Thông tin thuốc tháng 05/2022
I. Sơ lược về vi khuẩn Stenotrophomonas maltophilia
Stenotrophomonas maltophilia là một loại trực khuẩn gram âm đa kháng, là tác nhân gây bệnh cơ hội có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao ở những người bị suy giảm miễn dịch và suy nhược cơ thể nghiêm trọng. Các yếu tố nguy cơ liên quan đến nhiễm Stenotrophomonas bao gồm nhập viện chăm sóc đặc biệt, nhiễm HIV, bệnh ác tính, xơ nang, giảm bạch cầu trung tính, thở máy, đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm, phẫu thuật gần đây, chấn thương và điều trị trước đó bằng kháng sinh phổ rộng.
Viêm phổi (thường mắc phải ở bệnh viện) và nhiễm khuẩn huyết (thường liên quan đến ống thông) là những biểu hiện phổ biến nhất của nhiễm trùng S.maltophilia. Các biểu hiện ít gặp hơn bao gồm viêm nội tâm mạc, viêm xương chũm, viêm phúc mạc, viêm màng não, nhiễm trùng mô mềm, nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng mắt.
Sự phát triển của S.maltophilia từ các vị trí vô trùng (như máu, dịch màng phổi, hoặc dịch màng bụng) nên được xem là có nhiễm trùng thực sự. Ở những bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng về viêm phổi, việc nuôi cấy S.maltophilia dương tính từ các vị trí ở đường hô hấp nên được xem là có nhiễm trùng; nếu không có triệu chứng lâm sàng về viêm phổi, kết quả cấy S.maltophilia dương tính có thể giải thích là vi khuẩn cư trú hơn là do nhiễm trùng xâm lấn. Tương tự như vậy, việc giải thích dữ liệu nuôi cấy thu được từ các vị trí không vô trùng (ví dụ, ống thông hoặc ống dẫn lưu) cần xem xét đến khả năng là vi khuẩn cư trú không gây bệnh.
II. Thách thức trong điều trị
Thứ nhất, mặc dù S.maltophilia có khả năng gây ra bệnh nghiêm trọng, thường khó phân biệt S.maltophilia là vi khuẩn cư trú hay một tác nhân gây bệnh thực sự. S.maltophilia thường liên quan đến nhiễm trùng do đa vi khuẩn, là thách thức lớn trong quá trình điều trị. Hơn nữa, S.maltophilia còn là một tác nhân gây bệnh có khả năng dẫn đến nguy cơ tử vong cao ở những bệnh nhân có bệnh máu ác tính, do gây viêm phổi xung huyết và nhiễm khuẩn huyết.
Thứ hai, việc lựa chọn phác đồ điều trị gặp nhiều khó khăn do tỉ lệ lớn các gen đề kháng kháng sinh của các chủng S.maltophilia. L1 metallo β-lactamase kháng penicillins, cephalosporins, carbapenems nhưng không kháng aztreonam. L2 metallo β-lactamase kháng cephalosporin phổ rộng và có khả năng thủy phân aztreonam. S.maltophilia có sự đề kháng nội tại đối với các aminoglycoside thông qua các enzym aminoglycoside acetyl transferase. Hơn nữa, S.maltophilia có thể tạo các bơm đẩy thuốc làm giảm hoạt động của tetracycline và fluoroquinolone. Gen Smqnr làm giảm thêm hiệu quả của fluoroquinolone.
Thứ ba, chưa có một phác đồ tiêu chuẩn để điều trị S.maltophilia nên khó có thể so sánh hiệu quả của các phác đồ điều trị khác nhau. Các nghiên cứu so sánh hiệu quả giữa các thuốc thường được sử dụng điều trị S.maltophilia vẫn còn hạn chế . Dữ liệu để xác định phác đồ ưu tiên giữa các thuốc có hoạt tính chống lại S.maltophilia và xác định lợi ích hiệp đồng của các phác đồ điều trị kết hợp thường được sử dụng vẫn chưa đầy đủ.
Thứ tư, thử nghiệm tính nhạy cảm với kháng sinh của S.maltophilia còn hạn chế. Viện tiêu chuẩn lâm sàng và xét nghiệm (CLSI) đã thiết lập các tiêu chí diễn giải MIC cho bảy tác nhân chống lại S.maltophilia: TMP-SMX, ticarcillin-clavulanate, ceftazidime, cefiderocol, levofloxacin, minocycline và chloramphenicol. CLSI không thiết lập tiêu chí độ nhạy cho các polymyxin do thường xảy ra sự ức chế không hoàn toàn sự phát triển của S.maltophilia ở các giếng polymyxin, gợi ý về hiện tượng dị kháng. Vì vậy, không đề xuất polymyxin để điều trị nhiễm trùng S.maltophilia.
III. Cách tiếp cận điều trị theo IDSA 2021
1. Tiếp cận điều trị chung cho nhiễm khuẩn do S.maltophilia
Với nhiễm khuẩn nhẹ, những lựa chọn điều trị được đề xuất là TMP-SMX, minocycline, tigecycline, levofloxacin hoặc cefiderocol; trong đó, đề xuất ưu tiên TMP-SMX và minocycline. Ceftazidime không được đề xuất để điều trị S.maltophilia bất kể mức độ nhiễm khuẩn.
Với nhiễm khuẩn trung bình- nặng, 3 cách tiếp cận điều trị được đề xuất là:
(1) dùng phác đồ kết hợp, ưu tiên TMP-SMX và minocycline
(2) khởi đầu với TMP-SMX đơn độc và bổ sung thuốc thứ hai (minocycline [ưu tiên], tigecycline, levofloxacin hoặc cefiderocol) nếu bệnh nhân chậm cải thiện với TMP-SMX.
(3) phối hợp ceftazidime-avibactam và aztreonam, khi bệnh nhân không dung nạp hoặc không đáp ứng với các thuốc khác.
2. Vai trò của trimethoprim-sulfamethoxazol trong điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia
Phác đồ TMP-SMX đơn độc được ưu tiên trong nhiễm khuẩn nhẹ do S.maltophilia. TMP-SMX đơn độc hoặc sử dụng phối hợp với một kháng sinh khác còn nhạy cảm (ưu tiên hơn) để điều trị đối với nhiễm khuẩn trung bình đến nặng.
3. Vai trò của các dẫn xuất tetracycline trong điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia
Cân nhắc minocycline đơn độc liều cao trong các trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ do S.maltophilia. Phác đồ minocycline liều cao phối hợp với một kháng sinh thứ hai, ít nhất cho đến khi có cải thiện lâm sàng, được đề xuất cho điều trị nhiễm khuẩn S.maltophilia trung bình đến nặng. Ưu tiên minocycline hơn tigecycline, mặc dù tigecycline cũng là một lựa chọn cho điều trị nhiễm khuẩn S.maltophilia.
4. Vai trò của fluoroquinolone trong điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia
Levofloxacin đơn độc là một lựa chọn điều trị cho nhiễm khuẩn nhẹ do S.maltophilia. Việc phát sinh đề kháng trong khi điều trị bằng levofloxacin cũng là một mối lo ngại. Nếu sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn S.maltophilia từ trung bình đến nặng, levofloxacin chỉ nên được sử dụng phối hợp với kháng sinh thứ hai (TMP-SMX, minocycline, tigecycline, cefiderocol).
5. Vai trò của cefiderocol trong điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia
Cefiderocol đơn độc là một lựa chọn điều trị cho nhiễm khuẩn nhẹ do S.maltophilia, mặc dù dữ liệu lâm sàng đối với cefiderocol còn hạn chế. Phối hợp cefiderocol với một kháng sinh nhạy cảm khác, ít nhất cho đến khi lâm sàng cải thiện, được đề xuất để điều trị nhiễm khuẩn S.maltophilia trung bình đến nặng.
6.Vai trò của ceftazidime-avibactam và aztreonam trong điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia
Phối hợp ceftazidime-avibactam và aztreonam được đề xuất để điều trị nhiễm khuẩn S.maltophilia trung bình đến nặng khi TMP-SMX và minocycline đều không phải lựa chọn điều trị khả thi.
7. Vai trò của ceftazidime trong điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia
Ceftazidime không phải là một lựa chọn để điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia vì S.maltophilia có các gen sản xuất β-lactamase nội tại được cho rằng có thể làm bất hoạt ceftazidime.
IV. Liều dùng kháng sinh
Kháng sinh |
Liều người lớn |
Levofloxacin* |
750mg IV/PO mỗi 24h |
Minocycline |
200mg IV/PO mỗi 12h |
Tigecycline |
200mg IV sau đó 100mg IV mỗi 12h |
TMP-SMX* |
Liều tính theo TMP: 8-12mg/kg/ngày IV/PO chia mỗi 8-12h ( tối đa 960 mg TMP/ngày) |
Cefiderocol |
2g IV mỗi 8h, mỗi lần truyền trong 3 giờ |
Ceftazidime-avibactam và aztreonam |
Ceftazidime-avibactam: 2,5 g IV mỗi 8h, mỗi lần truyền trong 3h |
*: Kháng sinh có trong danh mục thuốc nội trú tại BV Từ Dũ
V. Thời gian điều trị
Thời gian điều trị phụ thuộc vào vị trí nhiễm trùng:
- 14 ngày điều trị với nhiễm khuẩn huyết và 7 ngày điều trị với viêm phổi bệnh viện, miễn là đã có bằng chứng cải thiện lâm sàng.
- Thời gian điều trị dài hơn (10 đến 14 ngày) đối với bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.
Ngoài việc điều trị bằng thuốc kháng sinh, một số bệnh nhiễm trùng có thể cần các biện pháp can thiệp bổ sung, chẳng hạn như loại bỏ ống thông hoặc băng vết thương. Ví dụ, đối với nhiễm trùng huyết liên quan đến catheter, việc loại bỏ catheter là rất quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tái phát.
Tài liệu tham khảo:
1. Tamma PD, Aitken SL, Bonomo RA, Mathers AJ, van Duin D, Clancy CJ. Infectious Diseases Society of America Guidance on the Treatment of AmpC β-lactamase-Producing Enterobacterales, Carbapenem-Resistant Acinetobacter baumannii, and Stenotrophomonas maltophilia Infections. Infectious Diseases Society of America 2021; Version 2.0.
2. Sarah S Lewis, MD, Aimee Zaas, MD, MHS (2022). Stenotrophomonas maltophilia. Uptodate. Truy cập ngày 09/05/2022
Sốt là triệu chứng phổ biến trong thực hành lâm sàng hàng ngày và một số lượng lớn người bệnh nhập viện do sốt. Nhiều người bệnh được dùng thuốc kháng sinh, thuốc kháng vi-rút, thuốc kháng nấm hoặc thuốc kháng ký sinh trùng, nếu coi nhiễm trùng là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, thuốc được dùng để điều trị có thể là nguyên nhân tiềm ẩn gây sốt trong bối cảnh như vậy
Năm 2024, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã ban hành hướng dẫn về việc sử dụng doxycyclin dự phòng sau phơi nhiễm (doxy-PEP) để phòng ngừa bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI). Dự phòng sau phơi nhiễm là một chiến lược hoá trị dự phòng, trong đó thuốc được dùng sau khi có khả năng phơi nhiễm để ngăn ngừa nhiễm trùng. Đây là một chiến lược phòng ngừa phổ biến và hiệu quả đối với HIV và các bệnh nhiễm trùng khác, chẳng hạn như bệnh dại và uốn ván. Doxycyclin là một kháng sinh nhóm tetracyclin phổ rộng dung nạp tốt và được khuyến cáo điều trị bệnh chlamydia và là phương pháp thay thế trong điều trị giang mai ở những bệnh nhân không có thai.
Việc bẻ, nghiền viên nén không bao, bao phim, bao đường hoặc mở viên nang giải phóng dược chất tức thì không làm thay đổi sinh khả dụng của thuốc và giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt hơn
Trẻ em không phải người lớn thu nhỏ. Các yếu tố dược động học ở trẻ sơ sinh thay đổi liên tục do sự phát triển nhanh về sinh lý. Tiêm tĩnh mạch thường được sử dụng trong điều trị cho trẻ sơ sinh, đặc biệt khi trẻ đang điều trị tại đơn vị chăm sóc tích cực. Khi tiêm tĩnh mạch, hiệu quả gần như tức thời. Hầu hết các loại thuốc tiêm tĩnh mạch cho trẻ sơ sinh có những yêu cầu riêng về độ pha loãng và/hoặc tốc độ truyền.
Trong giai đoạn năm 2018-2021, Mạng lưới An toàn Chăm sóc Sức khỏe Quốc gia (NHSN) đã báo cáo rằng 0,4% (n = 1.951) các ca nhiễm trùng mắc phải tại bệnh viện (HAI) ở Hoa Kỳ nguyên nhân do Acinetobacter spp. gây ra. Trong số này có 28-45% không nhạy cảm với kháng sinh carbapenem (tức là trung gian hoặc đề kháng).
Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng (RCT), BLING III cung cấp bằng chứng việc sử dụng truyền liên tục (CI) so với truyền ngắt quãng piperacillin/tazobactam và meropenem trên bệnh nhân nặng bị nhiễm trùng huyết. Điều này được củng cố bởi một đánh giá tổng quan hệ thống và phân tích tổng hợp (SRMA) của 18 RCT về CI hoặc truyền kéo dài (EI) (thời gian từ 3–4 giờ) các kháng sinh beta-lactam. Thách thức hiện nay là chuyển đổi CI như một tiêu chuẩn chăm sóc cho bệnh nhân nặng bị nhiễm trùng huyết. Các cân nhắc chính bao gồm các vấn đề sau: