Ngày 06/12/2012

Nhìn lại các thuốc dự phòng và điều trị tiền sản giật

 Magne sulfat. Magne sulfat đã được sử dụng kiểm soát tiền sản giật từ năm 1920, nhưng hiệu quả điều trị trong tiền  sản giật nặng và sản giật được công nhận lần đầu vào năm 1995 qua Thử nghiệm sản giật Collaborative.[4][4] Kết quả sau 2 năm theo dõi một thử nghiệm cũng đã cho thấy thai phụ được điều trị bằng Magne sulfat có nguy cơ sản giật thấp hơn 58% (95% CI, 40%-71%) so với nhóm dùng giả dược (nguy cơ 0,8% ở nhóm bệnh nhân dùng Magne sulfat so với 1,9% ở nhóm giả dược).  Kết quả của thử nghiệm này cho thấy, điều trị bằng Magne sulfat ngăn ngừa sản giật và có thể giảm nguy cơ tử vong mẹ.[5]

Magne sulfat được cân nhắc là điều trị đầu tay để ngăn ngừa cơn sản giật sơ phát và tái phát. Mange sulfat cũng được sử dụng điều trị dự phòng cho tất cả thai phụ tiền sản giật nặng.[4,5] Cơ chế tác dụng của Magne sulfat là kích hoạt giãn mạch máu não, làm giảm thiếu máu cục bộ bởi sự co thắt mạch máu não trong cơn sản giật. Magne sulfat là một thuốc ức chế Canxi nên cũng thay đổi truyền thần kinh cơ. Phác đồ khuyến cáo Magne sulfat như sau: liều tấn công từ 4 đến 6g trong vòng 15 đến 20 phút, sau đó liều duy trì là 2g/h bằng cách truyền tĩnh mạch liên tục.[3,6-8] Magne sulfat được chỉ định lúc khởi đầu giai đoạn quan sát, sau đó tiếp tục trong suốt quá  trình chuyển dạ và ít nhất 24 giờ sau sinh. Những sản phụ có chức năng thận không bình thường (thiểu niệu hoặc Creatinin ≥ 1,2 mg/dl), phải giảm liều Magne sulfat, thậm chí ngưng sử dụng. Nồng độ trị liệu của Magne sulfat trong huyết tương khoảng từ 4 đến 8 mg/dl. Dấu hiệu ngộ độc bắt đầu bằng mất phản xạ gân xương bánh chè, suy nhược, hoa mắt, loạn vận  ngôn. Ức chế hô hấp hoặc ngừng thở có thể xảy ra khi nồng độ Magne sulphat trong huyết tương > 14 mg/dl.

Kiểm soát huyết áp
Điều trị cao huyết áp nặng, cấp tính trong tiền sản giật là chủ chốt trong ngăn ngừa các tai biến tim mạch, mạch máu não cũng như tử vong mẹ. Điều trị hạ áp nên được chỉ định ở thai phụ có huyết áp tâm thu từ 160 -180 mmHg hoặc cao hơn và huyết áp tâm trương từ 105-110 mmHg hoặc cao hơn.

Hydralazin. Hydralazin là thuốc giãn  mạch ngoại vi chọn lọc trên động mạch được sử dụng để hạ áp trong cao huyết áp nặng và thai phụ tiền sản giật. Liều dùng: 5-10 mg IV hoặc IM mỗi 15 phút cho đến liều tối đa là 20 mg IV hoặc 30mg IM. Khởi phát tác dụng từ 10 đến 20 phút. Ghi nhận chỉ số huyết áp mỗi 15 phút trong suốt quá trình trị liệu và các giá trị  mong muốn đạt được mỗi giờ một lần. Nếu Hydralazin không hạ áp tương ứng hoặc tác dụng phụ trên mẹ như nhịp tim nhanh hoặc đau đầu tiến triển, nên cân nhắc một  thuốc hạ áp khác.[3,6-8]

Labetalol. Labetalol là đại diện cho loại thuốc có tác dụng đối kháng cạnh tranh ở cả các thụ thể adrenergic alpha-1 và beta. Cơ chế tác dụng của  Labetalol làm giảm sức cản ngoại biên mà không ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến não và ngoại biên hay thận. Liều khuyến cáo là truyền TM 20 mg (mỗi 2 phút) cho đến liều tối đa là 300 mg.[8,9]. Lợi ích tiềm năng của Labetalol so với Hydralazin bao gồm khởi phát tác dụng nhanh hơn và ít nguy cơ bị nhịp tim nhanh hơn. Tuy nhiên, cần tránh dùng Labetalol ở những bệnh nhân hen suyễn trung bình đến nặng, nhịp tim chậm (< 60 nhịp/phút) hoặc suy tim sung huyết. [6-9]

Nifedipin. Nifedipin là thuốc dạng uống, ức chế kênh Canxi loại 2 tức là ức chế chọn lọc dòng ion Canxi đi vào  trong tế bào. Nifedipin làm giảm huyết áp mà không ảnh hưởng đến lưu lượng máu qua nhau thai. So sánh với Hydralazin, Nifedipin khởi phát tác dụng nhanh hơn và có những lợi thế của đường uống. Nifedipin chỉ nên được chỉ định ở dạng thuốc uống tác dụng ngắn với liều khởi đầu 10-20 mg mỗi 30 phút đến liều tối đa là 50 mg. [9] Tác dụng không mong muốn chung bao gồm tim đập nhanh, nhức đầu và hồi hợp. Tác dụng hạ huyết áp cộng hưởng với Magne sulphat đã được báo cáo, do đó cần tránh sử dụng 2 thuốc này đồng thời.[3,9]

Nicardipin. Nicardipin hydrochlorid là thuốc chẹn kênh Canxi, có thể là một thay thế cho các thuốc nói trên. Ít gây nhịp tim nhanh hơn khi so với Nifedipin và có tác dụng hạ áp trung bình 15 phút sau khi dùng đường tĩnh mạch. Nicardipin khởi đầu bằng truyền tĩnh mạch với tốc độ 5mg/h và tăng dần 2,5 mg/h mỗi 5 phút cho đến liều tối đa là 10 mg/h hoặc cho đến khi chỉ số huyết áp động mạch giảm đi 15%.[6,9]

Natri nitroprussid. Khi các thuốc kể trên thất bại trong việc hạ áp trong tiền sản giật nặng, có thể chỉ định  Nitroprussid. Thuốc này hoạt động thông qua cơ chế phóng thích oxyd nitơ, làm giảm cả tiền gánh và hậu gánh. Khởi phát tác dụng rất nhanh và có thể gây cao huyết áp dội ngược. Thêm vào đó, bệnh nhân có thể bị đau đầu, hồi hợp và ngộ độc Cyanid. Nếu cao huyết áp nặng, khẩn cấp cần thiết phải dùng Natri nitroprussid, liều khởi đầu truyền tĩnh mạch tốc độ 0,20 mcg/kg/ph  và điều chỉnh mỗi 5 phút, không vượt quá  4mcg/kg/ph.[6,9]

Dưới đây là bảng tóm tắt  các thuốc điều trị cao huyết áp trong tiền sản giật                                                                                               

Thuốc

Liều

Tác dụng không mong muốn

Hydralazin

5-10 mg IV hoặc IM mỗi 15 phút cho đến liều tối đa là 20 mg IV hoặc 30 mg IM

Hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, nhức đầu, đỏ bừng, buồn nôn, nôn,  tiêu chảy, ứ nước

Labetalol

Truyền TM chậm 20 mg ( mỗi 2 phút) cho đến liều tối đa là 300 mg

Hạ huyết áp, chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi, trầm cảm, buồn nôn, nôn, co thắt phế quản

Nifedipin

10-20 mg uống mỗi 30 phút cho đến liều tối đa là 50 mg

Nhịp tim nhanh, nhức đầu, đánh trống ngực, phù ngoại biên, tránh dùng chung với Magne sulfate (hạ huyết áp)

Nicardipin

Truyền IV với tốc độ 5mg/h và tăng 2,5 mg/h mỗi 5 phút cho đến liều tối đa là 10mg/h

Phù ngoại biên, nhịp tim nhanh, nhức đầu

Natri nitroprussid

Truyền IV với tốc độ là 0,20 mcg/kg/ph, điều chỉnh dần mỗi 5 phút, không vượt quá 4 mcg/kg/ph

Hạ huyết áp, buồn nôn, nôn, toát mồ hôi, cao huyết áp dội ngược (do khởi phát tác dụng nhanh chóng), tăng áp lực nội sọ

(IV: tiêm tĩnh mạch;  IM: tiêm bắp; Truyền IV: truyền tĩnh mạch)

Trích nguồn:

Tammy D. Hart, Martha B. Harris.Preeclampsia Revisited. US Pharmacist. 2012;37(9):48-53. 

Tài liệu tham khảo:

     
  1. American College of Obstetricians and Gynecologists. Diagnosis and management of preeclampsia and eclampsia. ACOG Practice Bulletin No. 33. Am J Obstet Gynecol. 2002;99:159–167.
  2.  
  3. Sibai BM. Hypertension. In: Gabbe SG, Niebyl JR, Simpson JL, et al, eds. Obstetrics: Normal and Problem Pregnancies. 6th ed. Philadelphia, PA: Saunders; 2012:779–823.
  4.  
  5. Lim KH, Erogul M, Sayah A, et al. Preeclampsia. Medscape Reference. http://emedicine.medscape.com/article/1476919-overview. Accessed April 23, 2012.
  6.  
  7. The Eclampsia Trial Collaborative Group. Which anticonvulsant for women with eclampsia? Evidence from the Collaborative Eclampsia Trial. Lancet. 1995;345:1455–1463.
  8.  
  9. Altman D, Carroli G, Duley L, et al. Do women with pre-eclampsia, and their babies, benefit from magnesium       sulphate? The Magpie Trial: a randomised placebo-controlled trial. Lancet. 2002;359:1877–1890.
  10.  
  11. McCoy S, Baldwin K. Pharmacotherapeutic options for the treatment of preeclampsia. Am J  Health Syst Pharm. 2009;66:337–344.
  12.  
  13. Lindheimer MD, Taler SJ, Cunningham FG. ASH position paper: hypertension in pregnancy. J Clin       Hypertens. 2009;11:214–225.
  14.  
  15. Wagner LK. Diagnosis and management of preeclampsia. Am Fam Physician. 2004;70:2317–2324.
  16.  
  17. Drug information. Micromedex Healthcare Series [subscription required].       www.thomsonhc.com/micromedex2/librarian. Accessed May 21, 2012.

  Ds. Huỳnh Thị Hồng Gấm (Lược Dịch)
  Khoa Dược - BV. Từ Dũ

Ds. Huỳnh Thị Hồng Gấm

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ