Ngày 13/06/2018

Thông tin thuốc tháng 06/2018

    MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA NHÓM KHÁNG SINH AMINOGLYCOSID

    Nhóm Aminoglycosid là một trong những kháng sinh lâu đời nhất, bắt đầu bởi sự ra đời của streptomycin phân lập từ vi khuẩn Streptomyces griseus năm 1944. Giống như penicillin, những tác nhân này ban đầu có hoạt tính trên cả vi khuẩn Gram âm và Gram dương. Tuy nhiên, khác với  penicillin, nhóm aminoglycosid vẫn duy trì hiệu quả chống lại nhiều loại vi khuẩn mặc dù đã được sử dụng hơn 30 năm và là những kháng sinh thông dụng hiện nay.

    Hai đặc điểm dược lực học quan trọng của nhóm aminoglycosid là diệt khuẩn phụ thuộc nồng độ và hiệu ứng hậu kháng sinh. Trong thực hành lâm sàng, nhóm aminoglycosid thường được sử dụng (đa số phối hợp với những kháng sinh khác) trong những trường hợp nhiễm khuẩn nặng, chẳng hạn như nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn hô hấp mắc phải tại bệnh viện, nhiễm trùng niệu có biến chứng, nhiễm trùng ổ bụng có biến chứng, và viêm cơ xương gây bởi trực khuẩn Gram âm hiếu khí. Một khi đã xác định được vi khuẩn gây bệnh cũng như tính nhạy cảm, nhóm aminoglycosid thường được ngưng sử dụng, ưu tiên cho những kháng sinh ít độc tính hơn để hoàn thiện liệu trình điều trị.

    Nhóm aminoglycosid có hoạt tính rất tốt trên vi khuẩn Gram âm hiếu khí. Các kháng sinh này thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do các vi khuẩn họ Enterobacteriaceae và Pseudomonas aeruginosa. Do kết quả trong các nghiên cứu trên động vật ít khả quan, nhóm aminoglycosid thường được sử dụng kết hợp với một kháng sinh khác, ngay cả trong trường hợp các chủng vi khuẩn nhạy cảm cao với nhóm aminoglycosid. Hoạt tính trên vi khuẩn Gram dương hiếu khí thấp hơn. Khả năng đi vào tế bào của  nhóm aminoglycosid được tăng cường bởi những kháng sinh ức chế sự tổng hợp thành tế bào, ví dụ như nhóm beta-lactam và vancomycin. Do đó, ở một số vi khuẩn Gram dương hiếu khí như enterococci, nhóm aminoglycosid có tác dụng hiệp đồng khi sử dụng với những tác nhân này ngay cả khi vi khuẩn đề kháng ở mức độ trung gian với aminoglycosid. Liều aminoglycosid thấp hơn được dùng khi phối hợp với các kháng sinh có hoạt tính trên thành tế bào để điều trị vi khuẩn Gram dương hiếu khí. Một số kháng sinh nhóm aminoglycosid cũng có hoạt tính đối với một vài chủng Mycobacteria, chẳng hạn như Mycobacterium tuberculosis Mycobacterium avium.

    Streptomycin

    Streptomycin là kháng sinh nhóm aminoglycosid lâu đời nhất, ngày nay hiếm khi được sử dụng. Streptomycin vẫn là lựa chọn thứ hai trong điều trị bệnh lao. Ngoài ra, do sự khác biệt về cơ chế kháng thuốc, streptomycin vẫn có hiệu quả đối với một số chủng enterococci có khả năng kháng gentamicin và các aminoglycosid khác.

     

    Gentamicin

    Gentamicin là kháng sinh nhóm aminoglycosid được sử dụng phổ biến nhất, có hoạt tính trên cả vi khuẩn Gram âm và vi khuẩn Gram dương hiếu khí.

    Tobramycin

    Đối với mục đích thực hành, tobramycin có cùng hoạt tính như gentamicin và được sử dụng tương tự. Nói chung, hầu hết các chủng kháng gentamicin cũng ít nhạy cảm với tobramycin. Tuy nhiên, khác với gentamicin, tobramycin kém hoạt tính trên  enterococci và không nên sử dụng cho các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn này gây ra.

    Amikacin

    Các chủng vi khuẩn Gram âm hiếu khí đề kháng với gentamicin và tobramycin có thể vẫn còn nhạy cảm với amikacin. Do đó, amikacin có hoạt tính tổng thể tốt hơn đối với những vi khuẩn này. Tuy nhiên, giống như tobramycin, amikacin kém hoạt tính đối với enterococci.

    Độc tính

    Yếu tố chính hạn chế việc sử dụng nhóm aminoglycosid là độc tính của chúng. Các thuốc này liên quan đến độc tính trên thận và độc tính trên tai với tần số tương đối cao.

    Aminoglycosid thâm nhập vào tế bào kém ngoại trừ các tế bào ống thận gần, nơi các thuốc này tích tụ. Kết quả là, khoảng 5% đến 10% bệnh nhân sử dụng aminoglycosid sẽ xuất hiện độc tính trên thận hoặc giảm chức năng thận. Tỷ lệ mắc bệnh có thể lên đến 50% ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ đối với độc tính, chẳng hạn như tuổi cao và tiếp xúc đồng thời với các chất gây độc thận khác. Điều may mắn là tổn thương trên thận thường có thể đảo ngược, và chức năng thận thường hồi phục sau khi ngưng thuốc. Lưu ý rằng độc tính thận thường chỉ được ghi nhận sau 4 đến 5 ngày điều trị. Do đó, aminoglycosid khá an toàn khi sử dụng trong một thời gian ngắn, nguy cơ người bệnh gặp phải tác dụng không mong muốn này là không đáng kể.

    Độc tính trên tai gồm hai loại: suy giảm thính giác, có thể dẫn đến mất thính lực không thể hồi phục, và độc tính tiền đình, dẫn đến rối loạn cân bằng. Streptomycin có  liên quan đến tỷ lệ độc tính tiền đình đặc biệt cao.

    Việc sử dụng aminoglycosid với chế độ liều một lần mỗi ngày giúp tối ưu hóa tác dụng diệt khuẩn, đồng thời giúp giảm tối thiểu độc tính trên thận.

     

    Tài liệu tham khảo:

    1. Alan R. Hauser (2013). “Antibiotic Basics for Clinicians: the ABCs of choosing the right antibacterial agent”. 2nd edition. Lippincott Williams & Wilkins.
    2. Burke A. Cunha, MD, MACP. “Antibiotic esstentials”. 14th edition. Jones & Barlett Learning.
    3. Uptodate 21.2.
    Pharm. Hoang Thi Vinh

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ