Ngày 24/09/2021

Khâu vòng cổ tử cung dự phòng sinh non

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

Phòng Công tác xã hội

Cổ tử cung (CTC) là một cấu trúc hình phểu, với lỗ cổ tử cung là đường thông giữa tử cung và âm đạo. Chiều dài kênh cổ tử cung bình thường từ 4-5cm. Trong thai kỳ, cổ tử cung đóng kín, ngăn cách buồng tử cung với âm đạo. Ở thời điểm sinh, cổ tử cung sẽ mở ra để em bé thoát ra ngả âm đạo. Tuy nhiên, khi cổ tử cung mở ra quá sớm sẽ gây sảy thai hoặc sinh non. Trẻ sinh cực non trước 28 tuần có rất ít khả năng sống được sau sinh.

Hình minh họa - nguồn internet

Khâu vòng CTC có tác dụng dự phòng cổ tử cung mở ra quá sớm ở thời điểm em bé chưa có khả năng sống. Đây là 1 thủ thuật sử dụng 1 chỉ khâu đặc biệt để khâu vòng quanh cổ tử cung nhằm mục đích đóng kín lỗ cổ tử cung. Thường được thực hiện ở tuổi thai từ 14-18 tuần. Đôi khi cũng được cân nhắc thực hiện ở tuổi thai lớn hơn.

Khi nào cần khâu CTC?

   Cổ tử cung suy yếu là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng cổ tử cung mở ra quá sớm khiến bạn có nguy cơ sảy thai to hoặc sinh non. Khâu vòng CTC nên được thực hiện để dự phòng sinh non ở những trường hợp này. Để xác định tình trạng cổ tử cung suy yếu cần dựa vào bệnh sử sản phụ khoa hoặc kết hợp với siêu âm đo chiều dài cổ tử cung.

  • Tiền sử sảy thai to hoặc sinh non trước 28 tuần với đặc điểm chuyển dạ nhanh, không đau.
  • Có yếu tố nguy cơ hở eo CTC như: khoét chóp hoặc sinh thiết lõi CTC, cắt đoạn CTC, tổn thương CTC do nong nạo thai kèm theo tiền sử sinh non trước 36 tuần.
  • Đo chiều dài CTC ngắn dưới 25mm ở tuổi thai dưới 24 tuần kèm theo yếu tố nguy cơ hở eo CTC hoặc sinh non trước 34 tuần.
  • Thai kỳ lần trước có thực hiện khâu CTC, đặc biệt là khâu CTC cấp cứu.

Thời điểm thực hiện khâu vòng

   Nếu bác sĩ đánh giá có tình trạng suy yếu cổ tử cung, khâu vòng CTC được thực hiện tốt nhất ở tuổi thai 14-18 tuần. Ở thời điểm trễ sau 24 tuần, khâu CTC có nguy cơ vỡ ối cao và có thể khiến em bé sinh sớm hơn.

   Khâu vòng CTC được thực hiện tại phòng mổ. 

Khâu CTC ngả âm đạo:

   Là phương pháp phổ biến nhất. Bác sĩ phẫu thuật sử dụng dụng cụ đặt vào âm đạo để bộc lộ cổ tử cung và khâu xung quanh nó bằng một chỉ khâu đặc biệt. Sau đó, vết khâu được thắt chặt và buộc lại, giúp giữ cho cổ tử cung đóng kín. Sau thủ thuật, bạn có thể về nhà ngay trong ngày, tuy nhiên, bạn nên ở lại bệnh viện ít nhất 24 giờ để được theo dõi.

   Đến khi thai đủ tháng hoặc khi tử cung có cơn gò chuyển dạ, chỉ khâu CTC sẽ được cắt bỏ để ngăn ngừa rách cổ tử cung hoặc vỡ tử cung. Em bé có thể sinh bằng phương pháp sinh thường hoặc mổ lấy thai nếu có chỉ định. Khâu CTC không làm tăng nguy cơ phải khởi phát chuyển dạ hoặc mổ lấy thai.

Khâu CTC ngả bụng:

   Đây là một phẫu thuật không phổ biến nhưng có thể được thực hiện nếu bạn đã từng khâu cổ tử cung ngả âm đạo trước đó nhưng không hiệu quả hoặc do cổ tử cung của bạn quá ngắn, không thể thực hiện khâu ngả âm đạo. Khâu CTC được thực hiện thông qua đường mổ trên bụng hoặc thông qua phẫu thuật nội soi ổ bụng. Trong trường hợp này, đường khâu sẽ không được cắt bỏ như chỉ khâu ngả âm đạo. Em bé của bạn cần được sinh bằng phương pháp sinh mổ.

   Phẫu thuật có thể được thực hiện trước khi bạn mang thai hoặc trong giai đoạn đầu của thai kỳ.

Khâu CTC cấp cứu là gì?

   Đôi khi, bạn có thể được chỉ định khâu CTC như một thủ thuật khẩn cấp sau khi cổ tử cung đã mở, để giúp ngăn ngừa sẩy thai to hoặc sinh non. Loại khâu CTC này có rủi ro cao hơn và không phải lúc nào cũng hiệu quả.

Không nên thực hiện khâu CTC khi:

  • Có dấu hiệu chuyển dạ sinh non (tử cung có cơn gò)
  • Đang có xuất huyết từ tử cung
  • Có tình trạng nhiễm trùng ở tử cung, viêm màng ối hoặc viêm âm đạo cấp
  • Thai nhi có dị tật bẩm sinh nghiêm trọng
  • Đã vỡ ối hoặc túi ối sa vào âm đạo

Các nguy cơ gặp phải sau khi khâu CTC là:

  • Xuất huyết
  • Nhiễm trùng, viêm màng ối
  • Vỡ ối non
  • Tổn thương bàng quang
  • Rách cổ tử cung
  • Vỡ tử cung
  • Chuyển dạ sinh non hoặc sảy thai.

Theo dõi sau khâu CTC:

   Trong vòng vài ngày đầu sau khâu CTC, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng như: Ra huyết âm đạo lượng ít, đau âm ỉ bụng dưới, đau khi đi tiểu. Các triệu chứng này là bình thường và sẽ hết sau vài ngày. Bạn có thể uống Acetaminophen để giảm đau.

   Sẽ là bất thường và cần tái khám ngay nếu bạn có triệu chứng như: đau bụng từng cơn do gò tử cung, ra nước ối, ra huyết lượng nhiều hoặc liên tục, dịch tiết âm đạo thay đổi màu hoặc có mùi hôi. Có thể cần phải cắt chỉ khâu CTC sớm nếu có các dấu hiệu trên.

 

Tham khảo:

https://www.rcog.org.uk/en/patients/patient-leaflets/cervical-stitch/

https://www.webmd.com/baby/pregnancy-cervical-cerclage#3

ThS. BS. Lê Võ Minh Hương

Kết nối với Bệnh viện Từ Dũ