Ngày 18/03/2014

Thai chậm tăng trưởng trong ba tháng đầu và nguy cơ trẻ mắc bệnh tim mạch sau này

    Ds. Đặng Thị Thuận Thảo (Dịch)
    Khoa Dược - BV Từ Dũ

    Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí y khoa Anh (BMJ) đã chỉ ra sự liên quan giữa thai chậm tăng trưởng trong 3 tháng đầu thai kỳ và nguy cơ trẻ mắc bệnh tim mạch sau này.

    Tốc độ phát triển bào thai cao nhất trong ba tháng đầu của thai kỳ vì đây là thời gian hình thành cơ quan tim mạch và cơ quan chuyển hóa.

    Sự phát triển của bào thai trong thời gian này bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm cả tuổi của người mẹ (bất kể người mẹ có hút thuốc lá, thuộc dân tộc nào và tình trạng huyết áp như thế nào). Có nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến kích thước bào thai trong 3 tháng đầu thai kỳ.

    Mặc dù các nghiên cứu trước đó đã tìm thấy mối liên quan giữa cân nặng khi sinh thấp và nguy cơ bệnh tim, nhưng lúc đó các nhà nghiên cứu vẫn chưa rõ về mối liên hệ giữa thai chậm tăng trưởng trong ba tháng đầu thai kỳ và nguy cơ trẻ mắc bệnh tim mạch sau này.

    Các nhà nghiên cứu ở Hà Lan đã nghiên cứu 1.184 trẻ em, chia thành các nhóm dựa trên kích thước bào thai  đo được qua siêu âm trong ba tháng đầu thai kỳ. Lúc 6 tuổi, các em được kiểm tra các yếu tố nguy cơ bệnh tim như: các chỉ số khối cơ thể (BMI), sự phân phối chất béo trong cơ thể (khối lượng chất béo của cơ thể), huyết áp, nồng độ Cholesterol và nồng độ Insulin. Kết quả nghiên cứu cho thấy những trẻ có kích thước bào thai nhỏ trong ba tháng đầu thai kỳ có nhiều yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch lúc 6 tuổi. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng những đứa trẻ có kích thước bào thai nhỏ nhất trong 3 tháng đầu thai kỳ có yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch lớn hơn đáng kể so với những đứa trẻ có kích thước bào thai lớn hơn trong ba tháng đầu thai kỳ. Các trẻ em có kích thước bào thai nhỏ trong 3 tháng đầu thai kỳ có khối lượng chất béo, huyết áp và Cholesterol cao.

    Cân nặng khi sinh thấp và kích thước bào thai nhỏ trong 3 tháng đầu thai kỳ không phải là nguyên nhân của vấn đề tim mạch của trẻ trong tương lai, nhưng là những triệu chứng của các yếu tố có ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi trong thai kỳ.

    Các nhà khoa học vẫn chưa biết nhiều về những vấn đề liên quan đến sự phát triển của thai có thể dẫn đến bệnh tim mạch, vì vậy cần có thêm những nghiên cứu về kích thước bào thai qua siêu âm vào 3 tháng đầu là cần thiết.

    Nghiên cứu cũng cho rằng mặc dù bệnh tim một phần có thể bắt nguồn từ các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển bào thai trong 3 tháng đầu, ngoài ra có thể còn có yếu tố góp phần từ người mẹ trong giai đoạn tiền thụ thai như dinh dưỡng kém, thiếu máu hoặc hút thuốc.
    Mặc dù nghiên cứu này cho thấy rằng 3 tháng đầu là một giai đoạn quan trọng của sự phát triển cơ quan tim mạch và chuyển hóa, nhưng kích thước bào thai nhỏ trong 3 tháng đầu thai kỳ không phải sẽ luôn dẫn đến các vấn đề về tim mạch sau này ở trẻ. Trong thực tế, các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch mà các nhà nghiên cứu quan sát thấy ở trẻ em 6 tuổi đều thấp, và không ai trong số các trẻ bị bệnh tim mạch.

    Các tác giả của nghiên cứu thừa nhận rằng một số kết quả của họ có thể đã phát sinh một cách tình cờ. Trong kết luận của nghiên cứu, các nhà nghiên cứu nói rằng "số lượng lớn các bài kiểm tra thống kê đã có thể dẫn đến dương tính giả. Và một số phụ nữ mang thai có thể đã được phân loại không chính xác, bởi vì rất khó để biết được chính xác tuổi thai vào thời điểm đo kích thước bào thai”.

    Hiệp hội Tim mạch của Anh (BHF) cũng đã ban hành một tuyên bố dựa trên những phát hiện của nghiên cứu:"3 tháng đầu thai kỳ là một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của trẻ, và nghiên cứu này cho thấy rằng sự phát triển của thai nhi trong thời gian này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của trẻ sau này”. "Nếu bạn đang mang thai, hoặc kế hoạch mang thai, bạn nên suy nghĩ về sức khỏe tim mạch của em bé của bạn cũng như của riêng bạn. Tuy nhiên cần thêm những nghiên cứu về vấn đề này"

    Tài liệu tham khảo:

    David McNamee (Jan, 2014), Small fetal size in pregnancy could indicate future heart problems, British Medical Journal 

    Ds. Đặng Thị Thuận Thảo

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ