Ngày 20/04/2018

Thông tin thuốc tháng 2/2018

    Nội dung: Cảnh giác dược  

    1. ANSM: Giới hạn chỉ định với các chế phẩm tiêm chứa suxamethonium (Thông tin dành cho các bác sỹ chuyên khoa cấp cứu, gây mê hồi sức và dược sỹ bệnh viện – 25/12/2017)
    2. Medsafe: Một số tin đáng lưu ý từ Prescriber Update của Medsafe tháng 12/2017
    3. Health Canada: Cảnh báo mới liên quan tới việc sử dụng thuốc gây mê và thuốc an thần cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ (26/12/2017)

     

    1. ANSM: Giới hạn chỉ định với các chế phẩm tiêm chứa suxamethonium

    Thông tin dành cho các bác sỹ chuyên khoa cấp cứu, gây mê hồi sức và dược sỹ bệnh viện:

    Cân nhắc việc sử dụng suxamethonium trong chỉ định giãn cơ cho các phẫu thuật ngắn không còn thích hợp với các tiêu chuẩn hiện hành, mặt khác, do nguy cơ gây phản vệ khi sử dụng các cura giãn cơ nói chung và đặc biệt là suxamethonium, các chế phẩm có chứa suxamethonium không được sử dụng với chỉ định "gây mê tác dụng ngắn trong phẫu thuật".

    Các chỉ định của suxamethonium từ nay được giới hạn như một thuốc trợ mê cho gây mê toàn thân:

    - Ở người lớn và trẻ em: Hỗ trợ đặt nội khí quản để nhanh chóng tiến hành thủ thuật được chứng minh bằng nguy cơ hít phải dịch dạ dày.

    - Ở người lớn: Trong điều trị bằng liệu pháp sốc điện để có được sự giãn cơ nhanh chóng.

     2. Medsafe: Một số tin đáng lưu ý từ Prescriber Update của Medsafe tháng 12/2017

    Tổng hợp các tin đáng lưu ý từ Prescriber Update của Cơ quan Quản lý Dược phẩm New Zealand (NZ) tháng 12/2017

    Chế độ liều dùng methotrexat 1 lần/tuần: Khi sử dụng trong điều trị viêm khớp dạng thấp, methotrexat được sử dụng 1 lần/tuần hoặc 3 lần trong 36 giờ/tuần. Acid folic thường được kê đơn vào một ngày khác không sử dụng methotrexat. Việc sử dụng methotrexat trong điều trị vảy nến cũng với tần suất 1 lần/tuần. Chế độ liều gián đoạn của methotrexat này có thể làm bệnh nhân bị lẫn lộn. Vì vậy, cần giải thích rõ cho bệnh nhân về chế độ liều cho bệnh nhân và đảm bảo rằng họ đã nắm được thông tin. Bác sĩ cũng nên kiểm tra lại xem bệnh nhân đã dùng thuốc đúng chưa. Các phản ứng có hại nghiêm trọng, có khả năng đe dọa tính mạng có thể bắt nguồn từ việc sử dụng methotrexat ở liều không đúng. Cũng cần lưu ý, giám sát chức năng gan, thận, công thức máu, chụp X-quang ngực trước và trong điều trị. Nguy cơ xuất hiện phản ứng có hại tăng lên khi sử dụng liều cao và kéo dài methotrexat. Độc tính trên gan có thể xảy ra mà không có các dấu hiệu độc tính trên tiêu hóa hoặc huyết học trước đó. Độc tính trên phổi bao gồm viêm nhu mô phổi và xơ phổi có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong quá trình điều trị. Methotrexat cũng thường bị chống chỉ định ở bệnh nhân suy gan. Vào ngày 30/9/2017, CARM nhận được 8 báo cáo về methotrexat, trong đó, có phát hiện được sai sót liên quan đến thuốc và metrotrexat được coi là thuốc gây ra ADR này. Những ca này bao gồm những bệnh nhân sử dụng methotrexat hàng ngày thay vì chế độ 1 lần/tuần, sử dụng viên methotrexat sai hàm lượng và bệnh nhân dùng methotrexat mà không được giám sát phù hợp.

    3. Health Canada: Cảnh báo mới liên quan tới việc sử dụng thuốc gây mê và thuốc an thần cho phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ

    Các thuốc gây mê và thuốc an thần được dùng dự phòng đau trong phẫu thuật, thủ thuật hoặc các xét nghiệm. Tuy nhiên, việc dùng các thuốc này có thể tác động đến sự phát triển não của trẻ. Ngày 22/12/2017, Cơ quan quản lý y tế Canada (Health Canada) thông báo: cảnh báo an toàn mới sẽ được bổ sung vào mục thông tin an toàn của các thuốc gây mê và thuốc an thần khi dùng các thuốc này cho trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Các thuốc này bao gồm: Diprivan (propofol), Ketalar (ketamine), Sevorane (sevoflurane), Suprane (desflurane), Forane/Isoflurane USP (isoflurane), Ativan (lorazepam), midazolam, phenobarbital và thiopental.

    Health Canada vừa thực hiện 2 cuộc rà soát để đánh giá nguy cơ tiềm tàng tác dụng bất lợi trên sự phát triển não của trẻ em khi các thuốc trên được dùng trong giai đoạn phụ nữ có thai và trẻ nhỏ. Cuộc rà soát thứ nhất về độ an toàn các thuốc Diprivan (propofol), Ketalar (ketamine), Sevorane (sevoflurane), Suprane (desflurane) and Forane/Isoflurane USP (isoflurane) cho thấy việc dùng nhắc lại hoặc kéo dài các thuốc này (hơn 3 giờ) trong giai đoạn phụ nữ mang thai hoặc ở trẻ từ 3 tuổi trở xuống có thể dẫn tới các tác dụng bất lợi trên sự phát triển não của trẻ, như trí thông minh và khả năng học hỏi, và các vấn đề vận động và giao tiếp. Cuộc rà soát thứ 2 về các benzodiazepine [Ativan (lorazepam) và midazolam] và barbiturates (phenobarbital và thiopental) cho thấy giới hạn bằng chứng chỉ ra mối liên quan giữa việc dùng thuốc trong giai đoạn phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ với các tác dụng bất lợi lên sự phát triển não bộ của trẻ. Tuy nhiên, cần lưu ý nhiều thuốc an thần thường được phối hợp với thuốc gây mê đường tĩnh mạch hoặc đường hít, việc phối hợp này có thể gây ra nguy cơ tác dụng bất lợi liên quan đến chức năng của não.

              Hiện tại, thông tin về an toàn các chế phẩm Ativan (lorazepam), midazolam, Diprivan (propofol) và Ketalar (ketamine) cảnh báo không nên sử dụng các thuốc này cho phụ nữ có thai. Bên cạnh đó, thông tin về an toàn các chế phẩm phenobarbital, Sevorane (sevoflurane), Suprane (desflurane) và Forane/Isoflurane USP (isoflurane) cảnh báo chỉ nên sử dụng các thuốc này trong giai đoạn mang thai nếu lợi ích vượt trội so với nguy cơ. Việc giới hạn dùng cho trẻ em giữa các chế phẩm rất khác nhau. Ngoài ra, hiện thiopental không được lưu hành tại Canada.

    Health Canada sẽ làm việc với nhà sản xuất để cập nhật thông tin an toàn các thuốc trên tới các cán bộ y tế.

    Khuyến cáo cho phụ nữ có thai, người chăm sóc, cán bộ y tế và bệnh nhân

    Cán bộ y tế và bệnh nhân cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi quyết định mức độ cần thiết của thủ thuật và thời gian thực hiện thủ thuật.

    Phụ nữ có thai, người chăm sóc nên trao đổi với cán bộ y tế nếu có câu hỏi hoặc quan ngại về độ an toàn của thuốc an thần, gây mê toàn thân và sự cần thiết của thủ thuật.

    Các tác dụng phụ liên quan đến việc dùng các thuốc này cần được báo cáo cho Health Canada.

    Nguồn: http://canhgiacduoc.org.vn/

    http://ansm.sante.fr/S-informer/Informations-de-securite-Lettres-aux-professionnels-de-sante/Produits-injectables-a-base-de-suxamethonium-restriction-d-indications-Lettre-aux-professionnels-de-sante

    http://healthycanadians.gc.ca/recall-alert-rappel-avis/hc-sc/2017/65516a-eng.php

    DS. Huỳnh Kim Hằng

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ