Ngày 18/01/2024

Sử dụng Aspirin liều thấp trong phòng ngừa tiền sản giật và tỷ lệ mắc bệnh và tử vong liên quan

    DS. Trần Thị Thu Hiền 

    Khoa Dược (Dịch)

    Aspirin liều thấp được sử dụng phổ biến trong thai kỳ để phòng ngừa hoặc trì hoãn sự khởi phát của tiền sản giật (TSG). Theo khuyến cáo trước đây của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), Hiệp hội Y học Bà mẹ -Thai nhi (SMFM) và Cơ quan Y tế dự phòng Hoa Kỳ (USPSTF), điều trị dự phòng ở phụ nữ mang thai có nguy cơ cao TSG bằng aspirin liều thấp (81 mg/ngày) từ 12 tuần tuổi thai và xem xét điều trị dự phòng ở những đối tượng có nhiều hơn một yếu tố nguy cơ trung bình. Cũng theo ACOG và SMFM, thời gian bắt đầu dùng aspirin liều thấp khoảng từ tuần thứ 12 đến tuần thứ 28 tuổi thai (tốt nhất là trước tuần thứ 16) và duy trì mỗi ngày cho đến khi sinh.

    Khuyến cáo của USPSTF 2021

    Vào tháng 9 năm 2021, USPSTF đã cập nhật các khuyến cáo về việc sử dụng aspirin để phòng ngừa TSG, cũng như tỷ lệ mắc bệnh và tử vong liên quan. Các khuyến cáo chủ yếu dựa trên đánh giá các yếu tố nguy cơ từ tiền sử bệnh của người bệnh. Trong đó, khuyến cáo chính của USPSTF hầu như không thay đổi: sử dụng aspirin liều thấp (81 mg/ngày) sau 12 tuần tuổi thai đối với những người có nguy cơ cao TSG (Cấp độ B). Tuy nhiên, USPSTF đã cập nhật hướng dẫn về các yếu tố nguy cơ trung bình. Cụ thể, USPSTF hiện khuyến cáo dùng aspirin liều thấp cho những người có nhiều hơn một yếu tố nguy cơ trung bình. Đồng thời, USPSTF đã thêm một yếu tố nguy cơ trung bình “Thụ tinh trong ống nghiệm” và sửa đổi yếu tố nguy cơ “Đặc điểm xã hội học” trước đó thành hai yếu tố riêng biệt, bao gồm “Chủng tộc da đen” (thuộc yếu tố xã hội) và “thu nhập thấp”. USPSTF lưu ý rằng, yếu tố “Chủng tộc da đen” và “thu nhập thấp” có liên quan đến gia tăng nguy cơ do sự bất bình đẳng về môi trường, xã hội và lịch sử hình thành nên sức khỏe, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phân bổ nguồn lực không đồng đều, chứ không phải xu hướng sinh học; aspirin liều thấp có thể được xem xét khi không có thêm bất kỳ yếu tố nguy cơ trung bình nào nếu bệnh nhân có một trong các yếu tố nguy cơ này.

    Cập nhật khuyến cáo của ACOG và SMFM

    Theo hướng dẫn cập nhật của USPSTF và các bằng chứng hỗ trợ, ACOG và SMFM sửa đổi khuyến cáo về điều trị dự phòng bằng aspirin liều thấp trong phòng ngừa TSG như sau:

    • Những phụ nữ mang thai có nguy cơ cao TSG với một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ sau:

    - Tiền sử TSG, đặc biệt khi có kết cục thai kỳ bất lợi

    - Đa thai

    - Tăng huyết áp mãn tính

    - Bệnh tiểu đường tuýp 1 hoặc 2 trước khi mang thai

    - Bệnh thận

    - Bệnh tự miễn (lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng kháng phospholipid)

    - Sự kết hợp của nhiều yếu tố nguy cơ trung bình

    Những yếu tố nguy cơ này luôn có mối liên quan đến nguy cơ TSG nặng. Tỷ lệ mắc TSG có thể ít nhất là 8% ở những người mang thai có một trong những yếu tố nguy cơ cao.

    • Những phụ nữ mang thai có nhiều hơn một trong số các yếu tố nguy cơ trung bình như sau:

    - Con so

    - Béo phì (BMI > 30)

    - Tiền sử gia đình bị TSG (mẹ hoặc chị, em gái)

    - Chủng tộc da đen (như là đại diện cho sự phân biệt chủng tộc)

    - Thu nhập thấp

    - Tuổi từ 35 trở lên

    - Tiền sử bệnh (cân nặng khi sinh thấp hoặc nhỏ so với tuổi thai, kết cục thai kỳ bất lợi trước đó, khoảng cách mang thai >10 năm)

    - Thụ tinh trong ống nghiệm

    Những yếu tố này có liên quan độc lập với nguy cơ TSG trung bình, một số nhất quán hơn những yếu tố khác. Sự kết hợp của nhiều yếu tố nguy cơ trung bình có thể mang lại nguy cơ TSG cao hơn.

    Ngoài ra, aspirin liều thấp còn có thể được xem xét sử dụng khi bệnh nhân có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ trung bình như: Chủng tộc da đen hoặc thu nhập thấp. Nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe chủ yếu là sự phân biệt chủng tộc, chứ không phải do chủng tộc. Tuy nhiên, vẫn chưa có công cụ đầy đủ để đo lường sự ảnh hưởng của phân biệt chủng tộc. Trong tài liệu này, chủng tộc da đen đóng vai trò đại diện cho sự phân biệt chủng tộc tiềm ẩn. Những yếu tố này có liên quan đến gia tăng nguy cơ do sự bất bình đẳng về môi trường, xã hội, cấu trúc và lịch sử hình thành nên sức khỏe, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sự phân bổ tài nguyên không đồng đều, chứ không phải do xu hướng sinh học.

    Khuyến cáo nên bắt đầu dùng aspirin liều thấp từ tuần thứ 12 đến tuần thứ 28 tuổi thai (tốt nhất là trước tuần thứ 16) và duy trì mỗi ngày cho đến khi sinh.

    Cân nhắc thực hiện

    Có bằng chứng hỗ trợ cho việc sử dụng phương pháp tiếp cận dựa trên đánh giá yếu tố nguy cơ để xác định xem có nên sử dụng aspirin liều thấp cho người mang thai hay không. Do đó, bác sĩ sản phụ khoa và các nhân viên y tế khác cần thực hiện theo các quy trình sàng lọc đầy đủ để xác định mức độ nguy cơ phù hợp. Tuy nhiên, tại một số cơ sở y tế, đa số bệnh nhân có nguy cơ TSG cao hoặc trung bình, do đó đều thuộc nhóm đối tượng cần được điều trị dự phòng bằng aspirin liều thấp. Trong những trường hợp này, việc sử dụng aspirin liều thấp cho tất cả bệnh nhân có thể hợp lý về mặt y tế.

    Nội dung thực hành này đóng vai trò là bản cập nhật tạm thời cho tất cả các hướng dẫn và tài liệu của ACOG  và SMFM liên quan về điều trị dự phòng bằng aspirin liều thấp để phòng ngừa TSG cũng như tỷ lệ mắc bệnh và tử vong liên quan.

    Tài liệu tham khảo

    Low-Dose Aspirin Use for the Prevention of Preeclampsia and Related Morbidity and Mortality. ACOG. 2022. https://www.acog.org/clinical/clinical-guidance/practice-advisory/articles/2021/12/low-dose-aspirin-use-for-the-prevention-of-preeclampsia-and-related-morbidity-and-mortality.

     

    DS. Trần Thị Thu Hiền

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ