Ngày 07/06/2012

Thông báo về an toàn thuốc của FDA : Cảnh báo mới về việc sử dụng terbutaline để điều trị dọa sanh non

     

    Thông báo về mức độ an toàn

    Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm của Hoa Kỳ (FDA) đưa ra cảnh báo không nên dùng terbutaline tiêm cho phụ nữ mang thai để phòng ngừa hoặc điều trị kéo dài (trên 48-72 giờ) dọa sanh non tại bệnh viện hay cho người bệnh ngoại trú do thuốc có khả năng gây tử vong và phản ứng có hại nghiêm trọng trên tim của mẹ. Cơ quan này yêu cầu phải bổ sung thông tin về Cảnh báo và Chống chỉ định trên nhãn thuốc của terbutaline tiêm. Ngoài ra, terbutaline đường uống không được dùng để phòng ngừa hay điều trị dọa sanh non vì hoạt chất này không có hiệu quả và độ an toàn tương đương. FDA cũng yêu cầu ghi thêm thông tin về Cảnh báo và Chống chỉ định trên nhãn thuốc của terbutalin dạng viên.

    Terbutaline được chấp thuận để phòng ngừa và điều trị co thắt phế quản có liên quan đến hen suyễn, viêm phế quản, và khí thũng. Thuốc này đôi khi được sử dụng ngoài chỉ định ghi trên thông tin kê toa (off-label) trong các trường hợp sản khoa cấp tính, bao gồm điều trị dọa sanh non và điều trị cơn co tử cung tăng. Terbutaline cũng có thể được sử dụng off-label trong khoảng thời gian dài hơn để ngừa dọa sanh non tái phát.

    Mặc dù việc sử dụng terbutaline tiêm trong các tình huống sản khoa khẩn cấp tại bênh viện là phù hợp trên lâm sàng, nhưng dùng kéo dài thuốc này để ngăn ngừa dọa sanh non tái phát có thể gây ra phản ứng có hại trên tim và tử vong. Terbutaline không được sử dụng cho người bệnh ngoại trú hoặc tại nhà.

    Yêu cầu bổ sung thông tin cho mục Cảnh báo và Chống chỉ định dựa trên thông tin mới về tính an toàn đã được FDA phê duyệt. Đặc biệt, FDA còn xem xét dữ liệu của y văn và các báo cáo về mức độ an toàn sau khi đưa ra thị trường của terbutaline được dùng trong các chỉ định sản khoa (xem tóm tắt dữ liệu dưới đây7).1-6 Những thay đổi này phù hợp với thông báo của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG).6

    Một số thông tin cho thầy thuốc

       
    • Cần biết rằng tử vong và các phản ứng có hại nghiêm trọng, bao gồm tăng nhịp tim, tăng đường huyết tạm thời, hạ kali huyết, loạn nhịp tim, phù phổi, và thiếu máu tim cục bộ đã được báo cáo sau khi sử dụng kéo dài terbutaline đường uống hoặc đường tiêm đối với thai phụ.
    •  
    • Không nên tiêm hay truyền tĩnh mạch liên tục terbutaline kéo dài trên 48 đến 72 giờ. Dạng đặc biệt là, terbutaline dạng (hoặc đường) tiêm không được sử dụng cho người bệnh ngoại trú  hoặc tại nhà.
    •  
    • Đối với một số bệnh lý sản khoa, thầy thuốc có thể quyết định dùng terbutaline tại bệnh viện cho từng trường hợp cụ thể sau khi cân nhắc lợi ích đạt được lớn hơn nguy cơ xảy ra.
    •  
    • Terbutaline đường uống bị chống chỉ định trong điều trị hay phòng ngừa dọa sanh non.
    •  
    • Báo cáo những biến cố có hại liên quan đến terbutaline cho chương trình FDA MedWatch.

    Tóm tắt dữ liệu
    Tháng 11/1997, FDA đã thông báo cho các thầy thuốc những thông tin về  mức độ an toàn khi tiêm dưới da kéo dài terbutaline. Phần Thận trọng trong thông tin kê toa đã được cập nhật để cảnh báo về các phản ứng có hại nghiêm trọng, bao gồm các biến cố tim mạch thể xảy ra sau khi sử dụng terbutaline cho phụ nữ đang chuyển dạ.

    Các ấn bản trong y văn đã báo cáo về việc thiếu độ an toàn và hiệu quả trong trường hợp dùng terbutaline để điều trị dọa sanh  non tái phát.2-5 Mặc dù FDA đã đưa ra thông báo và có sự thay đổi  nhãn thuốc, tình trạng dùng terbutaline kéo dài vẫn xảy ra, dẫn đến những biến chứng nặng đôi khi tử vong.

    FDA đã xem xét các báo cáo sau khi đưa thuốc ra thị trường về tử vong mẹ và phản ứng có hại nghiêm trọng trên tim mạch, đã được gửi cho Hệ thống báo cáo biến cố có hại (AERS) có liên quan đến sử dụng terbutaline trong sản khoa.

    Một nghiên cứu của AERS đã xác nhận 16 trường  hợp tử vong mẹ được báo cáo từ khi đưa thuốc ra thị trường vào năm 1976 cho đến năm 2009. Có 3/16 ca báo cáo bệnh nhân dùng ngoại viện terbutaline bằng cách tiêm dưới da, 9 ca sử dụng đơn thuần terbutaline đường uống hoặc kết hợp với terbutaline đường tiêm dưới da hay tĩnh mạch. Trong số 9 ca này, có 2 ca dùng ngoại viện terbutaline đường uống và 7 ca liên quan đến sử dụng nội viện terbutaline đường uống. Đường dùng thuốc của 4 ca còn lại là tiêm dưới da, tiêm tĩnh mạch, hoặc không rõ đường dùng.

    FDA đã phát hiện 12 trường hợp mẹ bị phản ứng  có hại nghiêm trọng trên tim mạch có liên quan đến việc sử dụng terbutaline, đã  được báo cáo cho AERS từ 01/01/1998 (sau thông báo của FDA) đến 07/2009. Các  phản ứng này bao gồm loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, phù phổi, tăng huyết áp, và nhịp tim nhanh. 3/12 trường hợp này tiêm dưới da terbutaline. Có 5 ca dùng đơn  thuần terbutaline đường uống hay kết hợp với terbutaline tiêm dưới da. Trong số 5 ca này, có 3 ca dùng ngoại viện terbutaline đường uống và 2 ca sử dụng nội viện terbutaline đường uống.

    Tóm lại, dựa vào những thông tin trên, FDA đã  đưa ra kết luận rằng nguy cơ mắc các biến cố có hại nghiêm trọng lớn hơn lợi  ích đối với thai phụ được điều trị kéo dài bằng terbutaline đường tiêm (trên 48-72 giờ), hoặc điều trị khẩn cấp hay lâu dài bằng terbutaline đường uống. FDA  yêu cầu phải thêm thông tin vào mục Cảnh báoChống chỉ định của nhãn thuốc terbutaline để cảnh báo cho các thầy thuốc về những nguy cơ này.

    DS. Nguyễn Thị Thúy Anh (Dịch)
    Thông Tin Thuốc, P. Dược Lâm Sàng – BV Từ Dũ

     

    Tài liệu tham khảo

    1.  National Asthma Education and Prevention Program (NAEPP). Working Group Report  on Managing Asthma During Pregnancy: Recommendations for Pharmacologic Treatment—Update 2004. NIH Publication No. 05-5236. Bethesda, MD: U.S. Department of Health and Human Services; National Institutes of Health; National Heart, Lung, and Blood Institute, 2004. Available from: http://www.nhlbi.nih.gov/health/prof/lung/asthma/astpreg/astpreg_full.pdf8. Accessed November 19, 2010.
    2.  Wenstrom KD, Weiner CP, Merrill D, et al. A placebo-controlled randomized trial of the terbutaline pump for prevention of preterm delivery. Am J Perinatol.  1997;14:87-91.
    3.  Guinn DA, Goepfert AR, Owen J, et al. Terbutaline pump maintenance therapy for prevention of preterm delivery: a double-blind trial. Am J Obstet Gynecol.  1998;179:874-878.
    4.  Sanchez-Ramos L, Kaunitz AM, Gaudier FL, et al. Efficacy of maintenance therapy after acute tocolysis: a meta-analysis. Am J Obstet Gynecol. 1999;181:484-490.
    5.  Berkman ND, Thorp JM, Lohr KN, et al. Tocolytic treatment for the management of preterm labor: a review of the evidence. Am J Obstet Gynecol. 2003;188:1648-1659.
    6.  American College of Obstetricians and Gynecologists (ACOG). ACOG Practice Bulletin. Clinical management guidelines for obstetrician-gynecologist. No. 43. Management of preterm labor. Obstet Gynecol. 2003;101:1039-1047.

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ