Ngày 11/07/2011

Hiểu và dùng đúng thuốc cầm tiêu chảy

Khi người bệnh bị tiêu chảy, cầm tiêu chảy là mong muốn đầu tiên, riêng với trẻ em thì đó còn là sự sốt ruột của cha mẹ. Nhưng cầm tiêu chảy bằng cách nào, thuốc nào? 

Thuốc cầm tiêu chảy cho dạng tiêu chảy không nhiễm khuẩn 

Tiêu chảy dạng không nhiễm khuẩn còn gọi là tiêu chảy không đặc hiệu liên quan đến đường ruột như rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng… có ảnh hưởng lên sự chuyển hóa dịch - chất điện giải qua ruột (theo cơ chế khác) đưa đến kết quả giảm thể tích phân, tăng độ nhớt, tỷ trọng khối. Có hai loại thuốc cầm tiêu chảy không đặc hiệu thường dùng là loperamid và racecadotril. Chúng có những điểm giống và khác nhau. 

 

Chúng giống nhau đều không có tính kháng khuẩn nên thường chỉ dùng trong tiêu chảy không do nhiễm khuẩn; còn trong tiêu chảy do nhiễm khuẩn không dùng riêng lẻ, nếu có dùng thì chỉ với vai trò phụ trợ, phối hợp. Nếu dùng phòng và trị tiêu chảy dạng không đặc hiệu thì chúng làm giảm được sự mất dịch, chất điện giải. Tuy nhiên, khi khi bị mất dịch - chất điện giải, chúng đều không có khả năng thay thế được việc bù dịch - chất điện giải bằng các thuốc truyền thống như oresol, dung dịch natri chlorua 0,9% hay dung dịch ringer lactate. 

Chúng có vài điểm khác nhau về cơ chế, tác dụng không mong muốn cách dùng: 

Loperamid là chất tổng hợp thuộc nhóm opiat. Tác dụng trực tiếp lên cơ dọc thành ruột, giảm nhu động thành ruột, tăng cường lực cơ vòng co thắt hậu môn ngăn quá trình tống thưc ăn, phân ra ngoài giảm tiết dịch đường tiêu hóa. Kết quả: làm giảm sự mất dịch - chất điện giải, giảm thể tích phân, cầm tiêu chảy mạnh, nhanh. Racecadotril ức chế enzym   enkephalinase qua đó làm giảm tiết dịch - chất điện giải vào ruột khi có sự tăng tiết, giảm mất dịch - chất điện giải, giảm thể tích phân, cầm tiêu chảy nhưng không mạnh, nhanh bằng loperamid. 

Một nguyên tắc trong điều trị tiêu chảy nhiễm khuẩn là không được giữ phân lại lâu trong ruột. Loperamid với cơ chế tác dụng trên sẽ giữ lại phân ở ruột lâu; từ đó, tăng sinh vi khuẩn ruột, bùng phát trở lại sự nhiễm khuẩn. Trong trường hợp vi khuẩn tiết ra chất độc, loperamid giữ lại chất độc và tăng chất độc. Tác dụng không mong muốn này xẩy ra khi dùng loperamid phối hợp trong điều trị tiêu chảy nhiễm khuẩn với liều cao kéo dài (gây giảm nhu động ruột, tăng sự co vòng cơ thắt và quá mức). Trong khi đó racecadotril có cơ chế làm giảm tiết dịch mà không giảm nhu động ruột, tăng trương lực cơ vòng co thắt hậu môn, nên không có tác dụng không mong muốn này. Cũng vì thế phạm vi liều dùng của   racecadotril rộng hơn. 

Loperamid là một opiat tổng hợp, dùng cho người lớn, ít độc cho hệ thần kinh trung ương như opioic tự nhiên. Tuy nhiên, loperamid có thể gây độc cho thần kinh của trẻ dưới 6 tuổi. Cho nên, loperamid không được đưa vào thường quy điều trị tiêu chảy cho trẻ em dưới 6 tuổi. Racecadotril không thuộc nhóm opoiat, không có các tác dụng không mong muốn này, có thể dùng cho trẻ từ 3 tháng tuổi trở lên. 

Loperamid khi dùng liều cao kéo dài sẽ gây táo bón, buồn nôn, khô miệng, chướng bụng, tắc liệt ruột (do giảm nhu động ruột, tăng trương lực cơ vòng co thắt hậu môn quá mưc); gây nhức dầu chóng mặt, mệt mỏi (do tác động lên hệ thần kinh). Không được dùng loperamid với người nhu động ruột giảm sút, chướng bụng, không dùng cho người có thai (vì chưa có đủ thông tin), có thể dùng cho người cho con bú (vì tiết qua sữa rất ít) nhưng chỉ nên dùng liều thấp nhất có hiệu lực; thận trọng khi dùng cho người viêm loét dạ dày, suy giảm chức năng gan. Trong vòng 48 giờ dùng loperamid riêng lẻ hay kết hợp với các thuốc trị tiêu chảy khác mà không có kết quả thì ngừng dùng, tìm giải pháp khác, mà không dùng tăng liều. Racecadotril với liều điều trị, hiện chưa ghi nhận được các tác dụng không mong muốn nào nghiêm trọng. 

Những điều phân biệt nêu trên nhằm để dùng thuốc vào các trường hợp thích hợp, không hàm nghĩa so sánh độ tốt xấu của hai thuốc. 

Thuốc cầm tiêu chảy cho dạng tiêu chảy nhiễm khuẩn 

Tiêu chảy nhiễm khuẩn là do chính vi khuẩn hay độc tố vi khuẩn tiết ra sự mất dịch - chất điện giải. Muốn cầm tiêu chảy, phải dùng kháng   sinh đặc hiệu cho mỗi loại nhiễm khuẩn. 

Với nhiễm khuẩn shigella: các kháng sinh cổ điển như cot r imoxazol bị vi khuẩn kháng 90% (2009), acid nalixidic bị vi khuẩn kháng 70%(2009) nên dùng không đáp ứng, không chăc chắn. Hiện theo WHO và nước ta cần cho dùng các fluorfoquinolon (cyprofloxaxin hay ofloxain, perfloxacin) hay ceftriaxon. 

Với nhiễm khuẩn escherichia Coli: nếu là chủng E. Coli thông thường thì có thể dùng bactrim, berberin; nếu   không dáp ứng có thể dùng các fluoroquinolon. Nếu là chủng sinh độc tố thì không dùng kháng sinh, vì sẽ làm tăng sự phóng thích độc tố gây chứng tán huyết - urê huyết cao. 

Với nhiễm sallmonela thông thường (S.non-typhi ): khi nhiễm một lượng lớn, sinh ra đủ độc tố, mới gây nhiễm độc. Biểu hiện rất dữ dội: đau quặn bụng, đi ngoài nhiều lần, sốt. Tuy nhiên, khi tách khỏi nguồn lây thì bệnh không nặng thêm. Chỉ cần dùng thuốc chữa triệu chứng.Với người lớn khỏe mạnh, không nhất thiết dùng kháng sinh. Với người già, trẻ em (sức đề kháng yếu) có thể dùng kháng sinh hỗ trợ. Dùng bactrim, nếu không đáp ứng thì dùng các fluoroquinolon. 

Với nhiễm sallmonela enterica typhi (thương hàn): các kháng sinh đặc hiệu cổ điển chloramphenicol, bactrim nay đã bị kháng thuốc rất cao (qua nhiều vụ dịch, thấy không còn đáp ứng). 

Nhất thiết phải dùng kháng sinh đặc hiệu loại mới fluoroquinolon như ofloxacin (uống hay tiêm). Ngay từ đầu, không được dùng một liều mạnh (vì vi khuẩn bị diệt quá nhiều sẽ sinh ra độc tố có hại làm nặng thêm các triệu chứng) mà chỉ dùng liều lúc đầu bằng 2/3 liều điều trị thông   thường và tăng dần đến khi đạt hiệu quả (bằng liều điều trị thông   thường) và duy trì cho dến lúc khỏi bệnh. Sau một đợt dùng, bệnh sẽ khỏi. Tuy nhiên, ở một số người bệnh, tuy không còn triệu chứng nhưng xét nghiệm phân vẫn còn vi khuẩn; cần dùng một đợt kháng sinh khác chữa dứt điểm. 

Với nhiễm campylobacter: do nhiễm khuẩn từ thịt gia cầm chưa nấu chín. Dùng kháng sinh erythromycin nhưng sau 4 ngày mới có hiệu quả; nếu không đáp ứng, có thể dùng kháng sinh fluoroquinolon. 

Với nhiễm virus: hay gặp nhất là nhiễm rotavirus (ở trẻ nhỏ), hay norovirus (nhiều hơn ở người lớn). Có thể phát thành dịch nhưng không nguy hiểm. Chỉ dùng thuốc chữa triệu chứng như bù mất dịch - chất điện giải. 

Tiêu chảy do nhiểm khuẩn gây mất dịch - chất điện giải nhiều hơn tiêu chảy không do nhiễm khuẩn. Mất dịch - chất điện giải sẽ gây ra các rối loạn nội môi, quan trọng nhất gây trụy mạch tử vong. Dùng thuốc bù dịch - chất điện giải là giải pháp cấp cứu hàng đầu. Hiện nay, thầy thuốc cũng như người bệnh hiểu rõ tầm quan trọng và thực hiện điều này khá tốt. Tuy nhiên nếu không quan tâm đúng mức đến việc xác định chủng nhiễm khuẩn, dùng kháng sinh đặc hiệu, thậm chí chỉ dùng kháng sinh qua quýt, không cân nhắc kỹ (như bất cứ tiêu chảy nào cũng dùng bactrim, dùng cả các kháng sinh đã bị kháng) thì sẽ không chữa khỏi bệnh mà còn lây vi khuẩn ra người khác, phát tán vi khuẩn vào môi trường gây ra dịch. 

Dùng các thuốc cầm tiêu chảy không đúng 

Xưa kia không có thuốc, thường dùng búp ổi lá sim, có chứa nhiều tannin làm săn niêm mạc ruột, cầm tiêu chảy. Nếu dạng tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa, cách dùng này có thể sẽ làm rối loạn tiêu hóa thêm (do các phản ứng ngược chiều) nhất là với trẻ em. Nếu là tiêu chảy do nhiễm khuẩn, thì cách dùng này sẽ không kháng được vi khuẩn làm mất được   nguyên nhân gây tiêu chảy (vì tanin không có tính kháng khuẩn). 

DS.CKII. Bùi Văn Uy
Theo Sức khỏe & đời sống

 

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ