Ngày 09/10/2012

Sử dụng thuốc điều trị viêm mũi dị ứng trong thai kỳ

Ds. Hoàng Thị Vinh
Khoa Dược - BV Từ Dũ

   
Viêm mũi dị ứng thường tồn tại từ trước khi mang thai, mặc dù bệnh có thể phát triển hoặc được ghi nhận lần đầu tiên trong thai kỳ. Bệnh nhân viêm mũi dị ứng đôi khi than phiền có triệu chứng hắt hơi nhiều, ngứa mũi, chảy nước mũi, một số bệnh nhân đồng thời bị ngứa và kích ứng mắt. Bệnh viêm mũi sẵn có từ trước có thể xấu đi, cải thiện, hoặc không thay đổi trong thời gian mang thai. Nguyên nhân phổ biến gây viêm mũi dị ứng gồm mạt bụi, nấm mốc, phấn hoa, lông thú vật.

Viêm mũi dị ứng sẵn có khác với viêm  mũi thai kỳ. 

Việc mang thai thường gây ra sung  huyết và phù nề niêm mạc mũi. 20 - 30% phụ nữ mang thai có các triệu chứng nghẹt mũi khi mang thai, tình trạng này gọi là viêm mũi thai kỳ. Viêm mũi thai kỳ có thể được định nghĩa là các triệu chứng về mũi trong thời gian mang thai, kéo dài sáu hoặc nhiều tuần mà không có dấu hiệu khác của nhiễm trùng đường hô hấp và nguyên nhân gây dị ứng không rõ, biến mất hoàn toàn trong vòng hai tuần sau khi sinh. Bệnh nhân nghẹt mũi liên tục, kèm theo tiết dịch mũi lỏng hoặc nhớt. Nghẹt mũi có thể dẫn đến thở bằng miệng vào ban đêm và giảm chất lượng giấc ngủ. 

Sinh lý bệnh của viêm mũi thai kỳ chưa được biết rõ. Trước đây, viêm mũi thai kỳ được cho là do sự thay đổi nồng độ estrogen và / hoặc progesterone, mặc dù có rất ít bằng chứng cụ thể chứng minh cho nhận định này. Viêm mũi thai kỳ  thường không cần phải điều trị. Một số biện pháp can thiệp không dùng thuốc có thể hữu ích. Ngoài ra, có một số thuốc đã được nghiên cứu sử dụng trong viêm mũi thai kỳ, mặc dù không có thuốc nào thể hiện hiệu quả rõ ràng. 
      
Dữ liệu cho thấy viêm mũi không ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả của thai kỳ. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được, bệnh viêm mũi có thể gián tiếp ảnh hưởng đến thai bằng cách ảnh hưởng đến dinh dưỡng thai kỳ, giấc ngủ, hoặc căng thẳng.  Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy viêm mũi không kiểm soát được có thể là nguyên nhân gây ra ngáy ngủ, điều này có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp thai kỳ, tiền sản giật và thai chậm phát triển trong tử cung, Không kiểm soát  được bệnh viêm mũi cũng có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn đi kèm hoặc dẫn đến viêm xoang trong quá trình mang thai. Vì vậy, điều trị hợp lý bệnh viêm mũi trong thời kỳ mang thai có thể giúp người phụ nữ tránh khỏi tiếp xúc với các loại thuốc khác, chẳng hạn như thuốc kháng sinh và các glucocorticoid đường  uống.

Thuốc sử dụng trong điều trị viêm  mũi dị ứng cho phụ nữ mang thai gồm có:

1. Natri cromolyn xịt mũi: có thể được coi là một liệu pháp hàng đầu cho viêm mũi dị ứng nhẹ trong thai kỳ do có tính an toàn cao. Natri cromolyn được hấp thu tối thiểu vào hệ tuần hoàn, và được Cục quản lý dược và thực phẩm Hoa kỳ (FDA) phân loại an toàn mức độ B. Không có dữ liệu an toàn cụ thể cho các dạng bào chế dùng đường mũi hay thuốc  nhỏ mắt, mặc dù ba nghiên cứu trên hơn 600 phụ nữ mang thai, bao gồm cả những  người mang thai ba tháng đầu, không phát hiện bất kỳ sự gia tăng nguy cơ khuyết tật bẩm sinh nào với natri cromolyn dạng hít.

Liều lượng của thuốc xịt mũi cromolyn là một nhát xịt mỗi bên mũi lên đến sáu lần mỗi ngày. Sự cần thiết phải dùng thuốc thường xuyên, và hiệu quả thấp hơn so với các phương pháp điều trị mới hơn, đã giới hạn các tiện ích của cromolyn natri. Tuy nhiên, do tính an toàn và có thể mua mà không cần toa bác sĩ giúp cho cromolyn dạng xịt mũi trở thành một lựa chọn khởi đầu hợp lý cho nhiều bệnh nhân. Có thể sử dụng thêm liệu pháp thứ hai đối với những người có triệu chứng kéo dài sau 2-4 tuần sử dụng cromolyn đường mũi.
 
2. Glucocorticoid dạng xịt mũi:
Dựa trên các dữ liệu sẵn có về tính an toàn của các chế phẩm glucocorticoid dạng hít với liều cao hơn dạng xịt mũi,  glucocorticoid đường mũi có hiệu quả cao đối với viêm mũi dị ứng và được coi là  thích hợp để sử dụng trong thai kỳ. Phụ nữ có thai nên sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả.

Không có sự khác biệt lớn về hiệu quả hoặc tính an toàn giữa các dạng bào chế glucocorticoid dùng đường mũi. Như  vậy, nếu một bệnh nhân đã sử dụng bất kỳ chế phẩm glucocorticoid đường mũi nào và được kiểm soát tốt, việc tiếp tục sử dụng chế phẩm đó trong thời gian mang thai là điều hợp lý. Một số nhà lâm sàng chọn budesonide nếu bắt đầu  glucocorticoid đường mũi lần đầu tiên trong thời kỳ mang thai, vì thuốc này được phân loại mức độ an toàn loại B, trong khi hầu hết các glucocorticoid khác được phân loại C.
   
3. Thuốc kháng histamin:

Thuốc kháng histamin ít hiệu quả trong điều trị viêm mũi dị ứng so với glucocorticoid đường mũi, đặc biệt là để làm giảm nghẹt mũi và chảy nước mũi trong. Một số nghiên cứu đã đánh giá sự an toàn của thuốc kháng histamin trong thời kỳ mang thai. Hầu hết phụ nữ mang thai có nhu cầu dùng thuốc kháng histamin thích hợp nhất với thế hệ hai, bởi vì các  thuốc này ít có tác dụng an thần và tác dụng phụ cholinergic cũng thấp hơn so với thế hệ một.
 
Loratadine (10 mg một lần mỗi ngày) và cetirizine (10 mg một lần mỗi ngày) có thể được coi là lựa chọn đầu tay trong số các thuốc kháng histamin thế hệ hai  trong thời kỳ mang thai. Đã có dữ liệu an toàn cho các thuốc này trên một số lượng lớn bệnh nhân mang thai.

Các thuốc kháng histamin thế hệ một có mặt phổ biến trên thị trường, không tốn kém, và có thể hữu ích trong trường hợp mất ngủ. Trong số các thuốc thế hệ một, chlorpheniramin được đề nghị là lựa chọn đầu tay để sử dụng trong thai kỳ. Liều dùng của chlorpheniramin là 4 mg mỗi 4-6 giờ. Tổng liều không được vượt quá 24 mg mỗi ngày.
 
Thuốc xịt mũi kháng histamin: Không có dữ liệu về tính an toàn trên người của azelastine hoặc olopatadine dạng xịt mũi, mặc dù nghiên cứu trên động vật cho thấy an toàn. Cho đến khi có thêm thông tin, nên tránh sử dụng các loại thuốc này trong thời kỳ mang thai, trừ khi bệnh nhân chỉ đáp ứng với duy nhất một trong hai thuốc trên trước khi mang thai.
 
4. Thuốc thông mũi:
Thuốc thông mũi là những thuốc co mạch có mặt trên thị trường ở dạng uống và dạng xịt mũi.
 
Thuốc thông mũi dùng tại chỗ: Thuốc thông mũi dạng xịt có thể được sử dụng trong thời gian ngắn (ví dụ, ba ngày hoặc ít hơn) để làm giảm tạm thời tình trạng nghẹt mũi nặng. Có một số dữ liệu về tính an toàn trên người của oxymetazoline dùng đường mũi. Sử dụng ngắn hạn (tức là, ba ngày hoặc ít hơn) có thể chấp nhận trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, bệnh nhân nên được cảnh báo về sự phụ thuộc thuốc nếu sử dụng kéo dài.
Thuốc thông mũi đường uống: Tốt nhất nên hoàn toàn tránh sử dụng thuốc thông mũi đường uống trong 3 tháng đầu thai kỳ do nguy cơ không chắc chắn về một dị tật bẩm sinh hiếm gặp mà các thuốc này gây ra, đó là hở thành bụng.     
Phenylephrine: Nên tránh sử dụng phenylephrine trong thời kỳ mang thai vì hiệu quả không chắc chắn và tính an toàn chưa rõ ràng.
 
5. Thuốc kháng histamin và thuốc thông mũi kết hợp:

Bệnh nhân viêm mũi dị ứng có triệu chứng nghẹt mũi đáng kể thường báo cáo giảm triệu chứng nhiều hơn khi được điều  trị kết hợp một thuốc kháng histamin và pseudoephedrin so với sử dụng đơn lẻ một trong hai loại thuốc trên. Tuy nhiên, vì pseudoephedrin được khuyến cáo nên tránh sử dụng trong tam cá nguyệt đầu, glucocorticoid xịt mũi là lựa chọn thay thế phù hợp cho phụ nữ mang thai. Thuốc xịt glucocorticoid có hiệu quả đặc biệt trong việc làm giảm nghẹt mũi.

Tài liệu tham khảo:

1. Recognition and management of allergic disease during pregnancy,  UpToDate 2011.
2. Which medicines can be used to treat intermittent allergic rhinitis  during pregnancy?, Alexandra Denby, London Medicines Information  Service, 2012.

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ