Ngày 05/04/2019

Thuốc giãn cơ Atracurium và Rocuronium

    THÔNG TIN THUỐC

    Tháng 04 năm 2019

     

    Nội dung:  Thuốc giãn cơ Atracurium và Rocuronium 

     1.     Atracurium besylate (Tên thương mại: Tracrium®)

    Chỉ định

    -         Chất chẹn thần kinh cơ không khử cực có tính cạnh tranh và chọn lọc cao, được sử dụng như một chất phụ trợ trong gây mê để có thể đặt nội khí quản và làm giãn cơ xương trong phẫu thuật hoặc thông khí có kiểm soát trong nhiều thủ thuật y khoa. Sử dụng để hỗ trợ việc thở máy cho những bệnh nhân ở khoa hồi sức tích cực (ICU).

    -         Gây giãn cơ vân trong khi phẫu thuật và để làm dễ kiểm soát hô hấp bằng máy sau khi gây mê.

    -         Thích hợp để duy trì giãn cơ trong phẫu thuật mổ lấy thai vì thuốc không đi qua nhau thai ở nồng độ có ý nghĩa lâm sàng sau khi dùng thuốc ở các liều đề nghị.

    Dược động học

    -         Hấp thu: thời gian bắt đầu tác dụng, thời gian tác dụng và tốc độ phục hồi phong bế thần kinh – cơ thay đổi tùy theo từng cá nhân và có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc mê (enfluran, isofluran, halothan) và liều dùng.

    -         Phân bố: sự phân bố của thuốc vào các mô và dịch cơ thể chưa biết đầy đủ. Tỷ lệ gắn protein khoảng 82%, tỷ lệ gắn kết với protein tăng lên ở người bị bỏng. Nửa đời sinh học của thuốc khoảng 20 phút và không bị ảnh hưởng nhiều do suy chức năng gan thận.

    -         Chuyển hóa: chuyển hóa nhanh thành các chất không có hoạt tính.

    -         Thải trừ: thuốc và các chất chuyển hóa được thải trừ qua nước tiểu và phân.

    Liều lượng: Điều chỉnh liều theo sự đáp ứng của từng cá nhân.

    -         Liều ban đầu: ở người lớn trong việc đặt nội khí quản là 0,4 – 0,5 mg/kg. Sau liều ban đầu này có thể thực hiện đặt ống nội khí quản đối với phẫu thuật không cấp cứu trong vòng 2 - 2,5 phút ở phần lớn bệnh nhân và sự phong bế thần kinh – cơ tới đa thường xảy ra trong vòng 3 – 5 phút. Khi sử dụng đồng thời với gây mê phối hợp, liều ban đầu này thường phong bế thần kinh cơ đủ trong lâm sàng khoảng 20-35 phút. Sự phục hồi tới tới 25% như lúc đầu sau khoảng 35 – 45 phút và tới 95% khoảng 1 giờ sau dùng. Nhà sản xuất khuyến cáo phải giảm liều ban đầu ở người lớn khoảng 33% (từ 0,25 – 0,35 mg/kg) nếu được chỉ định sau gây mê ổn định bằng enfluran hoặc isofluran.

    -         Liều duy trì – tiêm tĩnh mạch ngắt quãng: để duy trì sự phong bế thần kinh cơ trong các phẫu thuật kéo dài. Liều hiệu chỉnh theo từng cá nhân và liều thường dùng ở người lớn 0,08 – 0,1 mg/kg. Ở bệnh nhân được gây mê phối hợp, liều duy trì đầu tiên thường sau 20 – 45 phút sau dùng liều ban đầu và lặp lại mỗi 15 – 25 phút.

    Tương tác thuốc

    Việc dùng đồng thời một số thuốc, gồm các thuốc gây mê, thuốc kháng sinh, lithi, thuốc giãn cơ xương, muối magnesi, procainamid và quinidin có thể ảnh hưởng tới hoạt tính phong bế thần kinh cơ của atracurium besylate.

    -         Thuốc gây mê: enfluran, isofluran và halothan làm tăng hiệu lực và kéo dài thời gian phong bế thần kinh – cơ gây ra bởi atracurium besylate.

    -         Một số thuốc chống nhiễm khuẩn (aminoglycosid, polymyxin) có thể làm tăng hoặc kéo dài sự giãn cơ xương gây bởi atracurium besylate.

    Đảo ngược tác dụng phong bế thần kinh – cơ

    Dùng một thuốc ức chế cholinesterase như neostigmin, pyridostigmin hoặc edrophonium thường phối hợp với atropin hoặc glycopyralat để phong bế tác dụng phụ muscarinic của thuốc ức chế cholinesterase.

    2.     Rocuronium bromid (Tên thương mại: Esmeron®)

    Chỉ định

    -         Thuốc hỗ trợ cho gây mê để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đặt ống nội khí quản trong giai đoạn khởi mê thường quy và đem lại sự giãn cơ vân trong phẫu thuật.

    -         Tạo điều kiện đặt ống nội khí quản trong kỹ thuật khởi mê nói tiếp nhanh.

    -         Thuốc hỗ trợ trong thực hiện hô hấp có điều khiển ở khoa chăm sóc đặc biệt (ICU).

    -         Ở bệnh nhân mổ lấy thai, rocuronium bromid có thể được sử dụng như một phần của kỹ thuật khởi mê tiếp nối nhanh với điều kiện không có khó khăn nào về việc đặt ống nội khí quản được dự đoán và sử dụng một liều đầy đủ thuốc mê hoặc suxamethonium trong quá trình đặt ống nội khí quản.

    Tác dụng dược lý

    -         Rocuronium bromid có hoạt tính chẹn thần kinh – cơ không khử cực, gây giãn cơ, có tác dụng nhanh và thời gian tác dụng trung bình. Sau khi tiêm, tác dụng giãn cơ xuất hiện trong vòng  1 – 2 phút, sao đó kéo dài 30 – 50 phút.

    -         Phân bố: 30% liên kết với protein huyết thanh. Nửa đời thải trừ là 1,4 - 1,6 giờ.

    -         Chuyển hóa: chất chuyển hóa của rocuronium bromid có hoạt tính phong bế thần kinh cơ yếu.

    -         Thải trừ: chủ yếu qua nước tiểu và một phần qua mật.

    Liều lượng: Điều chỉnh liều theo sự đáp ứng của từng cá nhân.

    -         Liều khởi đầu để đặt nội khí quản ở người lớn là 0,6 mg/kg tiêm tĩnh mạch nhanh. Sau khi tiêm, giãn cơ cần thiết để đặt nội khí quản trong vòng 1 phút, đa số bệnh nhân đặt xong nội khí quản trong vòng 2 phút, thời gian giãn cơ tối đa thường có trong vòng 3 phút. Khi dùng đồng thời với gây mê phối hợp nhiều thuốc, liều ban đầu thường làm giãn cơ đủ cho lâm sàng khoảng 31 phút. Nếu dùng liều cao 0,9 – 1,2 mg/kg thời gian giãn cơ lâm sàng tương ứng là 58 – 67 phút.

    -         Liều duy trì: khi dùng đồng thời với gây mê phối hợp, ở người lớn liều duy trì là 0,1 – 0,15 mg/kg hoặc 0,2 mg/kg, làm giãn cơ đủ cho lâm sàng khoảng 12 -17 – 24 phút tương ứng với các liều trên.

    -         Liều 0,6 mg/kg đã cho thấy an toàn để sử dụng trong mổ lấy thai. Thuốc không ảnh hưởng đến Apgar, trương lực cơ của thai hoặc sự thích nghi của tim và hô hấp. Phân tích mẫu máu ở dây rốn cho thấy rõ ràng là chỉ một lượng giới hạn rocuronium bromid truyền qua nhau thai, không đưa đến các tác dụng bất lợi trên lâm sàng ở trẻ sơ sinh.

    + Liều 1,0 mg/kg đã được nghiên cứu trong khởi mê tiếp nối nhanh nhưng chưa được nghiên cứu ở bệnh nhân mổ lấy thai.

    + Sự hóa giải phong bế thần kinh cơ gây ra bởi thuốc phong bế thần kinh cơ có thể bị ức chế hoặc không thỏa đáng ở bệnh nhân đang dùng muối magnesi vì muối magnesi làm tăng sự phong bế thần kinh cơ. Do đó phải giảm liều rocuronium bromid ở những bệnh nhân này.

    Tương tác thuốc

    -         Không dùng đồng thời với suxamethonium, chỉ dùng khi dấu hiệu của suxamethonium đã hết.

    -        Các thuốc làm tăng tác dụng của rocuronium: thuốc gây mê bay hơi (isofluran, enfluran, desfluran hoặc halothan), thuốc gây tê dùng kết hợp, kháng sinh (aminoglycosid, polymycin, tetracyclin…), chất đối kháng calci, thuốc tiêm chứa magnesi.

    -         Các thuốc làm giảm tác dụng của rocuronium: thuốc ức chế cholinesterase, thuốc động kinh (carbamazepine, phenytoin…) khi dùng kéo dài.

    Đảo ngược tác dụng phong bế thần kinh – cơ

    Trong trường hợp quá liều và phong bế thần kinh cơ kéo dài, bệnh nhân cần được tiếp tục thông khí hỗ trợ và an thần. Có 2 sự lựa chọn cho sự giải phong bế cơ thần kinh

    -         Ở người lớn, sugammadex có thể được sử dụng để hóa giải phong bế mạnh (sâu rộng) và phong bế sâu. Liều sugammadex được dùng tùy theo mức độ phong bế thần kinh cơ.

    -         Khi sự phục hồi tự phát bắt đầu, có thể sử dụng một thuốc ức chế acetylcholinesterase (neostigmin, edrophonium, pyridostigmin) hoặc sugammadex và cần được sử dụng với liều phù hợp.

     

    Tài liệu tham khảo

    1. Thông tin kê toa sản phẩm.
    2. Mims 2018.
    3. Dược thư quốc gia Việt Nam 2015.
    Ds Diễm Phương

    Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ