùng bị cô lập trong khi bị lũ lụt, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, thiếu nước sạch, mầm bệnh từ các vùng nước ngập đọng, từ xác súc vật chết bị thối rữa tiếp tục lây lan nên có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh cao.

    Để chủ động phòng ngừa dịch bệnh do nguồn nước ô nhiễm, điều kiện vệ sinh không đảm bảo tại các khu vực bị lũ lụt, các cơ sở y tế tại các tỉnh/thành phố trong cả nước cần đảm bảo trang thiết bị, thuốc men, hóa chất khử trùng nước cho các địa phương.

    Bộ Y tế khuyến cáo: Mùa mưa bão đang diễn ra, người dân cần chủ động thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

    Các gia đình cần thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất như Cloramin B hoặc viên Aquatabs hoặc những hóa chất khác được Bộ Y tế khuyến cáo để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.

    Để bảo đảm vệ sinh môi trường, người dân cần thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật; sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

    Các cơ sở y tế bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết để cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân kịp thời…/.

    Tổng hợp từ cổng thông tin điện tử của Bộ Y Tế

    DS. Huỳnh Thị Kim Hằng

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ