Ngày 01/12/2017

Thông tin thuốc tháng 11/2017: Cập nhật thông tin về chủng ngừa vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván ở phụ nữ mang thai

    Hiệp hội sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến cáo như sau:

    - Vắc xin chứa giải độc tố uốn ván, giải độc tố bạch hầu và ho gà không tế bào (Tdap) nên được chủng ngừa cho tất cả các phụ nữ mang thai trong mỗi thai kỳ, càng sớm càng tốt từ 27 –  36 tuần tuổi thai.

    - Phụ nữ mang thai nên được tư vấn rằng việc chủng ngừa vắc xin Tdap trong mỗi thai kỳ là an toàn và quan trọng để đảm bảo rằng mỗi trẻ sinh ra được bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh ho gà.

    - Các bác sĩ sản phụ khoa được khuyến khích cung cấp và quản lý vắc xin Tdap tại phòng khám.

    - Các thành viên trong gia đình và người chăm sóc trẻ sơ sinh nên chủng ngừa Tdap nếu chưa được chủng ngừa trước đó. Tốt nhất là mọi người trong gia đình nên chủng ngừa ít nhất 2 tuần trước khi tiếp xúc với trẻ sơ sinh.

    - Nếu không chủng ngừa trong thời kỳ mang thai, nên tiêm vắc xin Tdap ngay sau khi sinh nếu người phụ nữ chưa bao giờ chủng ngừa Tdap trước đó trong các giai đoạn vị thành niên, trưởng thành hoặc trong các lần mang thai trước.

    - Có những trường hợp nhất định cần sử dụng vắc xin Tdap ngoài thời gian 27 –  36 tuần. Ví dụ, trong trường hợp điều trị vết thương, cơn ho gà hoặc các trường hợp giảm nhẹ khác, cần thiết để bảo vệ khỏi lây nhiễm thay cho việc tiêm vắc xin trong thời gian 27 – 36 tuần của thai kỳ.

    - Nếu phụ nữ mang thai được chủng ngừa sớm trong thai kỳ (ví dụ trước khoảng thời gian 27 – 36 tuần) thì không cần phải chủng ngừa nữa khi 27 – 36 tuần.

    Các tình huống đặc biệt trong thai kỳ:

    Bùng phát dịch bệnh:

    Phụ nữ mang thai sống ở các khu vực có các ổ dịch mới hoặc có dịch tễ bệnh ho gà nên được chủng ngừa càng sớm càng tốt để bảo vệ bản thân theo khuyến cáo địa phương dành cho những người trưởng thành và không mang thai. Trong những tình huống này, thời điểm tối ưu chủng ngừa (từ 27 đến 36 tuần tuổi thai) thường ít được lưu tâm hơn để bảo vệ người phụ nữ khỏi bệnh phổ biến ở địa phương. Việc bảo vệ trẻ sơ sinh vẫn được duy trì khi việc chủng ngừa được thực hiện sớm hơn trong cùng lần mang thai. Điều quan trọng là phụ nữ mang thai không nên tiêm ngừa nhắc lại trong cùng lần mang thai nếu đã được chủng ngừa trong tam cá nguyệt thứ nhất hoặc thứ hai.

    Điều trị vết thương:

    Là một phần trong việc chăm sóc điều trị vết thương chuẩn để phòng ngừa uốn ván, vắc xin chứa giải độc tố uốn ván được khuyến cáo chủng ngừa ở phụ nữ mang thai nếu đã từ 5 năm trở lên kể từ lần chủng ngừa uốn ván và bạch hầu (Td) trước đó. Nếu phụ nữ mang thai được chỉ định chủng ngừa Td nhắc lại để điều trị vết thương cấp thì bác sĩ sản phụ khoa hoặc nhân viên y tế nên chỉ định tiêm vắc xin Tdap, bất kể tuổi thai. Phụ nữ mang thai không nên tiêm ngừa nhắc lại Tdap trong cùng lần mang thai nếu đã được chủng ngừa trong tam cá nguyệt thứ nhất hoặc thứ hai.

    Chỉ định chủng ngừa nhắc lại uốn ván và bạch hầu:

    Nếu một phụ nữ mang thai được chỉ định chủng ngừa nhắc lại vắc xin Td (ví dụ từ 10 năm trở lên từ lần chủng ngừa vắc xin Td trước đó) thì các bác sĩ sản phụ khoa và  nhân viên y tế nên chỉ định tiêm vắc xin Tdap vào 27 – 36 tuần tuổi thai. Khuyến cáo này là do tính chất không khẩn cấp và mong muốn có miễn dịch từ người mẹ. Điều này cũng sẽ tối đa hóa việc truyền kháng thể cho trẻ sơ sinh.

    Chưa chủng ngừa uốn ván hoặc chủng ngừa uốn ván không đầy đủ:

    Để đảm bảo sự bảo vệ cho mẹ và trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai chưa từng chủng ngừa uốn ván nên bắt đầu chủng ngừa vắc xin 3 trong 1 trong đó có chứa giải độc tố uốn ván, giải độc tố bạch hầu khi mang thai. Lịch tiêm được khuyến nghị cho vắc xin này là vào 0 tuần, 4 tuần và 6 – 12 tháng. Vắc xin Tdap nên được thay thế cho Td và tốt nhất là được cho trong khoảng từ 27 đến 36 tuần tuổi thai.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO:

    Update on Immunization and Pregnancy: Tetanus, Diphtheria, and Pertussis Vaccination The American College of Obstetricians and Gynecologosts. Committee opinion, number 718, September 2017.

     

    DS. Nguyến Tấn Xuân Trang

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ